Chỉ thị 01/CT-TTg năm 2012 về biện pháp triển khai chủ trương chủ động và tích cực hội nhập quốc tế do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 01/CT-TTg
Ngày ban hành 09/01/2012
Ngày có hiệu lực 09/01/2012
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/CT-TTg

Hà Nội, ngày 09 tháng 01 năm 2012

 

CHỈ THỊ

VỀ MỘT SỐ BIỆN PHÁP TRIỂN KHAI CHỦ TRƯƠNG CHỦ ĐỘNG VÀ TÍCH CỰC HỘI NHẬP QUỐC TẾ

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng đã khẳng định chủ trương “phát huy cao độ nội lực, đồng thời tranh thủ nguồn lực bên ngoài và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế để phát triển nhanh, có hiệu quả và bền vững”. Tiếp đó, Đại hội X của Đảng nêu rõ chủ trương “chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực khác”. Cụ thể hóa các chủ trương này, ngày 27 tháng 11 năm 2001, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TW về hội nhập kinh tế quốc tế, và ngày 05 tháng 02 năm 2007 Ban Chấp hành Trung ương khóa X ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Thực hiện đường lối và chủ trương trên của Đảng, Chính phủ đã ban hành các chương trình hành động, chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương chủ động, tích cực triển khai công tác hội nhập kinh tế quốc tế và hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực trong giai đoạn 2001 - 2010 và đã đạt những kết quả quan trọng.

Đại hội XI của Đảng đã đề ra chủ trương “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế” nhằm khai thác tối đa các nguồn lực bên ngoài để phục vụ phát triển nhanh, bền vững và xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác đối ngoại trong thời gian tới. Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế là chủ trương chiến lược của Đảng ta, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới, phù hợp với thế và lực của đất nước sau 25 năm đổi mới và thực tiễn quá trình hội nhập của đất nước, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của công cuộc phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Triển khai chủ trương chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của Đại hội XI của Đảng, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:

1. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo:

- Tiếp tục tổ chức quán triệt sâu rộng, thống nhất nhận thức trong cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân về Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, về đường lối đối ngoại, về các cơ hội cũng như thách thức đặt ra đối với tiến trình hội nhập trong giai đoạn mới của đất nước nói chung và đối với từng ngành, địa phương và doanh nghiệp nói riêng.

- Tổng kết, đánh giá quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và mở rộng hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực trong 10 năm qua, tập trung làm rõ những mặt được, mặt chưa được, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm. Trên cơ sở đó, đề ra định hướng, bước đi trong hội nhập quốc tế giai đoạn 2011 - 2015 trên các lĩnh vực theo chức năng, nhiệm vụ của từng bộ, cơ quan, địa phương; gửi báo cáo tổng kết, đánh giá và định hướng hội nhập quốc tế đến Bộ Ngoại giao trước ngày 31 tháng 3 năm 2012 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4 năm 2012.

- Rà soát, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách, cơ chế, thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật; bảo đảm các khâu hoạch định chính sách, hoàn thiện luật pháp và xây dựng chiến lược phát triển trong nước phù hợp với các lộ trình và cam kết hội nhập quốc tế của Việt Nam; thực hiện đầy đủ các thỏa thuận và điều ước quốc tế đã ký kết, kiến nghị đàm phán, ký kết, gia nhập các điều ước quốc tế phục vụ hội nhập quốc tế, xây dựng báo cáo hàng năm về hoạt động ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế gửi Bộ Ngoại giao để tổng hợp trình Chính phủ; củng cố, hoàn thiện cơ chế chỉ đạo, điều phối, thực thi, giám sát thực hiện các hoạt động hội nhập quốc tế.

- Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ xây dựng và triển khai kế hoạch đào tạo, bố trí và sử dụng nguồn nhân lực vững vàng về chính trị, năng lực chuyên môn và ngoại ngữ trong các lĩnh vực hội nhập mà Việt Nam tham gia.

2. Bộ Ngoại giao:

- Chủ trì, phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan đề xuất, kiến nghị Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về hội nhập quốc tế trong quý II năm 2012.

- Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan cụ thể hóa các nhiệm vụ về đối ngoại và hội nhập quốc tế trong Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2015, đề xuất cơ chế chỉ đạo, phối hợp các lĩnh vực hội nhập quốc tế.

- Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nâng cao hiệu quả tham gia của Việt Nam tại các cơ chế, diễn đàn quốc tế, khu vực; xây dựng kế hoạch tham gia các hoạt động về an ninh - chính trị phù hợp tại các khuôn khổ đa phương, kế hoạch thực hiện trách nhiệm quốc tế của Việt Nam, kế hoạch đào tạo, giới thiệu người tham gia các tổ chức quốc tế, cơ quan giải quyết tranh chấp quốc tế quan trọng.

3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

- Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng Báo cáo đánh giá tác động kinh tế - xã hội sau 5 năm gia nhập WTO và đề xuất các biện pháp liên quan để hội nhập quốc tế sâu rộng, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15 tháng 02 năm 2012.

- Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan và các địa phương khẩn trương bổ sung, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 02 năm 2012.

- Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan và các địa phương hoàn tất Chiến lược phát triển xanh với lộ trình và các biện pháp cụ thể nhằm bảo đảm phát triển nhanh và bền vững, trình Thủ tướng Chính phủ trong quý III năm 2012.

- Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan và các địa phương cập nhật, bổ sung, sửa đổi các quy định, thủ tục về đấu thầu của Việt Nam, đề xuất chủ trương và lộ trình thực hiện các cam kết, đàm phán quốc tế trong lĩnh vực này, trình Thủ tướng Chính phủ trong quý III năm 2012.

4. Bộ Công Thương:

- Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan và các địa phương xây dựng báo cáo đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết 08/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa X và Nghị quyết 16/2007/NQ-CP của Chính phủ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý I năm 2012.

- Tổng kết, đánh giá việc triển khai các cam kết gia nhập WTO và các hiệp định mậu dịch tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt là các FTA của ASEAN với các nước đối tác, trên cơ sở đó khẩn trương hoàn tất Chiến lược tham gia các khu vực mậu dịch tự do (FTA) trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chủ động xây dựng kế hoạch triển khai, hoàn thiện Đề án tham gia Vòng đàm phán Đô-ha, trình Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ trên trong quý I năm 2012.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế đến năm 2020 để trình Thủ tướng Chính phủ trong quý IV năm 2012.

- Tham vấn các bên liên quan, đặc biệt là các địa phương và doanh nghiệp, về đàm phán kinh tế, thương mại quốc tế.

- Nâng cao hiệu quả phối hợp với các bộ, cơ quan, các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và các bên liên quan nhằm chủ động tháo gỡ kịp thời các vướng mắc về kinh tế, thương mại và giải quyết hiệu quả các tranh chấp thương mại quốc tế.

- Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của Ủy ban quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế, kiến nghị về bộ máy tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo công tác hội nhập kinh tế quốc tế theo hướng hiệu lực và hiệu quả hơn.

5. Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan rà soát, kiến nghị điều chỉnh, sửa đổi, bãi bỏ các quy định không phù hợp với các cam kết quốc tế của ta trong các văn bản quy phạm pháp luật và ban hành các quy định mới đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; đề xuất biện pháp nâng cao hiệu quả cơ chế pháp luật thực thi các cam kết quốc tế, đẩy nhanh việc nội luật hóa các cam kết quốc tế.

[...]