ỦY
BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
02/CT-UBND
|
Đà
Nẵng, ngày 03 tháng 02 năm 2021
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TIẾP TỤC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC HOẠT
ĐỘNG THĂM DÒ, KHAI THÁC, CHẾ BIẾN, SỬ DỤNG KHOÁNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ
NẴNG
Ngày 05 tháng 9 năm 2017, Chủ tịch Ủy
ban nhân dân thành phố ban hành Chỉ thị số 07/CT-UBND về việc tăng cường hiệu lực
thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Việc triển khai thực hiện Chỉ thị trong thời gian qua đã đưa hoạt động
thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản trên địa bàn thành phố đi
vào nề nếp. Công tác thanh tra, kiểm tra lĩnh vực khoáng sản đã được tăng cường,
đạt nhiều kết quả, nhờ đó, hoạt động khai thác khoáng sản trái phép đã giảm;
nhiều doanh nghiệp đã chú trọng đầu tư công nghệ khai thác, chế biến làm tăng
giá trị khoáng sản sau khai thác và thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, cải
tạo, phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản.
Tuy nhiên, hoạt động khoáng sản và
công tác quản lý nhà nước về khoáng sản còn một số tồn tại, hạn chế như: vẫn
còn nhiều doanh nghiệp chưa chú trọng đầu tư công nghệ, thiết bị khai thác, chế
biến gắn với công tác bảo vệ môi trường; chưa thực hiện nghiêm túc công tác cải
tạo, phục hồi môi trường, đóng cửa mỏ sau khi kết thúc khai thác theo quy định;
hoạt động khai thác trái phép chưa được ngăn chặn triệt để, nhất là khai thác
trái phép vàng, đất san lấp...còn diễn biến phức tạp.
Thực hiện Chỉ thị 38/CT-TTg ngày 29
tháng 9 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường quản lý
nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản (sau đây gọi chung là Chỉ thị số
38/CT-TTg) và Nghị định 23/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ
ban hành quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông
(sau đây gọi chung là Nghị định 23/2020/NĐ-CP). Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu lực
công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến và
sử dụng khoáng sản trên địa bàn thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố
chỉ thị:
Các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân
các quận, huyện (sau đây gọi chung là cấp huyện), Ủy ban nhân dân các xã, phường
(sau đây gọi chung là cấp xã):
1. Tiếp tục quán triệt
các Nghị quyết của Đảng, các văn bản pháp luật của Hội đồng nhân dân thành phố,
Ủy ban nhân dân thành phố (lưu ý các văn bản: Công văn số 7043/UBND-TNMT ngày
26/10/2020, Quyết định số 797/QĐ-UBND ngày 18/02/2019, Quyết định số
6937/QĐ-UBND ngày 12/12/2017 của Ủy ban nhân dân thành phố) và các văn bản quy
phạm pháp luật về khoáng sản đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người
lao động trong cơ quan, đơn vị; đến người dân và các tổ chức có liên quan.
2. Thực hiện nghiêm
các chủ trương, định hướng trong công tác thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng
khoáng sản theo quy định của trung ương, của thành phố. Việc cấp phép hoạt động
thăm dò, khai thác khoáng sản phải căn cứ quy hoạch khoáng sản, phù hợp với
năng lực chế biến, sử dụng và bảo đảm yêu cầu về môi trường, quốc phòng, an
ninh, trật tự xã hội.
3. Tăng cường công
tác thanh tra, kiểm tra, xử lý hoạt động khoáng sản; giám sát, đôn đốc và yêu cầu
các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản thực hiện nghiêm túc công tác cải tạo,
phục hồi môi trường, đóng cửa mỏ sau khai thác; kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm
và xử lý kỷ luật đối với người đứng đầu chính quyền địa phương cấp huyện, cấp
xã nếu để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép diễn ra trên địa bàn
thuộc phạm vi quản lý.
4. Sở Tài nguyên và
Môi trường
a) Tăng cường phối hợp với các sở,
ngành và chính quyền địa phương trong công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp
hành pháp luật về khoáng sản, pháp luật khác có liên quan của các tổ chức, cá
nhân hoạt động khoáng sản, tập trung vào công tác bảo vệ môi trường trong khai
thác, chế biến khoáng sản, đặc biệt là hoạt động khai thác, sử dụng cát, sỏi
lòng sông. Xử lý nghiêm đối với các trường hợp khai thác khoáng sản không đúng
các quy định tại Giấy phép đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, gây ô nhiễm
môi trường, chưa thực hiện nghiêm túc công tác cải tạo, phục hồi môi trường,
đóng cửa mỏ sau khi kết thúc khai thác. Tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố
dừng khai thác, đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường đối với những khu vực
khai thác không hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường theo quy định pháp luật; rà
soát, kiểm tra công tác đóng cửa mỏ đối với các giấy phép khai thác khoáng sản
đã hết hiệu lực theo quy định.
b) Tham mưu UBND thành phố trong việc
phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ có liên quan để xác
định khu vực cấm, tạm cấm hoạt động khoáng sản. Kiểm tra, rà soát, đánh giá tình
hình cấp phép thăm dò, khai thác đối với các khu vực khoáng sản đã được Bộ Tài
nguyên và Môi trường khoanh định, công bố là khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ
lẻ;
c) Rà soát, đôn đốc các tổ chức, cá
nhân được phép thăm dò, khai thác, vận chuyển cát, sỏi và khoáng sản khác trên
sông, suối, kênh, rạch, hồ chứa và vùng cửa sông ven biển thực hiện việc đánh
giá tác động đến bảo đảm sự ổn định của bờ sông và các vùng đất ven sông, bảo đảm
sự lưu thông của dòng chảy, khả năng tiêu, thoát lũ trong mùa lũ, diễn biến bồi
lắng, sạt lở lòng, bờ bãi sông và ảnh hưởng đến các hoạt động khai thác nước
trên sông, an toàn của các công trình ven sông để thực hiện theo quy định;
d) Nâng cao chất lượng thẩm định, phê
duyệt báo cáo thăm dò khoáng sản (nhất là các báo cáo thăm dò khoáng sản thuộc
diện mỏ khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ), báo cáo đánh giá tác động môi trường các
dự án khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân thành
phố đảm bảo giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực đến môi trường khu vực khai
thác. Thực hiện việc gửi Giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền
cấp phép về Bộ Tài nguyên và Môi trường theo quy định; yêu cầu tổ chức, cá nhân
đã được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt trữ lượng trong báo cáo thăm dò
khoáng sản thực hiện trách nhiệm nộp Lưu trữ địa chất tại Tổng cục Địa chất và
Khoáng sản Việt Nam theo quy định, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân không thực
hiện;
đ) Phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn trong việc kiểm tra thủ tục xin chủ trương chuyển mục
đích sử dụng rừng sang mục đích khai thác khoáng sản và thực hiện nghĩa vụ trồng
rừng thay thế theo quy định;
e) Phối hợp cung cấp thông tin đầy đủ,
kịp thời để Cục Thuế thành phố quản lý tốt các khoản thuế; phí có liên quan đến
hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn thành phố;
g) Chủ động cung cấp thông tin liên
quan đến việc cấp và gia hạn giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản cho Ủy ban
nhân dân cấp huyện được biết để thuận lợi trong công tác quản lý, giám sát.
5. Sở Xây dựng
a) Tăng cường năng lực trong công tác
thẩm định Dự án đầu tư, Báo cáo kinh tế - kỹ thuật và bản vẽ thiết kế cơ sở các
dự án khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; đồng thời chủ
trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý
vi phạm đối với việc thực hiện thiết kế khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu
xây dựng thông thường;
b) Tăng cường kiểm tra chất lượng
khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, đặc biệt là chất lượng cát xây dựng.
Đề xuất đặt hàng các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ cụ thể liên quan
đến khả năng sử dụng cát nhiễm mặn, sản xuất vật liệu thay thế cát, sỏi tự
nhiên để làm vật liệu trong xây dựng;
c) Xác định các điểm tập kết khoáng sản
(cát, sỏi,...) và các điểm đổ thải để các Dự án, công trình vận chuyển, tập kết
đất, cát, bùn thải không sử dụng phù hợp với Luật Quy hoạch.
6. Sở Công Thương
a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan
liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm đối
với hoạt động vật liệu nổ công nghiệp của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản,
thi công công trình và việc thực hiện thiết kế khai thác mỏ của các doanh nghiệp
khai thác khoáng sản (trừ các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường)
trên địa bàn thành phố Đà Nẵng;
b) Phối hợp với Cục Quản lý thị trường
kiểm tra, xử lý nghiêm việc buôn bán, vận chuyển, xuất khẩu, tiêu thụ khoáng sản
không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn, chứng từ hợp lệ hoặc kiến nghị cấp
có thẩm quyền xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
7. Sở Giao thông vận
tải:
a) Chủ trì, phối hợp với các sở,
ngành, Ủy ban nhân cấp huyện và các lực lượng chức năng liên quan kiểm tra hoạt
động nạo vét luồng đường thủy nội địa; xử lý nghiêm các trường hợp thực hiện
không đúng chuẩn tắc thiết kế, lợi dụng việc nạo vét, khơi thông luồng để khai
thác cát, khoáng sản trái phép;
b) Chỉ đạo đơn vị quản lý bảo trì đường
thủy nội địa, trong quá trình tuần tra phát hiện trường hợp khai thác, tập kết
khoáng sản trái phép trên đường thủy nội địa được giao quản lý, thông báo đến Ủy
ban nhân cấp huyện để kịp thời kiểm tra, xử lý theo quy định;
c) Chỉ đạo lực lượng Thanh tra Sở
Giao thông vận tải tham gia phối hợp với các lực lượng chức năng từ thành phố đến
địa phương tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm
trong hoạt động vận chuyển khoáng sản bằng phương tiện đường bộ, đường thủy nội
địa trên địa bàn thành phố đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật
và tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý đối với tổ chức, doanh nghiệp khai thác
khoáng sản có hành vi xếp hàng vượt quá tải trọng cho phép khi lên phương tiện.
8. Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn:
a) Chủ trì, phối hợp với các sở,
ngành và địa phương liên quan quản lý hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản
trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi theo quy định của Luật Thủy lợi;
b) Phối hợp với các sở, ngành và địa
phương liên quan bảo vệ lòng, bờ bãi sông gắn với yêu cầu
về chỉnh trị sông, cải tạo cảnh quan ven sông theo quy định tại Nghị định số
23/2020/NĐ-CP;
c) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài
nguyên và Môi trường và địa phương liên quan kiểm tra việc trồng rừng thay thế
đối với các diện tích đã chuyển mục đích để khai thác khoáng sản; xử lý nghiêm các
tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật về trồng rừng thay thế;
d) Phối hợp chặt chẽ với Sở Tài
nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan rà soát quy hoạch rừng tự nhiên.
Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Bí thư tại Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12 tháng
01 năm 2017 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý, bảo vệ
và phát triển rừng đối với lĩnh vực thăm dò, khai thác khoáng sản, báo cáo Ủy
ban nhân dân thành phố kết quả và kiến nghị trong quá trình triển khai thực hiện;
đ) Tăng cường thanh tra, kiểm tra và
đề xuất biện pháp xử lý đối với các trường hợp khai thác khoáng sản vi phạm
pháp luật về đê điều, công trình bảo vệ bờ sông, bờ biển trên địa bàn thành phố;
phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố trong
việc phê duyệt, kiểm tra các Dự án nạo vét lòng hồ; nạo vét, khơi thông, chỉnh trị dòng chảy sông thuộc thẩm quyền.
9. Sở Tài chính: Hằng
năm, trên cơ sở dự toán của các cơ quan, đơn vị xây dựng theo quy định và khả
năng cân đối của ngân sách thành phố, Sở Tài chính tổng hợp, báo cáo Ủy ban
nhân dân thành phố trình Hội đồng nhân dân thành phố xem xét phê duyệt để thực
hiện công tác quản lý tài nguyên khoáng sản và thực hiện phương án bảo vệ
khoáng sản chưa khai thác của các sở, ngành và địa phương.
10. Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội: Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và chính quyền địa
phương liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra an toàn lao động trong khai
tháo khoáng sản, nhất là đối với mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường.
11. Sở Thông tin và
Truyền thông, Đài Phát thanh Truyền hình Đà Nẵng, Báo Đà Nẵng, Báo Công an Đà Nẵng:
a) Sở Thông tin và Truyền thông chủ
trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác hướng dẫn các cơ quan
báo chí và hệ thống thông tin cơ sở trên địa bàn thực hiện tuyên truyền, phổ biến
pháp luật về khoáng sản và các quy định pháp luật có liên quan bằng nhiều hình
thức và phương pháp phù hợp;
b) Các cơ quan báo chí địa phương:
Tăng cường xây dựng tin, bài, phóng sự... nhằm tuyên truyền, phổ biến các văn bản
quy phạm pháp luật về khoáng sản.
12. Công an thành
phố:
a) Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao
thông, Cảnh sát môi trường và các lực lượng có liên quan thuộc Công an thành phố
chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng liên quan
ngăn chặn hiệu quả và xử lý nghiêm theo quy định đối với các hành vi vi phạm về
khai thác khoáng sản, gây ô nhiễm môi trường; vận chuyển,
tập kết, kinh doanh và sử dụng khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp, đặc biệt
là đối với khoáng sản làm vật liệu san lấp, cát, sỏi lòng sông, vàng sa
khoáng...; các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, xuất, nhập khẩu khoáng sản
trái phép.
b) Phối hợp với Sở Giao thông vận tải,
Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp huyện làm việc và yêu cầu các
chủ đơn vị khai thác khoáng sản cam kết có biện pháp tuyên truyền, nhắc nhở về
an toàn giao thông đối với các lái xe, bảo đảm chạy đúng tốc độ cho phép, không
lấn làn, vượt sai quy định; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về tải trọng, gây
ô nhiễm môi trường trong hoạt động vận chuyển khoáng sản.
13. Bộ Chỉ huy quân
sự thành phố:
a) Tăng cường kiểm tra, xử lý các hoạt
động khoáng sản có hành vi vi phạm đến đất quốc phòng, công trình quốc phòng và
đất có tầm quan trọng cao, có tầm quan trọng đặc biệt trong thế trận phòng thủ
bảo vệ Tổ quốc theo Quyết định số 2412/QĐ-TTg ngày 19 tháng 12 năm 2011 của Thủ
tướng Chính phủ;
b) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị
quân đội đóng trên địa bàn, các sở, ngành và địa phương có liên quan tổ chức kiểm
tra, thẩm định về lĩnh vực quốc phòng đối với các dự án thăm dò, khai thác
khoáng sản trên địa bàn thành phố theo quy định tại Nghị định số 164/2018/NĐ-CP
ngày 21 tháng 12 năm 2018 của Chính phủ.
14. Bộ Chỉ huy Bộ đội
Biên phòng thành phố:
a) Phối hợp với lực lượng chức năng
tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn có hiệu quả và xử lý nghiêm theo quy
định của pháp luật đối với hành vi thăm dò, khai thác
khoáng sản trái phép, xuất khẩu lậu khoáng sản qua biên giới, đặc biệt là thông
qua đường biển;
b) Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ người,
phương tiện vào hoạt động khảo sát, thăm dò, khai thác khoáng sản trong khu vực
biên giới biển.
15. Cục Thuế thành
phố:
a) Rà soát, đánh giá tình hình nộp tiền
cấp quyền khai thác khoáng sản của các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản
trên địa bàn thành phố, trong đó bao gồm các tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền
cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường; chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện nghĩa
vụ nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản hàng năm theo quy định;
b) Thực hiện hiệu quả công tác quản
lý thuế đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác, kinh doanh khoáng sản
theo quy định của pháp luật. Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường
tăng cường kiểm soát chặt chẽ nguồn thu từ khoáng sản thông qua sản lượng khai
thác thực tế của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản.
Trước ngày 01 tháng 02 hàng năm, tổng
hợp cung cấp số liệu khối lượng khoáng sản kê khai nộp thuế, tình hình thực hiện
nghĩa vụ tài chính của các đơn vị hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn
thành phố cho Sở Tài nguyên và Môi trường để báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường.
16. Ủy ban nhân dân
cấp huyện:
a) Chủ trì thực hiện có hiệu quả công
tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn quản lý theo quy định tại khoản
2 Điều 17 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ
quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản; khoản 2 Điều 31 Nghị
định số 23/2020/NĐ-CP và Quyết định số 6937/QĐ-UBND ngày 12/12/2017 của Ủy ban
nhân dân thành phố về việc ban hành Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác
trên địa bàn thành phố Đà Nẵng;
b) Chủ trì, phối hợp với các sở,
ngành, cơ quan liên quan rà soát các bến bãi tập kết cát, sỏi lòng sông theo
quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 10, Nghị định số 23/2020/NĐ-CP;
c) Ngăn chặn hoạt động khai thác
khoáng sản trái phép, đặc biệt là khai thác vàng, cát, sỏi, đất san lấp,...ngay
sau khi phát hiện hoặc nhận được báo tin xảy ra hoạt động khai thác trái phép
trên địa bàn quản lý; xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật; trường hợp vượt
quá thẩm quyền, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố để xử lý theo quy định của
pháp luật;
d) Thực hiện có hiệu quả công tác kiểm
tra việc chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép khai
thác khoáng sản; Phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành trong quá trình triển
khai thực hiện nhiệm vụ theo chức năng, quyền hạn hoặc các nhiệm vụ định kỳ, đột
xuất do Ủy ban nhân dân thành phố giao;
đ) Quản lý, giám sát và kiểm tra hoạt
động cải tạo đất nuôi trồng thủy sản, cải tạo mặt bằng trên địa bàn; đánh giá
hiệu quả của các công tác này. Nghiêm cấm việc cho phép cải tạo mặt bằng, cải tạo
đất nuôi trồng thủy sản, hoặc nạo vét ao, hồ, sông kết hợp thu hồi khoáng sản
trái phép;
e) Định kỳ hàng năm, có phương án, kế
hoạch cụ thể tổ chức tuyên truyền, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý các hoạt động
khai thác khoáng sản trái phép. Báo cáo kết quả về Ủy ban nhân dân thành phố
thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp báo cáo;
g) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện
chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố khi để xảy ra tình trạng
khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn mà không xử lý hoặc để diễn ra kéo
dài, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
17. Ủy ban nhân dân
cấp xã:
a) Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục
pháp luật về khoáng sản đến thôn/bản/xóm; vận động nhân dân địa phương không
khai thác, thu mua, tàng trữ, vận chuyển khoáng sản trái phép, phát hiện và tố
giác tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trái phép; thực hiện Phương án bảo vệ
khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn. Báo cáo kết quả về Ủy ban nhân cấp huyện
định kỳ hàng tháng, quý;
b) Thực hiện các giải pháp ngăn chặn
hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, đặc biệt là khai thác vàng, cát, sỏi,
đất san lấp,... ngay sau khi phát hiện; trường hợp vượt thẩm quyền kịp thời báo
cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện để chỉ đạo công tác giải tỏa;
c) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã chịu
trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện khi để xảy ra tình trạng
khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn mà không xử lý hoặc để diễn ra kéo
dài mà không báo cáo đề xuất giải quyết.
Chỉ thị này thay thế Chỉ thị số
07/CT-UBND ngày 05 tháng 9 năm 2017 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố về
việc tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản trên địa
bàn thành phố Đà Nẵng. Trước ngày 15 tháng 01 hàng năm, các đơn vị báo cáo việc
thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị này, gửi Sở Tài nguyên và Môi trường
tổng hợp, báo cáo UBND thành phố gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 31
tháng 01 hàng năm.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố
yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đơn vị liên quan; Chủ tịch Ủy
ban nhân dân các quận, huyện; Chủ tịch UBND các xã, phường triển khai thực hiện
nghiêm túc Chỉ thị này./.
Nơi nhận:
- VPCP (b/cáo);
- Bộ TNMT (b/cáo);
- TTTU, TT HĐND t.p (b/cáo);
- UBMTTQ Việt Nam t.p (b/cáo);
- CT, các PCT UBND t.p;
- Tổng Cục ĐC&KS Việt Nam;
- Các Sở, ban ngành;
- Công an thành phố;
- BCH QS thành phố;
- BCH BĐBP thành phố;
- Cục Thuế thành phố;
- UBND các quận, huyện;
- Cục kiểm soát HĐKS miền Trung;
- Đài PTTH T/phố, Báo ĐN, CAĐN;
- UBND các xã, phường;
- Cổng thông tin điện tử thành phố;
- Lưu: VT, ĐTĐT, TNMT.
|
CHỦ
TỊCH
Lê Trung Chinh
|