Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Chỉ thị 02/2022/CT-CA về tăng cường công tác hòa giải, đối thoại theo Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án do Tòa án nhân dân tối cao ban hành

Số hiệu 02/2022/CT-CA
Ngày ban hành 14/03/2022
Ngày có hiệu lực 14/03/2022
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tòa án nhân dân tối cao
Người ký Nguyễn Văn Du
Lĩnh vực Thủ tục Tố tụng

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/2022/CT-CA

Hà Nội, ngày 14 tháng 3 năm 2022

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC HÒA GIẢI, ĐỐI THOẠI THEO LUẬT HÒA GIẢI, ĐỐI THOẠI TẠI TÒA ÁN

Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án số 58/2020/QH13 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV thông qua ngày 16/6/2020, tại kỳ họp thứ 9, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021.

Sau khi Luật này có hiệu lực thi hành, các Tòa án nhân dân đã triển khai, tổ chức thực hiện và bước đầu thu được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, việc triển khai thi hành Luật còn gặp những khó khăn, vướng mắc và chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Để đảm bảo hiệu quả thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chỉ thị:

I. TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN CÁC GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ CỦA HOẠT ĐỘNG HÒA GIẢI, ĐỐI THOẠI

1. Tập trung chỉ đạo và tổ chức thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án

a) Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện phải xác định việc tổ chức thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Tòa án mình.

b) Chánh án phân công Thẩm phán có năng lực, kinh nghiệm phụ trách hòa giải, đối thoại; tập trung chỉ đạo việc tuyên truyền và thực hiện các hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

c) Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại phải tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, thường xuyên nắm bắt việc triển khai thi hành Luật; phải kịp thời hướng dẫn, giúp đỡ Hòa giải viên thực hiện hoạt động hòa giải, đối thoại; đồng thời, đề xuất với Chánh án về những biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm hiệu quả của hoạt động hoà giải, đối thoại tại Tòa án.

d) Tòa án nơi tiến hành hòa giải, đối thoại đóng dấu treo của Tòa án vào Giấy mời và Thông báo của Hòa giải viên gửi các bên tranh chấp, khiếu kiện và các cơ quan, tổ chức có liên quan. Việc đóng dấu treo được thực hiện theo hướng dẫn tại Mục 13 của Công văn số 01/2021/GĐ-TANDTC ngày 01/7/2021 của Tòa án nhân dân tối cao về Giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ về hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

2. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án nhằm bảo đảm người dân nắm bắt được mục đích, lợi ích và trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại

Việc thông tin, tuyên truyền được thực hiện bằng các phương thức sau:

2.1. Trực tiếp phổ biến, tuyên truyền cho người khởi kiện, người yêu cầu

a) Chánh án Tòa án nơi tiến hành hòa giải, đối thoại phân công các Hòa giải viên tuyên truyền trong danh sách Hòa giải viên của Tòa án phối hợp với Bộ phận tiếp nhận đơn của Tòa án thực hiện nhiệm vụ phổ biến, tuyên truyền Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, cụ thể như sau:

- Trường hợp người khởi kiện, người yêu cầu trực tiếp nộp đơn khởi kiện, đơn yêu cầu tại trụ sở Tòa án thì bộ phận tiếp nhận đơn kiểm tra ngay đơn khởi kiện, nếu xét thấy thuộc trường hợp Hòa giải, đối thoại tại Tòa án thì phối hợp với Hòa giải viên phổ biến, tuyên truyền ngay về Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án cho người khởi kiện, người yêu cầu. Sau khi phổ biến, tuyên truyền mà họ đồng ý, bộ phận tiếp nhận đơn lập biên bản ghi nhận ý kiến đồng ý hòa giải, đối thoại theo quy định tại khoản 4 Điều 16 của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án;

- Trường hợp người khởi kiện, người yêu cầu gửi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính hoặc trực tuyến qua cổng thông tin điện tử của Tòa án thì Hòa giải viên trực tiếp liên hệ với người khởi kiện, người yêu cầu để phổ biến, tuyên truyền về Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và hướng dẫn họ trả lời Tòa án theo quy định.

b) Hòa giải viên được Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại ra quyết định chỉ định Hòa giải viên theo quy định tại Điều 5 của Thông tư số 03/2020/TT-TANDTC thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án cho người bị kiện kể từ thời điểm được chỉ định.

2.2. Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng

Các Tòa án cần phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo, đài để tuyên truyền về Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án bằng nhiều hình thức như: viết bài tuyên truyền về Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; thường xuyên đưa thông tin về những lợi ích mà kết quả hòa giải thành, đối thoại thành đã mang đến cho các bên tranh chấp, khiếu kiện, như đưa tin trên bảng tin, phát tờ rơi...

3. Tập trung kiện toàn tổ chức và nâng cao năng lực hoạt động của Hòa giải viên

- Tuyển chọn đầy đủ Hòa giải viên theo hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao;

- Thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng hòa giải, đối thoại; kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ các Hòa giải viên tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện hoạt động hòa giải, đối thoại;

- Hòa giải viên phải phấn đấu, rèn luyện để nâng cao trình độ, năng lực, kỹ năng hòa giải, đối thoại; khắc phục khó khăn để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình nhằm tạo uy tín, niềm tin để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tin tưởng lựa chọn hòa giải, đối thoại tại Tòa án; phối hợp chặt chẽ với Tòa án để thực hiện tốt việc phổ biến, tuyên truyền Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

4. Phát huy tính linh hoạt trong hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Phương thức hòa giải, đối thoại linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế của mỗi loại vụ việc là một đặc điểm nổi bật của hòa giải, đối thoại tại Tòa án cần được phát huy; đặc biệt trong điều kiện phòng chống dịch bệnh COVID-19 hiện nay. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, Hòa giải viên có thể trao đổi thông tin với các bên tranh chấp, khiếu kiện bằng điện thoại hoặc các phương tiện liên lạc điện tử khác, tăng cường cách thức làm việc riêng với từng bên. Khi các bên đạt được sự thỏa thuận, thống nhất thì mở phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại trụ sở Tòa án.

5. Bảo đảm cơ sở vật chất cần thiết cho hoạt động hòa giải, đối thoại

Căn cứ vào khả năng, điều kiện thực tế, Tòa án cấp tỉnh, Tòa án cấp huyện cần bố trí đầy đủ phòng làm việc cho Hòa giải viên, phòng hòa giải, đối thoại cho hợp lý; trang bị những phương tiện cần thiết để bảo đảm cho các Hòa giải viên có đủ điều kiện thực hiện nhiệm vụ.

[...]