Chỉ thị 37/2007/CT-UBND tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự do tỉnh Phú Yên ban hành

Số hiệu 37/2007/CT-UBND
Ngày ban hành 15/11/2007
Ngày có hiệu lực 25/11/2007
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Phú Yên
Người ký Phạm Ngọc Chi
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Thủ tục Tố tụng

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ YÊN
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 37/2007/CT-UBND

Tuy Hòa, ngày 15 tháng 11 năm 2007

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

Thực hiện Chỉ thị số 20/2001/CT-TTg ngày 11 tháng 9 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 19/2001/CT-UB ngày 22 tháng 11 năm 2001 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự. Nhìn chung, trong những năm qua công tác thi hành án dân sự có những chuyển biến tích cực, nhất là từ khi có Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 và các Nghị định của Chính phủ được ban hành, đã góp phần tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhà nước, tổ chức và công dân.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được công tác thi hành án dân sự vẫn còn một số hạn chế nhất định, lực lượng Chấp hành viên còn thiếu, chưa đáp ứng kịp thời số lượng án ngày càng tăng và có tính chất phức tạp; công tác chuyển giao án có số tiền dưới 500.000 đồng cho Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn thiếu sự phối hợp chặt chẽ; một số tổ chức và cá nhân không tự nguyện thi hành án.

Để thực hiện tốt Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02 tháng 6 năm 2005 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp và các văn bản quy phạm pháp luật về thi hành án dân sự, bảo đảm thực thi các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

1. Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của mình; chỉ đạo, thường xuyên theo dõi, đôn đốc và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đối với các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài. Đảm bảo sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức hữu quan với cơ quan Thi hành án dân sự.

2. Các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh tập trung thực hiện tốt công việc sau đây:

- Tổ chức thi hành dứt điểm các bản án, quyết định của Tòa án có điều kiện thi hành.

- Khi giao nhiệm vụ cho cán bộ, Chấp hành viên nhận việc thi hành án phải quy định thời gian kết thúc. Thường xuyên kiểm tra để kịp thời giải quyết những khó khăn phát sinh trong quá trình tổ chức thi hành án, tạo điều kiện để cấp dưới hoàn thành nhiệm vụ.

- Hàng năm, tổ chức rà soát lượng án tồn đọng, tiến hành xác minh phân loại án để có cơ sở xem xét, đề nghị miễn, giảm thi hành phần tiền phạt, án phí theo Thông tư liên tịch số 02/2005/TTLT ngày 17 tháng 6 năm 2005 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư Pháp, Bộ Công an và Bộ Tài chính về hướng dẫn việc miễn, giảm thi hành án đối với khoản tiền phạt, án phí. Đưa các vụ việc có điều kiện thi hành án tồn đọng, phức tạp ra liên ngành xem xét giải quyết.

- Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự cấp tỉnh, huyện tăng cường phối hợp với các ban ngành, đoàn thể và chính quyền các cấp trong công tác thi hành án dân sự. Tổ chức kiểm tra trách nhiệm của Thủ trưởng, Chấp hành viên cơ quan Thi hành án trong việc giải quyết án và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, tránh tình trạng khiếu nại vượt cấp, kéo dài gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh - trật tự ở địa phương. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra, nhất là thanh tra công vụ nhằm bảo đảm kỷ cương hành chính; chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính trong giải quyết công việc của công dân và doanh nghiệp. Triển khai thực hiện nghiệm túc công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong cơ quan Thi hành án dân sự; tăng cường đi cơ sở, hướng dẫn nghiệp vụ cho UBND cấp xã tổ chức thi hành án dưới 500.000 đồng, góp phần làm giảm lượng án tồn đọng.

- Cán bộ, công chức các cơ quan Thi hành án dân sự không ngừng rèn luyện phẩm chất đạo đức, nâng cao ý thức thái độ phục vụ nhân dân. Nghiêm cấm các hành vi quan liêu, hách dịch, cửa quyền, sách nhiễu, gây phiền hà đối với nhân dân.

3. Trưởng Thi hành án dân sự tỉnh, tham mưu cho Giám đốc Sở Tư pháp tiếp tục củng cố kiện toàn tổ chức của các cơ quan Thi hành án dân sự, kịp thời bổ sung đủ biên chế được giao, khắc phục tình trạng thiếu Chấp hành viên và lãnh đạo Thi hành án dân sự. Hàng năm, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, quản lý nhà nước, ngoại ngữ, tin học cho cán bộ, công chức thi hành án dân sự. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương thực hiện tốt qui chế dân chủ trong nội bộ cơ quan.

4. Uỷ ban nhân dân và Ban chỉ đạo thi hành án dân sự cấp huyện có trách nhiệm:

- Chỉ đạo, đôn đốc và tạo điều kiện cho thi hành dứt điểm các vụ án tồn đọng, có tính chất phức tạp, kéo dài. Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự chủ động đề xuất giải pháp khắc phục những loại án tuyên thiếu tính khả thi.

- Có kế hoạch kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện tốt việc tiếp nhận án chuyển giao và đôn đốc thực hiện án có giá trị dưới 500.000 đồng theo Thông tư số 05/2002/TT-BTP ngày 27 tháng 02 năm 2002 của Bộ Tư pháp hướng dẫn việc chuyển giao các vụ việc có giá trị dưới 500.000 đồng cho UBND các xã, phường, thị trấn trực tiếp đôn đốc thi hành.

5. Ngành Văn hóaông tin và các cơ quan thông tin đại chúng, phối hợp chặt chẽ với Sở Tư pháp đẩy mạnh công tác truyên tuyền, phổ biến giáo dục pháp luật về thi hành án dân sự trên các phương tiện thông tin đại chúng, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân đối với bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

6. Thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Trưởng Thi hành án dân sự tỉnh trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có biện pháp, kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện Chỉ thị này.

Giao Sở Tư pháp kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện và tổng hợp báo cáo kết quả cho Ban chỉ đạo thi hành án dân sự tỉnh và Bộ Tư pháp./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Phạm Ngọc Chi