Chỉ thị 01/2010/CT-UBND về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự trên địa bàn do tỉnh Bạc Liêu ban hành
Số hiệu | 01/2010/CT-UBND |
Ngày ban hành | 14/06/2010 |
Ngày có hiệu lực | 24/06/2010 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Bạc Liêu |
Người ký | Võ Văn Dũng |
Lĩnh vực | Thủ tục Tố tụng,Quyền dân sự |
ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/2010/CT-UBND |
Bạc Liêu, ngày 14 tháng 6 năm 2010 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG, NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẠC LIÊU
Trong những năm qua, công tác thi hành án dân sự tỉnh Bạc Liêu đã có nhiều chuyển biến tích cực. Số vụ việc được giải quyết xong của năm sau đều vượt cao hơn năm trước, nâng tổng số từ khi tái lập tỉnh đến nay đã thi hành dứt điểm gần 40.000 việc, góp phần bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, giữ gìn kỷ cương pháp luật, trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, số việc chưa kết thúc, chuyển kỳ sau vẫn tiếp tục gia tăng với nhiều nguyên nhân. Năm 2009, toàn tỉnh kết thúc trên 5.000 việc nhưng số chuyển kỳ sau hơn 4.000 việc, nếu tính cả số thụ lý mới thì năm 2010 phải thi hành trên 10.000 việc, trong đó, có những việc thi hành trên hai mươi năm mới kết thúc một việc (Thi hành đều).
Để tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu theo Luật Thi hành án dân sự năm 2008 được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 14 tháng 11 năm 2008, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2009; Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13 tháng 7 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự; Chỉ thị số 21/2008/CT-TTg ngày 01 tháng 7 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự; Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu Chỉ thị:
1. Giao Giám đốc các sở, Thủ trưởng các cơ quan, ban ngành cấp tỉnh, cấp huyện:
a) Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của từng ngành, địa phương, bằng nhiều hình thức thích hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thi hành án dân sự trong cán bộ, công chức và nhân dân; đồng thời, vận động, thuyết phục gia đình, người thân gương mẫu chấp hành pháp luật về thi hành án dân sự đã ban hành;
b) Chỉ đạo cấp mình và ngành dọc cấp dưới có trách nhiệm phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự thực hiện công việc có liên quan (Phối hợp cưỡng chế, cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan) khi có yêu cầu của Chấp hành viên, Thủ trưởng cơ quan Thi hành án theo Điều 11 của Luật Thi hành án dân sự năm 2008;
Các cơ quan, tổ chức, cá nhân đang nắm giữ thông tin hoặc quản lý tài sản, tài khoản của người phải thi hành án có trách nhiệm cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác khi có yêu cầu của người được thi hành án hoặc người đại diện ủy quyền của người được thi hành án theo Điều 6, Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13 tháng 7 năm 2009 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Thi hành án dân sự năm 2008.
2. Giám đốc Sở Tư pháp có trách nhiệm:
a) Chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức hữu quan rà soát các văn bản quy phạm pháp luật do địa phương ban hành trước đây trái với Luật Thi hành án dân sự, báo cáo đề xuất với cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ kịp thời những quy định không còn phù hợp với pháp luật hiện hành;
b) Chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp tục xây dựng kế hoạch, biên soạn đề cương, tài liệu tuyên truyền, phổ biến nội dung mới trong các văn bản pháp luật về thi hành án dân sự đến cán bộ, nhân dân trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã:
a) Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm thực hiện tốt tinh thần nội dung quy định tại Điều 174, 175 của Luật Thi hành án dân sự năm 2008, mục 7, Chỉ thị số 21/2008/CT-TTg ngày 01 tháng 7 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp đối với công tác thi hành án dân sự trên địa bàn cấp mình quản lý;
b) Tổ chức chỉ đạo phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan hữu quan, đoàn thể ở địa phương với cơ quan Thi hành án trong công tác thi hành án; thực hiện kịp thời việc chuyển dịch, đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản thi hành án (Hoặc dừng chuyển dịch, đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản của đương sự khi có yêu cầu của Chấp hành viên, Thủ trưởng cơ quan Thi hành án để ngăn chặn việc tẩu tán tài sản) theo quy định của pháp luật;
c) Chỉ đạo cơ quan chức năng ngăn chặn, xử lý kịp thời các trường hợp cơ quan Thi hành án đã cưỡng chế giao xong tài sản nhà ở, đất ở, đất sản xuất… người được thi hành án đã ký biên bản nhận giao tài sản nhưng sau đó bên phải thi hành án tự ý chiếm lại tài sản, đe dọa hành hung hoặc có hành vi cản trở người được thi hành án sử dụng tài sản được giao thì xử lý theo khoản 4 Điều 8 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13 tháng 7 năm 2009 của Chính phủ.
4. Giám đốc Công an tỉnh, Trưởng Công an các huyện, thị xã có trách nhiệm:
a) Tăng cường công tác phối hợp hoạt động thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật; có kế hoạch bảo vệ an toàn về con người, tài sản Nhà nước, tài sản của nhân dân và bảo đảm an ninh, trật tự trong từng trường hợp cưỡng chế thi hành án trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu;
b) Chỉ đạo cán bộ quản lý trại tạm giam, phân trại quản lý phạm nhân, các nhà tạm giữ trong tỉnh có trách nhiệm tích cực giáo dục, đôn đốc người phải thi hành án dân sự đang chấp hành hình phạt tù thi hành các khoản theo ủy quyền của cơ quan thi hành án dân sự;
c) Chỉ đạo cơ quan điều tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan thi hành án dân sự trong việc áp dụng biện pháp khẩn cấp, tạm thời để hạn chế việc tẩu tán tài sản, bảo đảm hiệu quả thi hành án; thực hiện việc chuyển giao vật chứng, tiền, tài liệu có liên quan trong từng vụ án bảo đảm kịp thời, đầy đủ theo quy định.
5. Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự và Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự các huyện, thị xã có trách nhiệm:
a) Tiếp tục kiện toàn tổ chức, tìm nguồn bổ sung đủ biên chế; tăng cường giáo dục tư tưởng chính trị, rèn luyện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp; tập trung xây dựng ngành thi hành án dân sự địa phương đủ năng lực hoàn thành nhiệm vụ trong điều kiện mới;
b) Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh và phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện, thị xã kiện toàn, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự ở địa phương phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành. Từng Ban chỉ đạo phải duy trì chế độ họp định kỳ và đột xuất để giải quyết kịp thời những vướng mắc theo thẩm quyền;
c) Chủ trì, phối hợp các ngành hữu quan xây dựng kế hoạch, quy chế công tác phối hợp, tạo cơ sở pháp lý nâng cao tinh thần cộng đồng trách nhiệm giữa cơ quan Thi hành án với các ngành hữu quan và chính quyền cơ sở;
d) Tích cực chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác xác minh, rà soát phân loại án để kịp thời giải quyết đúng pháp luật, minh bạch mọi trường hợp có điều kiện, chưa có điều kiện thi hành. Các trường hợp án có hiệu lực, đương sự có điều kiện thi hành phải kiên quyết xử lý dứt điểm trên cơ sở giáo dục, động viên họ tự nguyện chấp hành là tối ưu; đồng thời, cưỡng chế xử lý nghiêm theo pháp luật đối với các hành vi né tránh, chây ỳ, cố ý không chấp hành án, mặc dù đã áp dụng biện pháp cưỡng chế cần thiết. Trước mắt, cơ quan thi hành án kết hợp với cơ quan chức năng rà soát, cân nhắc một số trường hợp nổi cộm, có đủ điều kiện để đưa ra xử lý hình sự nhằm răn đe, giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật, góp phần thiết lập trật tự, kỷ cương pháp luật về thi hành án trên địa bàn tỉnh;
Các trường hợp hộ nghèo, đồng bào dân tộc, hộ gia đình thuộc diện chính sách có gia cảnh khó khăn nhưng phải thi hành nghĩa vụ di dời để trả nhà, dỡ nhà để trả đất, phát mãi nhà ở để trả nợ… việc thi hành án phải thận trọng, cân nhắc có giải pháp phù hợp với chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách xã hội của địa phương. Cần phối hợp với chính quyền, đoàn thể, các đối tượng khác giúp đỡ để họ có chỗ ở tối thiểu, ổn định cuộc sống trước mắt; không cưỡng chế trước, cận các ngày lễ lớn, bầu cử, Đại hội các cấp, đặc biệt là chưa thực hiện tháo dỡ nhà, buộc ra khỏi nhà khi đương sự chưa tạo được chỗ trú ngụ tối thiểu trong mùa mưa, bão (Nhất là hộ gia đình có nhiều đối tượng người già, trẻ em, phụ nữ mang thai và người bệnh tật);
Những trường hợp bản án, quyết định đã có hiệu lực nhưng đương sự kêu oan, phản ứng gay gắt; một số ngành hữu quan chưa đồng tình với bản án, quyết định vì có cơ sở cho rằng nội dung bản án, quyết định chưa phù hợp với chứng cứ, tài liệu có liên quan trong vụ việc thì cơ quan Thi hành án dân sự có trách nhiệm xác minh, thu thập tài liệu trên cơ sở quy định của pháp luật để báo cáo với Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự cấp mình xem xét, bàn biện pháp thi hành hoặc kiến nghị đến cá nhân, tổ chức có thẩm quyền xem xét, kết luận theo quy định;
đ) Tăng cường các biện pháp, hình thức công khai, minh bạch thủ tục hành chính trong hoạt động thi hành án, góp phần đơn giản hóa thủ tục theo thẩm quyền vì lợi ích chính đáng của nhân dân; nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Gắn việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân với khắc phục hậu quả thiệt hại (Nếu có) và xử lý kịp thời, minh bạch đối với công chức có sai phạm; tích cực phòng chống và loại trừ các biểu hiện nhũng nhiễu, vụ lợi, tiêu cực trong đội ngũ công chức của ngành ở địa phương;
e) Định kỳ, Thủ trưởng cơ quan Thi hành án báo cáo với Ủy ban nhân dân cùng cấp về kết quả hoạt động, đánh giá thuận lợi, khó khăn và đề xuất biện pháp tháo gỡ vướng mắc theo thẩm quyền của địa phương. Tùy theo điều kiện và tình hình thực tế khi có phát sinh, cơ quan thi hành án báo cáo với Ủy ban nhân dân cùng cấp về nhu cầu sử dụng đất xây cất trụ sở, kho vật chứng, nhu cầu hỗ trợ cơ sở vật chất, tài chính để được cân nhắc xem xét theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02 tháng 01 năm 2008 của Bộ Chính trị về nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp, Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 05 tháng 6 năm 2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp và Chỉ thị số 21/2008/CT-TTg ngày 01 tháng 7 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự.