Chỉ thị 05/CT-UBND năm 2020 xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2021-2025 do tỉnh Trà Vinh ban hành

Số hiệu 05/CT-UBND
Ngày ban hành 07/05/2020
Ngày có hiệu lực 07/05/2020
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Trà Vinh
Người ký Lê Văn Hẳn
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TRÀ VINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 05/CT-UBND

Trà Vinh, ngày 07 tháng 5 năm 2020

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM 2021-2025

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Trà Vinh lần thứ X (2015- 2020) và Nghị quyết số 13/2015/NQ-HĐND ngày 09/12/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, trong bối cảnh tình hình cả nước và thế giới có những thuận lợi và khó khăn đan xen, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Được sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, giám sát của HĐND tỉnh cùng với công tác quản lý, điều hành của Ủy ban nhân dân tỉnh, sự nỗ lực phấn đấu của các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân tỉnh Trà Vinh đã vượt qua khó khăn, thách thức, kinh tế - xã hội đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, tập trung giải quyết có hiệu quả các vấn đề về xã hội và bảo vệ môi trường.

Trong giai đoạn 2021-2025, dự báo tình hình trong nước và thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, đối với tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, tiềm ẩn rủi ro, thách thức cho quá trình phát triển bền vững, nhất là diễn biến phức tạp của dịch bệnh, biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Để tiếp tục phát huy những thành quả đạt được, vượt qua khó khăn, thách thức, đồng thời triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, tạo tiền đề cho phát triển trong những giai đoạn tiếp theo, thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 13/04/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các doanh nghiệp nhà nước tập trung triển khai xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 với các nội dung chính như sau:

A. YÊU CẦU XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI GIAI ĐOẠN 5 NĂM 2021-2025

1. Đối với đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020

a) Căn cứ các mục tiêu, chỉ tiêu, định hướng phát triển theo Nghị quyết Đại hội X của Đảng bộ tỉnh, các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế xã - hội 5 năm 2016-2020 và hàng năm; chú trọng đánh giá, phân tích cụ thể kết quả thực hiện từng chỉ tiêu, làm rõ nguyên nhân để rút ra bài học kinh nghiệm, làm cơ sở khắc phục những hạn chế, tồn tại, phát huy các thành tựu, khai thác lợi thế, tiềm năng phát triển của tỉnh trong giai đoạn tới.

b) Bảo đảm tính khách quan, trung thực, sát, đúng thực tiễn và có sự so sánh với kết quả thực hiện của giai đoạn 2011 - 2015. Số liệu đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 sử dụng theo số liệu chưa đánh giá lại, điều chỉnh quy mô kinh tế (theo Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ).

2. Đối với xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021- 2025

a) Kế hoạch của tỉnh phải bám sát các nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng bộ tỉnh, HĐND tỉnh phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 của cả nước, với quy hoạch có liên quan theo pháp luật về quy hoạch, chiến lược và kế hoạch 5 năm về phát triển kinh tế - xã hội của cả nước; phù hợp với đặc điểm, trình độ phát triển của từng ngành, từng địa phương và bảo đảm tính kết nối giữa các địa phương trong tỉnh, tăng cường liên kết, hợp tác phát triển với các tỉnh, thành trong cả nước; cần bám sát những dự báo, đánh giá tình hình, bối cảnh trong nước và quốc tế trong giai đoạn tới; đảm bảo sự kế thừa những thành quả của kế hoạch 5 năm 2016-2020, có sự đổi mới và tiếp thu, tiếp cận trình độ phát triển tiên tiến của khu vực và thế giới cũng như bảo đảm khắc phục những tồn tại, hạn chế, yếu kém trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020.

b) Các mục tiêu, định hướng và giải pháp, các chính sách phải bảo đảm tính khả thi, gắn kết với khả năng cân đối, huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực và phù hợp với khả năng thực hiện của các ngành, các cấp và địa phương trong tỉnh; cần phân tích, đánh giá, lựa chọn và sắp xếp thứ tự các mục tiêu ưu tiên trong kế hoạch; bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ giữa kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; bảo đảm việc lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững theo kế hoạch hành động thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Các mục tiêu, chỉ tiêu được tính toán, dự báo dựa trên số liệu giai đoạn 2016-2020 được đánh giá lại, điều chỉnh quy mô kinh tế (theo công bố của Tổng Cục Thống kê).

d) Việc xây dựng giải pháp tổ chức thực hiện bảo đảm tính đồng bộ, hệ thống, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị, các ngành, các cấp.

đ) Các sở, ban ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung phối hợp xây dựng hoàn chỉnh, thống nhất nội dung trước khi trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét; đăng tải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh nhằm huy động tối đa sự tham gia, góp ý của các cơ quan nghiên cứu, các đoàn thể, các hiệp hội, cộng đồng dân cư, các nhà đầu tư và doanh nghiệp để đảm bảo hoàn thiện nội dung kế hoạch theo yêu cầu.

B. MỤC TIÊU VÀ NHIỆM VỤ CHỦ YẾU CỦA KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ- XÃ HỘI GIAI ĐOẠN 2021-2025

I. MỤC TIÊU TỔNG QUÁT

Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP giai đoạn 2021-2025 đạt 09-10% (phấn đấu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI); tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo, thu hút đầu tư; phát triển mạnh kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế; tận dụng tốt thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, huy động tối đa các nguồn lực, gắn với liên kết vùng, thích ứng với biến đổi khí hậu, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững theo hướng xây dựng tỉnh Trà Vinh thành Trung tâm kinh tế biển, Trung tâm giao thương và Trung tâm năng lượng sạch của vùng đồng bằng sông Cửu Long, gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xây dựng con người, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; nâng cao phúc lợi xã hội và chất lượng cuộc sống của nhân dân. Tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Phấn đấu đến năm 2025, tỉnh Trà Vinh trở thành tỉnh phát triển trong nhóm đầu ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

II. ĐỊNH HƯỚNG VÀ NHIỆM VỤ

1. Tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo, thu hút đầu tư; phát triển mạnh kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế

Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, tạo bước chuyển về tăng năng suất lao động, hàm lượng khoa học và công nghệ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực; sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách phù hợp, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch, thúc đẩy khởi nghiệp, phát triển các ngành, lĩnh vực, các doanh nghiệp địa phương có thế mạnh, đồng thời thích ứng với yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đổi mới phương thức quản lý, quản trị theo hướng hiện đại; phát triển các sản phẩm có lợi thế, sản phẩm công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, tham gia có hiệu quả vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị trong, ngoài nước. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động xã hội sang những ngành, lĩnh vực có năng suất, hiệu quả cao; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh nền kinh tế.

Đổi mới cơ chế huy động nguồn lực, cơ chế ưu đãi, khuyến khích đầu tư theo định hướng chuyển dịch cơ cấu và phát huy lợi thế địa phương; chú trọng phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập.

Hoàn thành việc thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước theo tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước do Trung ương ban hành. Tiếp tục sắp xếp, nâng cao tính tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập. Triển khai các cơ chế, chính sách để phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế; khuyến khích và có giải pháp hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh đủ điều kiện lên doanh nghiệp; thu hút đầu tư nước ngoài có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, quản trị hiện đại. Chú trọng phát triển và chuyển giao khoa học và công nghệ, nhất là thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xem đây là yếu tố trọng yếu nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Thường xuyên tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

Đẩy mạnh việc cơ cấu lại tổng thể các ngành, lĩnh vực trọng tâm như: đầu tư công; nông nghiệp nông thôn và kinh tế biển; công nghiệp - thương mại - dịch vụ; phát triển kinh tế tư nhân; tăng cường liên kết, hợp tác phát triển với các tỉnh, thành trong cả nước(1); thực hiện có hiệu quả quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn; gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng với đảm bảo quốc phòng, an ninh.

2. Phát triển tỉnh Trà Vinh trở thành trung tâm kinh tế biển, trung tâm năng lượng sạch và trung tâm giao thương của đồng bằng sông Cửu Long

2.1. Phát triển tỉnh Trà Vinh trở thành trung tâm kinh tế biển

(1) Chủ động rà soát, bổ sung quy hoạch, các cơ chế chính sách của tỉnh về kinh tế biển theo hướng liên kết, phát triển bền vững; tạo điều kiện thuận lợi để huy động các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư xây dựng hạ tầng, phát triển khoa học, công nghệ, nguồn nhân lực và chuyển giao tri thức về biển để phát triển tỉnh trở thành một trung tâm chế biến thủy - hải sản, một nền nông nghiệp công nghệ cao có khả năng tham gia vào chuỗi giá trị trong nước và quốc tế. Bổ sung quy hoạch các đô thị ven biển; rà soát, điều chỉnh và xây dựng đồng bộ các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch liên quan đến biển theo hướng quản lý tổng hợp, phù hợp với hệ sinh thái biển, bảo đảm sự gắn kết hòa, đồng bộ giữa bảo tồn và phát triển các vùng đất liền, vùng ven bờ, vùng tiến của tỉnh và các tỉnh lân cận.

(2) Phát triển nuôi trồng, khai thác và chế biến hải sản: chuyển từ nuôi trồng, khai thác hải sản theo phương thức truyền thống sang công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao; tổ chức lại hoạt động khai thác hải sản theo hướng xa bờ. Thúc đẩy các hoạt động nuôi trồng, khai thác hải sản bền vững tăng cường bảo vệ, tái sinh nguồn lợi hải sản; hiện đại hóa công tác quản lý nghề cá trên biển; đẩy mạnh việc liên kết sản xuất theo hình thức hợp tác. Đầu tư nâng cấp các cảng cá, bến cá, khu neo đậu tàu thuyền, tổ chức tốt dịch vụ hậu cần nghề cá. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong nuôi trồng, khai thác, bảo quản, chế biến hải sản, tạo ra các sản phẩm chủ lực, có chất lượng, giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

[...]