Thông tư 08/2011/TT-BTP hướng dẫn nội dung về công tác thống kê của Ngành Tư pháp do Bộ Tư pháp ban hành

Số hiệu 08/2011/TT-BTP
Ngày ban hành 05/04/2011
Ngày có hiệu lực 20/05/2011
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tư pháp
Người ký Hà Hùng Cường
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ TƯ PHÁP
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 08/2011/TT-BTP

Hà Nội, ngày 05 tháng 4 năm 2011

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN MỘT SỐ NỘI DUNG VỀ CÔNG TÁC THỐNG KÊ CỦA NGÀNH TƯ PHÁP

Căn cứ Luật Thống kê ngày 17 tháng 6 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 40/2004/NĐ-CP ngày 13 tháng 2 năm 2004 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thống kê;
Căn cứ Nghị định số 93/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 8 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;
Căn cứ Nghị định số 03/2010/NĐ-CP ngày 13 tháng 01 năm 2010 của Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức thống kê Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
Bộ Tư pháp hướng dẫn một số nội dung về công tác thống kê của Ngành Tư pháp như sau:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh: Thông tư này hướng dẫn về chế độ báo cáo thống kê; điều tra thống kê; công bố và sử dụng thông tin thống kê; kiểm tra việc thực hiện chế độ báo cáo thống kê của Ngành Tư pháp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp được quy định tại Nghị định số 93/2008/NĐ-CP và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Công tác thống kê trong lĩnh vực Thi hành án dân sự và Trợ giúp pháp lý thực hiện theo các quy định tại các Thông tư thống kê chuyên ngành của Bộ Tư pháp.

2. Đối tượng áp dụng:

Thông tư này áp dụng đối với các đối tượng sau:

a. Các cơ quan, tổ chức thuộc và trực thuộc Bộ Tư pháp;

b. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (tổ chức pháp chế);

c. Ủy ban nhân dân các cấp;

d. Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Sở Tư pháp);

đ. Phòng Tư pháp các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Phòng Tư pháp);

e. Các tổ chức hành nghề luật sư, công chứng và luật sư hành nghề với tư cách cá nhân;

g. Các tổ chức bán đấu giá tài sản, giám định tư pháp;

h. Các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài (sau đây gọi chung là cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài);

i. Các cơ quan, tổ chức khác và các cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật.

Điều 2. Thông tin thống kê

1. Thông tin thống kê Ngành Tư pháp bao gồm số liệu thống kê và bản phân tích các số liệu đó.

2. Thông tin thống kê Ngành Tư pháp được thu thập chủ yếu bằng các hình thức sau:

a) Báo cáo thống kê;

b) Điều tra thống kê.

3. Báo cáo thống kê gồm hai loại: báo cáo thống kê cơ sở và báo cáo thống kê tổng hợp. Mỗi loại báo cáo bao gồm báo cáo định kỳ và báo cáo đột xuất.

Điều tra thống kê, gồm điều tra theo kế hoạch và điều tra đột xuất.

Chương II

CHẾ ĐỘ BÁO CÁO THỐNG KÊ CƠ SỞ

[...]