Chỉ thị 04/2010/CT-UBND tiếp tục tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự do tỉnh Hưng Yên ban hành

Số hiệu 04/2010/CT-UBND
Ngày ban hành 20/08/2010
Ngày có hiệu lực 30/08/2010
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Hưng Yên
Người ký Nguyễn Văn Thông
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Thủ tục Tố tụng

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 04/2010/CT-UBND

Hưng Yên, ngày 20 tháng 8 năm 2010

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TIẾP TỤC TĂNG CƯỜNG VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

Công tác thi hành án dân sự giữ vai trò quan trọng trong việc bảo đảm hiệu lực của các bản án, quyết định của Tòa án và các cơ quan có thẩm quyền khác, góp phần bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.

Trong những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong tỉnh, sự giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc các cấp, các ngành, đoàn thể tỉnh, công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh có những chuyển biến tích cực. Số việc thi hành án xong, với số tiền và tài sản thu được năm sau cao hơn năm trước; nhiều vụ việc thi hành án phức tạp đã được giải quyết dứt điểm; tổ chức bộ máy cơ quan thi hành án từng bước được kiện toàn, trình độ chuyên môn của Chấp hành viên, cán bộ thi hành án được nâng lên; cải cách hành chính trong thi hành án được đẩy mạnh với những quy định về thủ tục đơn giản nhưng chặt chẽ hơn; cơ sở vật chất của cơ quan thi hành án được tăng cường; Ban chỉ đạo thi hành án các huyện, thành phố trong tỉnh được thành lập và hoạt động khá hiệu quả trong việc giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc thi hành án phức tạp trên địa bàn tỉnh. Những kết quả trên đã góp phần không nhỏ vào việc giữ vững trật tự an toàn xã hội, hạn chế tình trạng khiếu nại, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền.

Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tiễn và nhiệm vụ trong tình hình mới, công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại, như: số lượng việc thi hành án dân sự tồn đọng nhiều; đơn thư khiếu nại vượt cấp về thi hành án dân sự chưa giảm, có trường hợp giải quyết không kịp thời, nguyên nhân của tình trạng này, một phần là do cơ sở vật chất, biên chế, tổ chức bộ máy, chế độ, chính sách, chất lượng cán bộ thi hành án dân sự chưa đồng bộ với yêu cầu nhiệm vụ được giao; mặt khác sự phối hợp của các cơ quan hữu quan với cơ quan thi hành án có lúc, có nơi thiếu hiệu quả; ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân chưa cao. Những hạn chế, tồn tại này đã làm giảm chất lượng, hiệu quả công tác thi hành án dân sự, cần được nhanh chóng khắc phục.

Để thực hiện có hiệu quả Luật Thi hành án dân sự năm 2008, tiếp tục tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức triển khai, thực hiện tốt các nhiệm vụ sau đây:

1. Sở Tư pháp:

a) Tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật do Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành trước đây trái với Luật Thi hành án dân sự, báo cáo đề xuất Uỷ ban nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ để phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.

b) Chủ trì, tham mưu giúp Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện việc tuyên truyền Luật Thi hành án dân sự; biên soạn, in ấn tài liệu và chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đoàn thể phổ biến, quán triệt những quy định pháp luật về thi hành án dân sự bằng nhiều hình thức, biện pháp khác nhau, trong đó tập trung tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về thi hành án dân sự; đồng thời xây dựng nội dung, chương trình, tài liệu tập huấn về Luật Thi hành án dân sự cho đội ngũ cán bộ tư pháp xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh.

2. Cục Thi hành án dân sự tỉnh:

a) Chủ động tham mưu giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước về công tác thi hành án dân sự được quy định tại Luật Thi hành án dân sự.

b) Thực hiện các biện pháp kiện toàn tổ chức, bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức các cơ quan thi hành án dân sự trong tỉnh đáp ứng vai trò, nhiệm vụ của cơ quan thi hành án trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Thực hiện theo phân cấp quản lý công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, điều động, bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chính sách đối với cán bộ của cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn.

c) Tham mưu giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh kiện toàn Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh.

d) Phối hợp với các Huyện uỷ, Thành uỷ chủ động củng cố, kiện toàn các tổ chức đảng, đoàn thể của Chi cục Thi hành án dân sự các huyện, thành phố.

đ) Chủ động phối hợp với các cấp, các ngành, chính quyền cơ sở, tích cực xác minh, phân loại và tổ chức thi hành có hiệu quả các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật; thực hiện có hiệu quả các biện pháp đẩy nhanh tiến độ thi hành án, khắc phục tình trạng việc thi hành án tồn đọng, hoàn thành các chỉ tiêu về thi hành án theo quy định của Bộ Tư pháp. Đồng thời chủ động báo cáo việc tổ chức cưỡng chế thi hành các vụ án lớn, phức tạp có ảnh hưởng về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh để có kế hoạch chỉ đạo phối hợp với các sở, ngành và Uỷ ban nhân dân các cấp ở địa phương đảm bảo thi hành dứt điểm từng vụ án.

e) Chủ động đề xuất Bộ Tư pháp cấp kinh phí; phối hợp với UBND các huyện, thành phố bố trí mặt bằng trình cấp có thẩm quyền quyết định việc đền bù, giải phóng mặt bằng để các cơ quan thi hành án dân sự được cấp đất xây dựng kho vật chứng thi hành án.

g) Thực hiện tốt việc tiếp nhận và giải quyết kịp thời các đơn thư khiếu nại, tố cáo về thi hành án; không để đơn thư khiếu nại tồn đọng, kéo dài, gây bức xúc hoặc khiếu kiện đông người làm ảnh hưởng đến trật tự xã hội tại địa phương.

3. Các sở, ban, ngành có liên quan:

a) Công an tỉnh phối hợp thực hiện tốt công tác bảo vệ cưỡng chế thi hành án, nhất là đối với những vụ việc phức tạp; hỗ trợ việc bảo đảm an toàn trụ sở, kho vật chứng của cơ quan thi hành án dân sự trong trường hợp cần thiết hoặc khi có yêu cầu của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự; chỉ đạo cơ quan điều tra chú trọng áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời để hạn chế việc tẩu tán tài sản, đảm bảo hiệu quả việc thi hành án; thực hiện việc chuyển giao vật chứng và các tài liệu liên quan đầy đủ, kịp thời cho cơ quan thi hành án theo quy định của pháp luật.

b) Bảo hiểm xã hội tỉnh, Kho bạc nhà nước, ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác phối hợp thi hành án; cung cấp đúng, đầy đủ, kịp thời thông tin số liệu về tài khoản của người phải thi hành án theo yêu cầu của Chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự; thực hiện quyết định của cơ quan thi hành án về cưỡng chế trừ vào thu nhập, khấu trừ tài khoản, trừ vào tiền của người phải thi hành án theo quy định của pháp luật hiện hành.

c) Các sở, ban, ngành của tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai thực hiện việc cung cấp thông tin, tài liệu, xác nhận tài sản và nguồn thu nhập của người phải thi hành án cho các cơ quan thi hành án khi có yêu cầu; tạo điều kiện thuận lợi cho người được thi hành án có được thông tin về tài sản, nguồn thu nhập của người phải thi hành án để cho cơ quan thi hành án tổ chức thi hành; thực hiện kịp thời việc chuyển dịch, đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản thi hành án theo quy định của pháp luật.

4. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

a) Chỉ đạo các cơ quan, đoàn thể ở địa phương tiếp tục tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến Luật Thi hành án dân sự cho các cơ quan, tổ chức và các tầng lớp nhân dân, nhằm nâng cao ý thức trong việc chấp hành pháp luật về thi hành án dân sự.

b) Phối hợp với Cục Thi hành án dân sự tỉnh trong việc kiện toàn tổ chức, bộ máy, nhân sự lãnh đạo Chi cục Thi hành án dân sự huyện, thành phố, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cơ quan thi hành án đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

c) Chỉ đạo công tác phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc tổ chức thi hành án dân sự trên địa bàn; tổ chức tốt việc cưỡng chế thi hành các vụ án lớn, phức tạp có ảnh hưởng về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương theo đề nghị của Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện, thành phố.

d) Kiện toàn Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự huyện, thành phố do Chi cục Thi hành án dân sự các huyện, thành phố làm tham mưu.

5. Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn:

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình phối hợp với Chấp hành viên và cơ quan thi hành án dân sự trong việc thông báo thi hành án, xác minh điều kiện thi hành án, áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án và các nhiệm vụ khác về thi hành án dân sự trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

[...]