Chỉ thị 02/CT-UBND năm 2010 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em do Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông ban hành

Số hiệu 02/CT-UBND
Ngày ban hành 04/02/2010
Ngày có hiệu lực 14/02/2010
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Đắk Nông
Người ký Y Thịnh
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐĂK NÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 02/CT-UBND

Gia Nghĩa, ngày 04 tháng 02 năm 2010

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO VỆ, CHĂM SÓC TRẺ EM

Trẻ em là tương lai của đất nước, do đó bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể, nhà trường, gia đình và toàn xã hội. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình Hành động quốc gia vì trẻ em Việt Nam giai đoạn 2001 - 2010 (Quyết định số 23/2001/QĐ-TTg ngày 26/02/2001) và Chương trình Ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm hại tình dục và trẻ em lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại, nguy hiểm giai đoạn 2004 - 2010 (Quyết định số 19/2004/QĐ-TTg ngày 12/2/2004). Sau gần mười năm thực hiện dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của các ngành, đoàn thể, sự chăm lo cho trẻ em của mỗi gia đình, cộng đồng, công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em đã đạt được một số thành tựu đáng khích lệ: đã đạt hoặc vượt nhiều mục tiêu, chỉ tiêu đến năm 2010 về chăm sóc sức khỏe, giáo dục cho trẻ em.

Để tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đặc biệt là công tác bảo vệ trẻ em, đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả mục tiêu vì trẻ em đến năm 2010, tạo cơ sở để thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong những năm tiếp theo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các ngành, các cấp thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, các ban ngành liên quan triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2009 - 2010 và triển khai xây dựng kế hoạch phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2011 - 2015 trình UBND tỉnh phê duyệt.

a) Rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về bảo vệ chăm sóc trẻ em, có ý kiến đóng góp để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, ban hành mới hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình cụ thể về bảo vệ và chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (từ khâu phòng ngừa, phát hiện kịp thời các trường hợp trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt; đến khâu cung cấp các dịch vụ hỗ trợ phục hồi, tái hòa nhập gia đình, cộng đồng cho trẻ em cần sự can thiệp, trợ giúp);

b) Hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em cấp huyện, xã. Thực hiện tốt các tiêu chuẩn, chế độ của Nhà nước đối với trẻ em;

c) Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phòng ngừa, trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; giải quyết tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục, bị lạm dụng sức lao động, bị mua bán, bạo lực; tăng cường triển khai các hoạt động phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em (đặc biệt là phòng, chống đuối nước) thông qua việc tăng cường hướng dẫn và kiểm tra thực hiện các quy định về phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em; về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, kịp thời ngăn chặn những hành vi vi phạm quyền trẻ em;

d) Đánh giá tình hình và kết quả thực hiện Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; các văn bản hướng dẫn thi hành luật; Các chính sách bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV; phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em; Đánh giá tình hình và kết quả thực hiện các mục tiêu trong Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em Việt Nam giai đoạn 2001 - 2010 (Quyết định số 23/2001/QĐ-TTg, ngày 26/02/2001 của Thủ tướng Chính phủ), Chương trình ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm hại tình dục và trẻ em phải lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại, nguy hiểm giai đoạn 2004 - 2010 (Quyết định số 19/2004/QĐ-TTg ngày 12/02/2004 của Thủ tướng Chính phủ);

e) Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy Quỹ bảo trợ trẻ em và Trung tâm phục hồi chức năng trẻ em khuyết tật tỉnh; đẩy mạnh việc khai thác các nguồn thu, sử dụng có hiệu quả các nguồn kinh phí trong việc hỗ trợ, trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn;

f) Thực hiện tốt chế độ báo cáo theo quy định.

2. Công an tỉnh:

a) Tăng cường kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện Chương trình hành động phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em giai đoạn 2004 - 2010 (Quyết định số 130/2004/QĐ-TTg ngày 14 tháng 7 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ), Đề án đấu tranh phòng, chống các loại tội xâm hại trẻ em, tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên thuộc Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm (Quyết định số 138/1998/QĐ-TTg ngày 31 tháng 7 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ);

b) Chỉ đạo Công an cấp huyện, xã: Xây dựng và thực hiện các kế hoạch đấu tranh quyết liệt, liên tục với tội phạm xâm hại trẻ em, tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên; tăng cường công tác xác minh đối với hồ sơ của trẻ em có nguồn gốc không rõ ràng nhưng được giới thiệu làm con nuôi người nước ngoài; nghiêm khắc xử lý các hành vi làm giả hồ sơ về nguồn gốc của trẻ em, đưa hối lộ, nhận hối lộ liên quan đến việc giới thiệu, giải quyết, đăng ký cho trẻ em làm con nuôi người nước ngoài hoặc lợi dụng việc giới thiệu, giải quyết, đăng ký cho trẻ em làm con nuôi người nước ngoài để trục lợi, thu lợi vật chất bất hợp pháp.

3. Sở Tư pháp:

a) Tăng cường hướng dẫn, thường xuyên kiểm tra đối với tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý cho trẻ em, công tác đăng ký khai sinh đúng thời hạn cho trẻ em;

b) Tăng cường thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác nuôi con nuôi, nhằm bảo đảm tính nhân đạo của hoạt động này, tránh lợi dụng để mua bán trẻ em. Bảo đảm việc giới thiệu, giải quyết cho trẻ em làm con nuôi người nước ngoài tại Việt Nam đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật hiện hành; kiểm tra chặt chẽ hồ sơ của người xin nhận con nuôi và hồ sơ của trẻ em được giới thiệu làm con nuôi người nước ngoài theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

4. Sở Giáo dục và Đào tạo:

Chỉ đạo xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh, không có bạo lực; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, chú trọng việc rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ, kỹ năng giao tiếp, ứng xử cho học sinh trong nhà trường.

5. Sở Y tế:

a) Chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em dưới 6 tuổi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em thuộc hộ gia đình nghèo; phục hồi chức năng cho trẻ em tàn tật; thực hiện thí điểm một số loại hình dịch vụ y tế hỗ trợ khẩn cấp cho trẻ em bị xâm hại tình dục, trẻ em là nạn nhân của bạo lực; cứu chữa chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho trẻ em bị tai nạn, thương tích;

b) Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách Quốc gia phòng, chống tai nạn, thương tích giai đoạn 2002 - 2010 (Quyết định số 197/2001/QĐ-TTg ngày 27 tháng 12 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ), chú trọng phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em.

6. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

a) Tăng cường thanh tra, kiểm tra và quản lý chặt chẽ các sản phẩm văn hóa, dịch vụ vui chơi, giải trí dành cho trẻ em;

b) Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, đề xuất việc xây dựng và phát triển hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em trong gia đình, nhằm tăng cường năng lực bảo vệ trẻ em cho các thành viên trong gia đình.

7. Sở Thông tin và Truyền thông:

Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tăng cường hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh và đổi mới các hoạt động truyền thông, giáo dục về chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ chăm sóc trẻ em; chú trọng giáo dục cộng đồng, gia đình và trẻ em về kỹ năng, biện pháp bảo vệ trẻ em; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động về thông tin, báo chí.

[...]
3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ