Báo cáo 633/BC-BKHĐT về kết quả 03 chương trình mục tiêu quốc gia năm 2022 và giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện trong năm 2023 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành

Số hiệu 633/BC-BKHĐT
Ngày ban hành 01/02/2023
Ngày có hiệu lực 01/02/2023
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Người ký Nguyễn Chí Dũng
Lĩnh vực Đầu tư

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 633/BC-BKHĐT

Hà Nội, ngày 01 tháng 02 năm 2023

 

BÁO CÁO

VỀ KẾT QUẢ 03 CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA NĂM 2022 VÀ GIẢI PHÁP ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN TRONG NĂM 2023

Kính gửi: Chính phủ.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chuẩn bị nội dung báo cáo tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01 năm 2023 (tại văn bản số 58/VPCP-TH ngày 28 tháng 01 năm 2023 của Văn phòng Chính phủ); trên cơ sở báo cáo của các cơ quan chủ chương trình và địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ về tình hình triển khai 03 chương trình mục tiêu quốc gia trong năm 2022 và giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện trong năm 2023, như sau:

I. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN 03 CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA NĂM 2022

1. Công tác hoàn thiện thể chế quản lý, tổ chức thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia

- Tại Trung ương đã ban hành 69 văn bản quy định cơ chế quản lý, hướng dẫn thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia, bao gồm: (i) 02 Nghị định của Chính phủ; (ii) 23 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; (iii) 44 thông tư, quyết định, văn bản, kế hoạch cấp bộ quy định, hướng dẫn tổ chức thực hiện nội dung, hoạt động của các chương trình. Đến thời điểm hiện tại, chưa hoàn thành việc ban hành 03 văn bản hướng dẫn thực hiện một số nội dung, dự án thành phần thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi[1].

- Tại địa phương, căn cứ quy định tại Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ, các địa phương đã tích cực xây dựng, ban hành các văn bản quản lý, điều hành theo thẩm quyền phân cấp, cụ thể: (i) 52/52 địa phương được hỗ trợ từ ngân sách trung ương đã hoàn thành việc ban hành quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ NSNN thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; (ii) 05/11 địa phương tự cân đối ngân sách ban hành quy định về phân bổ vốn NSĐP; (iii) 20/52 địa phương đã ban hành quy định về cơ chế lồng ghép, huy động các nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; (iv) 20/52 địa phương đã ban hành quy định riêng về phân cấp quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; các địa phương còn lại ban hành quy định phân cấp lồng ghép tại các quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ, giao kế hoạch vốn, dự toán ngân sách nhà nước; (v) 28/63 địa phương đã ban hành văn bản thực hiện cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư đối với dự án quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp; (vi) 22/63 địa phương đã ban hành cơ chế tổ chức thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, hầu hết các địa phương đều ban hành chính sách riêng thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, như: hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; hỗ trợ tiền điện, trợ giúp pháp lý; hỗ trợ đào tạo nghề, kết nối việc làm; hỗ trợ nhà ở, nước sạch và vệ sinh môi trường;...

2. Về kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2022

a) Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Ủy ban Dân tộc chưa báo cáo kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình trong năm 2022.

b) Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững

Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ước kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo năm 2022 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022- 2025, cụ thể như sau: Tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1-1,5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4-5%/năm.

c) Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến hết năm 2022, cả nước dự kiến có khoảng 6.001/8.211 xã (73,08%) đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 4,8% so với cuối năm 2021), trong đó: 937 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (tăng 434 xã so với cuối năm 2021), 110 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (tăng 67 xã so với cuối năm 2021); bình quân cả nước đạt 17,1 tiêu chí/xã (tăng 0,1 tiêu chí so với năm 2021). Có 255 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 42 đơn vị so với cuối năm 2021), chiếm khoảng 39,6% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước. Có 05 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

3. Về tình hình phân bổ, giao bổ sung kế hoạch vốn giai đoạn 2021- 2025 và giải ngân kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2022, giao dự toán, kế hoạch vốn năm 2023 thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia

a) Về tình hình phân bổ, giao kế hoạch vốn giai đoạn 2021-2025 còn lại của 03 Chương trình mục tiêu quốc gia

- Về giao bổ sung kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết số 659/NQ-UBTVQH:

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án giao bổ sung 9.547,732 tỷ đồng kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương và điều chỉnh một số mục tiêu, nhiệm vụ giao một số địa phương thực hiện 02 chương trình mục tiêu quốc gia: xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (tại Tờ trình số 9687/TTr-BKHĐT ngày 31 tháng 12 năm 2022).

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại văn bản số 486/VPCP-KTTH ngày 30 tháng 01 năm 2023 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Dân tộc làm rõ tác động của việc điều chỉnh mục tiêu, nhiệm vụ tại Quyết định số 652/QĐ-TTg ngày 28 tháng 5 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ với việc hoàn thành mục tiêu của các chương trình theo quy định tại các Nghị quyết số 120/2020/QH14 và Nghị quyết số 25/2021/QH15 của Quốc hội. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ ngay sau khi nhận được ý kiến của các cơ quan.

- Về giao kế hoạch vốn sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025:

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn và các phương án giao kế hoạch số vốn này cho các địa phương (tại các Tờ trình số 2311/TTr-BKHĐT ngày 07 tháng 4 năm 2022, số 5255/TTr-BKHĐT ngày 29 tháng 7 năm 2022, số 7628/TTr-BKHĐT ngày 24 tháng 10 năm 2022 và văn bản số 9654/BKHĐT-TCTT ngày 31 tháng 12 năm 2022).

b) Về tình hình giải ngân vốn ngân sách nhà nước năm 2022:

- Về kết quả giải ngân vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương: Theo số liệu theo dõi của Bộ Tài chính: Đến ngày 31 tháng 12 năm 2022, tổng vốn đầu tư phát triển đã giải ngân 9.056,336 tỷ đồng, đạt khoảng 37,7% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao. Ước giải ngân đến 30 tháng 01 năm 2023, giải ngân được 13.730,922 tỷ đồng, đạt khoảng 57% kế hoạch, trong đó:

+ 05/52 địa phương giải ngân 100% kế hoạch vốn được giao (gồm các địa phương: Hà Nam, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Tây Ninh); 14/52 địa phương giải ngân trên 80% kế hoạch vốn được giao[2]; 12/52 địa phương giải ngân trên 57% (dưới 80%) kế hoạch vốn được giao[3].

+ 13/52 địa phương giải ngân dưới 57% (trên 20%) kế hoạch vốn được giao[4]; 08/52 địa phương có kết quả giải ngân dưới 20% hoặc chưa giải ngân[5].

- Kết quả giải ngân vốn đối ứng từ ngân sách địa phương: Theo báo cáo từ các địa phương, đến hết tháng 12 năm 2022, vốn ngân sách địa phương đã giải ngân khoảng 92,9% kế hoạch.

c) Về tình hình phân bổ, giao kế hoạch vốn năm 2023:

[...]