Chỉ thị 05/CT-UBND năm 2018 về tăng cường công tác quản lý hoạt động karaoke, vũ trường và cơ sở kinh doanh nhà hàng ăn uống, giải khát trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
Số hiệu | 05/CT-UBND |
Ngày ban hành | 05/03/2018 |
Ngày có hiệu lực | 05/03/2018 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Đồng Nai |
Người ký | Trần Văn Vĩnh |
Lĩnh vực | Doanh nghiệp,Văn hóa - Xã hội |
ỦY BAN NHÂN
DÂN |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 05/CT-UBND |
Đồng Nai, ngày 05 tháng 3 năm 2018 |
Tỉnh Đồng Nai nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội cao hơn so với mức tăng bình quân của cả nước. Điều này đã tác động tích cực đến việc thực hiện các mục tiêu kinh tế, xã hội của tỉnh, đời sống văn hóa tinh thần, vật chất của người dân được nâng cao, nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng tăng. Các hoạt động văn hóa công cộng đã trở thành nhu cầu tinh thần chính đáng không thể thiếu của Nhân dân trong tỉnh.
Song hành với sự phát triển đó là sự ra đời ngày càng nhiều các dịch vụ karaoke và vũ trường. Các loại hình dịch vụ này phát triển lành mạnh sẽ đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa chính đáng của người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Thời gian qua, hoạt động karaoke, vũ trường trên địa bàn tỉnh phát triển tương đối mạnh mẽ, tác động đến đời sống văn hóa - xã hội, bước đầu đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của Nhân dân; công tác quản lý hoạt động karaoke, vũ trường trên địa bàn tỉnh đã dần đi vào nề nếp với việc Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 3630/QĐ-UBND ngày 08/11/2013 ban hành Đề án quy hoạch karaoke - vũ trường từ 2013 đến năm 2020 và Quyết định số 4142/QĐ-UBND ngày 22/12/2015 về phê duyệt bổ sung đề án quy hoạch karaoke - vũ trường đến năm 2020. Các chủ cơ sở kinh doanh đã có ý thức trong việc thực hiện các quy định của pháp luật, nhiều cơ sở đã có sự đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ và trang thiết bị phục vụ. Công tác quản lý nhà nước về hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa nói chung và hoạt động karaoke, vũ trường nói riêng được chú trọng và tăng cường; các hiện tượng tiêu cực trong hoạt động karaoke, vũ trường từng bước được hạn chế.
Tuy nhiên, những kết quả đạt được chưa thật sự vững chắc; thời gian gần đây, hoạt động kinh doanh biến tướng không đúng chức năng ngành nghề đã đăng ký, phát sinh các tệ nạn xã hội đang có chiều hướng gia tăng, ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, gây ra những bức xúc trong dư luận xã hội. Nguyên nhân chủ yếu là do một bộ phận doanh nghiệp vì lợi ích riêng đã cố tình vi phạm quy định pháp luật; nhiều cơ sở kinh doanh không đủ diện tích do quy định cấp phép trước đây, thiết bị âm thanh ánh sáng chưa đảm bảo, hoạt động quá giờ, tiếng ồn vượt quá quy định, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân, tình trạng sử dụng tiếp viên nữ phục vụ tại một phòng karaoke vượt quá số lượng quy định vẫn còn diễn ra ở một số cơ sở kinh doanh. Cá biệt, một số cơ sở kinh doanh vì chạy theo lợi nhuận đã môi giới mại dâm, bán rượu cho khách uống trong phòng hát; đăng ký ngành nghề kinh doanh nhà hàng ăn uống, bán lẻ thuốc lá, rượu bia, tổ chức biểu diễn nghệ thuật;… có hình thức biến tướng, trá hình hoạt động theo hình thức vũ trường. Hoạt động này đã có nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, môi trường văn hóa trên địa bàn tỉnh, các đối tượng thanh - thiếu niên sử dụng các chất ma túy, rượu, bia, gây ra các vụ ẩu đả, thương tích, thậm chí dẫn đến chết người. Một nguyên nhân nữa là cơ chế phân công và phối hợp quản lý giữa các ngành, các cấp, các đoàn kiểm tra liên ngành thiếu chặt chẽ, đồng bộ; vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhất là ở địa bàn các huyện, phường/xã chưa được phát huy đúng mức, trong công tác tuyên truyền, giáo dục, giám sát các hoạt động dịch vụ karaoke, vũ trường, dễ nảy sinh tệ nạn xã hội; các quy định pháp luật trong quản lý, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý còn nhiều điểm chưa hợp lý, chưa đủ sức răn đe. Trách nhiệm quản lý ngay tại địa bàn dân cư (phường, xã, thị trấn; khu phố, tổ dân phố, tổ nhân dân) còn nhiều bất cập; một số nơi còn coi việc quản lý dịch vụ này là trách nhiệm chỉ riêng ngành văn hóa, thể thao và du lịch…
Để tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường và các cơ sở kinh doanh nhà hàng ăn uống, giải khát tích cực đấu tranh ngăn chặn và đẩy lùi tệ nạn xã hội trên địa bàn tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:
1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
a) Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Quyết định số 3630/QĐ-UBND ngày 08/11/2013 của Ủy ban nhân tỉnh về việc ban hành Đề án quy hoạch karaoke - vũ trường từ 2013 đến năm 2020; Quyết định số 4142/QĐ-UBND ngày 22/12/2015 về phê duyệt bổ sung đề án quy hoạch karaoke - vũ trường đến năm 2020. Tiếp tục rà soát, nắm bắt nhu cầu thực tế của người dân, doanh nghiệp tại các địa phương để thực hiện bổ sung quy hoạch hàng năm (nếu có nhu cầu thực sự và đảm bảo các điều kiện theo quy định phục vụ Nhân dân). Tiếp tục củng cố, kiện toàn Đội Kiểm tra liên ngành 814 của tỉnh. Trang bị đủ điều kiện phương tiện cho công tác thanh kiểm tra; chỉ đạo, hướng dẫn Đội kiểm tra liên ngành 814 các cấp tăng cường công tác kiểm tra đột xuất hoạt động của các cơ sở karaoke, vũ trường, các địa điểm kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhằm phát hiện kịp thời hành vi vi phạm để có biện pháp xử lý phù hợp, đúng quy định. Xây dựng phương án phối hợp Công an tỉnh giải quyết tình trạng các cơ sở kinh doanh lĩnh vực này sử dụng lực lượng đeo bám, nhắn tin đe dọa, có hành vi gây khó khăn, cản trở các thành viên Đoàn kiểm tra thi hành nhiệm vụ (nếu có).
b) Phối hợp các ngành, địa phương rà soát, lập danh sách kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường trên địa bàn tỉnh, định kỳ hàng năm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh tình hình quản lý nhà nước đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ này, phương án, tiến độ xử lý các trường hợp vi phạm và các biện pháp khắc phục, kiên quyết lập lại an ninh, trật tự trên địa bàn.
c) Nắm bắt tình hình thực tế trên địa bàn tỉnh, phối hợp các sở, ngành, địa phương tham mưu UBND tỉnh nội dung kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương nhằm sửa đổi, bổ sung các nghị định, thông tư nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước liên quan đến hoạt động karaoke, vũ trường và các cơ sở kinh doanh nhà hàng ăn uống, giải khát.
a) Tổ chức cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Trong đó cần lưu ý các ngành, nghề kinh doanh nếu có biến tướng hoạt động thì kịp thời cung cấp thông tin đăng ký doanh nghiệp cho cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành và địa phương để phối hợp quản lý.
b) Tổ chức hướng dẫn các doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề đầu tư có điều kiện có trách nhiệm liên hệ với cơ quan có thẩm quyền để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự, giấy phép kinh doanh hoặc các loại văn bản chứng nhận, chấp thuận khác trước khi tổ chức hoạt động kinh doanh.
c) Chủ trì, phối hợp các ngành, địa phương tổ chức thực hiện Quyết định số 34/2016/QĐ-UBND ngày 08/6/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Thực hiện gửi thông tin đăng ký kinh doanh đến các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Phối hợp với các cơ quan chức năng trong xử lý hành vi vi phạm pháp luật của doanh nghiệp. Định kỳ 06 tháng, 01 năm tiến hành sơ kết, tổng kết việc thực hiện Quy chế phối hợp.
d) Khi cấp giấy phép đăng ký kinh doanh liên quan đến ngành nghề kinh doanh karaoke, vũ trường phải phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt và các điều kiện cần thiết, tránh tình trạng cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nhưng đã đủ số lượng theo quy hoạch được duyệt.
a) Chỉ đạo các đơn vị, phòng chức năng và Công an các địa phương chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương, các ngành liên quan thường xuyên tổ chức rà soát, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng có điều kiện về an ninh, trật tự tại các địa bàn. Đồng thời cử cán bộ tham gia Đội kiểm tra liên ngành các cấp.
b) Tăng cường công tác quản lý địa bàn, kiên quyết xử lý các cơ sở kinh doanh hoạt động quá giờ quy định; truy quét, xử lý các băng nhóm bảo kê, đối tượng lợi dụng các cơ sở kinh doanh để hoạt động tệ nạn xã hội. Thường xuyên rà soát, lập danh sách các đối tượng hình sự, đối tượng mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy hoạt động tại các cơ sở kinh doanh có phương thức hoạt động, kinh doanh tương tự như vũ trường nhằm đưa ra các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý.
c) Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát tại khu vực xung quanh các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường, các cơ sở kinh doanh nhà hàng ăn uống và giải khát biến tướng, đặc biệt kiểm tra việc sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông, qua đó ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật gây phức tạp an ninh trật tự.
d) Khi phát hiện các cơ sở có sử dụng ma túy, mất an ninh trật tự, có văn bản đề xuất các ngành, địa phương xử lý việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự tại các cơ sở kinh doanh theo tình hình thực tế.
Phối hợp các ngành, địa phương tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra việc mua bán rượu, bia, thuốc lá đối với các cơ sở kinh doanh nhà hàng ăn uống, giải khát, karaoke, vũ trường, đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật.
5. Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy tỉnh
a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan thực hiện công tác kiểm tra, hướng dẫn các điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy trong quá trình hoạt động của các cơ sở kinh doanh ngành nghề có điều kiện theo quy định của pháp luật. Trong đó lưu ý đối với cơ sở kinh doanh hoạt động karaoke, vũ trường, cơ sở nhà hàng ăn uống, giải khát và những nơi tập trung đông người phải tổ chức kiểm tra vào thời gian hoạt động cao điểm của cơ sở.
b) Kiên quyết xử lý đối với các trường hợp vi phạm các quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy và tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở có hành vi vi phạm có thể dẫn đến nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy nổ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc các cơ sở đã bị xử phạt vi phạm hành chính về phòng cháy chữa cháy mà tiếp tục vi phạm.
c) Khi tiến hành cấp giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế, văn bản nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy và các văn bản khác xác nhận về điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy phải soát xét kỹ đối với các nội dung: Đường giao thông giành cho xe chữa cháy, lối thoát nạn, điều kiện ngăn cháy, chống cháy lan; hệ thống điện; hệ thống, phương tiện về phòng cháy chữa cháy theo tiêu chuẩn, quy chuẩn và các văn bản quy phạm pháp luật về phòng cháy chữa cháy hiện hành.
d) Có văn bản đề nghị các ngành, UBND các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa khi cấp giấy phép xây dựng, giấy phép kinh doanh karaoke, vũ trường, cơ sở nhà hàng ăn uống, giải khát và những nơi tập trung đông người phải có ý kiến của Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy.