Chỉ thị 01/CT-BXD năm 2012 tăng cường thực hiện công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Xây dựng ban hành

Số hiệu 01/CT-BXD
Ngày ban hành 08/08/2012
Ngày có hiệu lực 08/08/2012
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Bộ Xây dựng
Người ký Cao Lại Quang
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Xây dựng - Đô thị

BỘ XÂY DỰNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/CT-BXD

Hà Nội, ngày 08 tháng 8 năm 2012

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN CÔNG TÁC KIỂM TRA VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT

Trong thời gian vừa qua các đơn vị trực thuộc Bộ đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật được quy định tại Điều 87, Điều 88, Điều 91 của Luật ban hành Văn bản quy phạm pháp luật số 17/2008/QH12 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 03/6/2008; Nghị định số 40/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật (sau đây gọi tắt là Nghị định số 40/2010/NĐ-CP), Thông tư số 20/2010/TT-BTP ngày 30/11/2010 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 40/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật (sau đây gọi tắt là Thông tư số 20/2010/TT-BTP).

Tuy nhiên, việc kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật do các Bộ, cơ quan ngang Bộ, HĐND và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành gửi đến Bộ Xây dựng chưa được tiến hành thường xuyên, kịp thời; nhiều đơn vị thực hiện không đúng yêu cầu của Nghị định số 40/2010/NĐ-CP, thậm chí có đơn vị không thực hiện việc kiểm tra, còn có sự chồng chéo giữa đơn vị được giao tiếp nhận, phân công đơn vị xử lý văn bản với đơn vị chủ trì trong công tác kiểm tra văn bản.

Để tăng cường công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật, Bộ trưởng Bộ Xây dựng yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ thực hiện tốt các việc sau:

1. Các văn bản do các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, HĐND và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi tắt là các cơ quan) ban hành gửi đến Bộ Xây dựng là đối tượng được quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 1, Điều 24 của Nghị định số 40/2010/NĐ-CP, Điều 2 Thông tư số 20/2010/TT-BTP và có nội dung liên quan đến các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng (sau đây gọi tắt là văn bản thuộc đối tượng kiểm tra) phải được kiểm tra và xử lý theo các quy định của Nghị định số 40/2010/NĐ-CP và Thông tư số 20/2010/TT-BTP. Việc xử lý văn bản có dấu hiệu trái pháp luật chỉ kết thúc khi văn bản đã được xử lý theo các quy định tại Điều 27, Điều 28, Điều 29, Điều 30 của Nghị định số 40/2010/NĐ-CP.

Các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Xây dựng ban hành hoặc liên tịch ban hành đều phải được tiến hành tự kiểm tra ngay sau khi văn bản được ban hành và khi nhận được thông báo của cơ quan, người có thẩm quyền kiểm tra văn bản yêu cầu hoặc kiến nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân và các phương tiện thông tin đại chúng.

2. Chủ trì kiểm tra và xử lý văn bản theo thẩm quyền đối với các văn bản thuộc đối tượng kiểm tra và có các quy định liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng mà đơn vị được phân công phụ trách, theo quy trình được quy định tại Điều 9 của Thông tư số 20/2010/TT-BTP và các quy định sau:

a) Kiểm tra văn bản: Kiểm tra và đôn đốc các đơn vị phối hợp kiểm tra gửi kết quả kiểm tra đúng thời gian; Tổng hợp kết quả kiểm tra của các đơn vị, ghi và gửi Phiếu kiểm tra văn bản (xem phụ lục kèm theo Chỉ thị) cho Văn phòng Bộ.

b) Xử lý đối với các văn bản có dấu hiệu vi phạm: Trong quá trình kiểm tra nếu phát hiện văn bản được kiểm tra có dấu hiệu vi phạm các quy định tại Điều 3, Điều 6, Điều 24 của Nghị định số 40/2010/NĐ-CPĐiều 3, Điều 4 Thông tư số 20/2010/TT-BTP đơn vị được giao chủ trì kiểm tra văn bản sẽ chủ trì phối hợp với Vụ Pháp chế và các đơn vị liên quan xử lý theo các quy định tại khoản 1 Điều 17, khoản 1 Điều 20, Điều 23, Điều 26 của Nghị định số 40/2010/NĐ-CP và các quy định tại Thông tư số 20/2010/TT-BTP, đồng thời tiến hành:

- Lập Phiếu kiểm tra văn bản có dấu hiệu trái pháp luật (mẫu số 01/BTP/KTrVB ban hành kèm theo Thông tư số 20/2010/TT-BTP) đối với các văn bản có dấu hiệu vi phạm pháp luật thuộc lĩnh vực do đơn vị phụ trách;

- Lập Hồ sơ về văn bản có nội dung trái pháp luật (theo quy định tại khoản 6 Điều 9 Thông tư số 20/2010/TT-BTP);

- Chủ trì xử lý đối với các văn bản có dấu hiệu vi phạm pháp luật do đơn vị hoặc đơn vị phối hợp phát hiện;

- Kiểm tra, đôn đốc cơ quan ban hành văn bản xử lý văn bản có dấu hiệu trái pháp luật;

- Thông báo diễn biến trong quá trình xử lý để Văn phòng Bộ bổ sung vào Phiếu kiểm tra văn bản.

c) Lập và gửi báo cáo kiểm tra, xử lý văn bản 6 tháng và hàng năm cho Vụ Pháp chế để tổng hợp:

Báo cáo công tác kiểm tra văn bản được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 8 và khoản 1 Điều 9 của Thông tư số 08/2011/TT-BTP ngày 05/4/2011 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn một số nội dung về công tác thống kê của Ngành Tư pháp, cụ thể như sau:

- Báo cáo 6 tháng: Thời điểm lấy số liệu tính từ ngày 01 tháng 10 năm trước đến ngày 31 tháng 3 của năm báo cáo; Các đơn vị lập và gửi báo cáo cho Vụ Pháp chế trước ngày 03 tháng 4 của năm báo cáo.

- Báo cáo cả năm: Thời điểm lấy số liệu tính từ ngày 01 tháng 10 năm trước đến ngày 30 tháng 9 của năm báo cáo; Các đơn vị lập và gửi báo cáo cho Vụ Pháp chế trước ngày 03 tháng 10 của năm báo cáo.

 3. Phối hợp với các đơn vị chủ trì kiểm tra, xử lý văn bản:

a) Về việc kiểm tra văn bản:

- Thực hiện theo các quy định tại khoản 2, 3, 4 Điều 9 Thông tư số 20/2010/TT-BTP;

- Ghi và chuyển Phiếu kiểm tra văn bản cho đơn vị chủ trì kiểm tra.

b) Về việc xử lý đối với các văn bản có dấu hiệu vi phạm:

- Lập và chuyển Phiếu kiểm tra văn bản có dấu hiệu trái pháp luật cho đơn vị chủ trì kiểm tra;

- Phối hợp với đơn vị chủ trì kiểm tra trong việc xử lý các văn bản có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

4. Tự kiểm tra, xử lý văn bản do đơn vị chủ trì soạn thảo và được Bộ Xây dựng ban hành theo các quy định tại Điều 11 và Điều 12 của Nghị định 40/2010/NĐ-CP.

Trong quá trình tự kiểm tra, xử lý văn bản có thể phối hợp với các đơn vị có liên quan để kiểm tra, xử lý đối với các nội dung không thuộc chức năng nhiệm vụ của đơn vị.

[...]