Chỉ thị 01/CT-UBND năm 2014 tăng cường trách nhiệm và nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh Hưng Yên

Số hiệu 01/CT-UBND
Ngày ban hành 03/01/2014
Ngày có hiệu lực 03/01/2014
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Hưng Yên
Người ký Doãn Thế Cường
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------------

Số: 01/CT-UBND

Hưng Yên, ngày 03 tháng 01 năm 2014

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG TRÁCH NHIỆM VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC TIẾP DÂN, GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HƯNG YÊN

Trên địa bàn tỉnh những năm qua, công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo đã đạt kết quả tích cực, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn diễn biến phức tạp; tình trạng công dân gửi đơn thư nhiều nơi, tập trung đông người đến trụ sở cơ quan nhà nước khiếu kiện làm ảnh hưởng tới an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, một số công dân có hành động quá khích, lăng mạ cán bộ, công chức thi hành nhiệm vụ.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên; về chủ quan, công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cấp, các ngành có nơi còn chưa coi trọng; việc phân loại, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo chưa đúng, còn đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; còn vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài chưa có biện pháp giải quyết dứt điểm; kết quả xử lý, giải quyết một số vụ việc chưa hợp lý, hợp tình; việc áp dụng pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa chính xác, chưa đúng trình tự, thủ tục; chậm thi hành các quyết định hành chính có hiệu lực pháp luật; việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng, UBND các cấp trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa chặt chẽ, thường xuyên. Mặt khác, do nhận thức của công dân về pháp luật khiếu nại, tố cáo chưa đầy đủ, gửi đơn khiếu tố đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều tổ chức, cá nhân; có công dân lợi dụng chính sách dân chủ để kích động, lôi kéo, thậm chí có những hành động quá khích, xúc phạm người thừa hành nhiệm vụ.

Để khắc phục những hạn chế, yếu kém trên, chấn chỉnh, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thời gian tới; Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn

- Tiếp tục quán triệt các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy, của Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác tiếp công dân giải quyết khiếu nại tố cáo; đặc biệt là Thông báo kết luận số 130-TB/TW ngày 10/01/2008 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 39/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội và Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 18/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Xác định công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là nhiệm vụ chính trị thường xuyên; gắn công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo với công tác quản lý hành chính nhà nước; coi kết quả của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo là một tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá năng lực, hiệu quả công tác của người đứng đầu.

- Các cấp, các ngành cần nhận thức và thực hiện đúng các quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Nghị định số 75/2012/NĐ-CP và Nghị định số 76/2012/NĐ-CP ngày 03/10/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo; Quyết định số 2037/QĐ-UBND ngày 25/10/2013 của UBND tỉnh và các quy định liên quan đến công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo để áp dụng đúng về thẩm quyền, trình tự, thời hạn giải quyết. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng tới các tầng lớp nhân dân văn bản pháp luật về khiếu nại, tố cáo để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của toàn xã hội.

- Củng cố, kiện toàn tổ chức, cán bộ làm công tác tiếp công dân theo quy định. Bố trí lịch định kỳ tiếp công dân; chủ động tiếp xúc, đối thoại với công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Phải phân loại và giải quyết khiếu tố theo thẩm quyền ngay từ khi phát sinh vụ việc, không đùn đẩy lên cấp trên; những nội dung vượt thẩm quyền phải báo cáo cấp trên trực tiếp chỉ đạo, giải quyết.

- Trước khi kết luận giải quyết vụ việc khiếu nại, người giải quyết khiếu nại phải tổ chức đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định tại Điều 30, Điều 39 Luật Khiếu nại. Người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo phải có biện pháp giải quyết phù hợp với quy định của pháp luật, đảm bảo tính khả thi, hạn chế đến mức thấp nhất xảy ra khiếu nại đông người, vượt cấp. Việc thụ lý giải quyết khiếu nại phải thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật; phải ra quyết định giải quyết khiếu nại (lần 1, lần 2) theo thẩm quyền.

- Đối với các vụ việc cưỡng chế thi hành quyết định đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan có thẩm quyền: Trước khi cưỡng chế, các cơ quan chức năng phải tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật về cưỡng chế và làm đầy đủ các biện pháp vận động, thuyết phục; việc tổ chức cưỡng chế phải có phương án cụ thể, bảo đảm tuyệt đối an toàn và vào thời điểm phù hợp. Không được sử dụng vũ khí và lực lượng quân đội trong tổ chức cưỡng chế.

- Trường hợp khiếu nại, tố cáo đã có quyết định giải quyết theo đúng quy định của pháp luật thì người có thẩm quyền ban hành Thông báo chấm dứt giải quyết khiếu nại, tố cáo và đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng đã được UBND tỉnh và Thanh tra Chính phủ thống nhất phương án giải quyết. Tự kiểm tra, rà soát và giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài thuộc thẩm quyền theo Kế hoạch của Thanh tra Chính phủ và UBND tỉnh.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan hành chính cấp trên đối với cấp dưới trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; chấn chỉnh kịp thời những hạn chế, yếu kém, xử lý hoặc đề nghị xử lý cá nhân, tổ chức vi phạm.

2. Thanh tra tỉnh

- Hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các sở, ban, ngành thực hiện việc tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo; tổ chức thanh tra trách nhiệm và chấp hành pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện tốt công tác tập huấn, thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

- Phối hợp với Công an tỉnh và Văn phòng UBND tỉnh cử cán bộ có trách nhiệm thường trực tại Trụ sở Tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước trong thời gian diễn ra các kỳ họp Quốc hội và các sự kiện quan trọng khác của Đảng và Nhà nước; giải thích, hướng dẫn, vận động công dân về địa phương giải quyết theo quy định của pháp luật.

- Định kỳ chủ trì, phối hợp với Trụ sở Tiếp công dân của tỉnh và các sở, ngành liên quan kiểm tra, rà soát các vụ việc khiếu nại, tố cáo; tập trung kiểm tra, rà soát các vụ việc để thống nhất biện pháp giải quyết; trường hợp, việc giải quyết còn chưa thống nhất thì có văn bản xin ý kiến Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành liên quan.

3. Công an tỉnh

- Chỉ đạo các phòng nghiệp vụ và Công an các huyện, thành phố phối hợp với các cơ quan chức năng nắm chắc diễn biến tình hình các vụ khiếu kiện đông người, vượt cấp để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền có biện pháp xử lý, không để công dân khiếu kiện vượt cấp, không để phần tử xấu lợi dụng khiếu nại, tố cáo lôi kéo làm phức tạp tình hình.

- Tăng cường bảo đảm an ninh, trật tự liên quan đến công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại địa phương; làm rõ những hành vi có dấu hiệu tội phạm và xử lý kiên quyết theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để xúi giục, kích động gây rối, lăng mạ, chống người thi hành công vụ.

4. Sở Tài nguyên & Môi trường

- Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường; chú trọng đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xử lý đất dôi dư. Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn UBND cấp huyện, cấp xã liên quan đến công tác quản lý đất đai tại địa phương, thi hành pháp luật đất đai về giao đất, thu hồi đất và cưỡng chế thu hồi đất; phối hợp giải quyết những vướng mắc trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo và tranh chấp về đất đai.

- Rà soát quy trình lập, thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường, các chính sách bồi thường, hỗ trợ, tham mưu UBND tỉnh sửa đổi cho phù hợp.

5. Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự các cấp chỉ đạo cơ quan Thi hành án dân sự cùng cấp phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện dứt điểm các bản án có hiệu lực pháp luật; trường hợp khó khăn, vướng mắc phải kịp thời báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo giải quyết; rà soát các vụ việc thi hành án dân sự phức tạp, tồn đọng và đề xuất biện pháp thi hành.

6. UBND các huyện, thành phố

- Thực hiện tốt việc giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền; kiểm tra, chỉ đạo Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện nghiêm việc tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định của pháp luật;

- Nắm chắc diễn biến tình hình tại cơ sở, không để công dân khiếu kiện vượt cấp. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố để xảy ra tình trạng công dân khiếu kiện vượt cấp phải có trách nhiệm hướng dẫn, giải thích đưa công dân trở về địa phương giải quyết theo quy định; kiểm điểm trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về việc không chấp hành, chậm thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, để công dân tập trung đông người, khiếu kiện vượt cấp.

[...]