Báo cáo số 5162/BCĐ127TW ngày 10/12/2002 của Ban chỉ đạo 127-TW về việc một số giải pháp chống buôn lậu gian lận thương mại năm 2003

Số hiệu 5162/BCĐ127TW
Ngày ban hành 10/12/2002
Ngày có hiệu lực 10/12/2002
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Ban Chỉ đạo 127-TW
Người ký Phan Thế Ruệ
Lĩnh vực Thương mại

BAN CHỈ ĐẠO 127-TW
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 5162/BCĐ127TW

Hà Nội, ngày 10 tháng 12 năm 2002

 

BÁO CÁO MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỐNG BUÔN LẬU GIAN LẬN THƯƠNG MẠI NĂM 2003

1. Tình hình buôn lậu và gian lận thương mại năm 2002.

Năm 2002, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn diễn biến rất phức tạp trên tất cả các tuyến và địa bàn trọng điểm; phương thức, thủ đoạn buôn lậu ngày càng tinh vi hơn, sự chống trả người thi hành công vụ của các đối tượng tham gia buôn lậu diễn ra quyết liệt và trắng trợn.

Ngoài những phương thức truyền thống như: Dùng “cửu vạn” vận chuyển hàng hoá qua đường biên, dùng các loại phương tiện phù hợp vận chuyển vào nội địa; hợp thức hoá bằng các hoá đơn do Bộ Tài chính phát hành, dùng bộ chứng từ bán đấu giá để quay vòng; lợi dụng một số ít thương binh để chở thuê, gây áp lực; trên biển dùng tàu lớn chở hàng lậu thả neo cách bờ hàng trăm hải lý, dùng tàu, thuyền, bè, mảng nhỏ lợi dụng đêm tối để đưa hàng lậu vào bờ. Dùng xe đã thanh lý của các cơ quan Nhà nước và Quân đội giữ nguyên biển số để vận chuyển hàng lậu; khoán gọn cho “cửu vạn” để nhập lậu hàng hoá trong tháng 11 và 12/2002, nếu hàng bị bắt giữ thì người vận chuyển không phải chịu trách nhiệm để họ tiếp tục khuân vác. Phương thức, thủ đoạn hoạt động không chỉ tinh vi, xảo quyệt mà còn được tổ chức khá chặt chữ để đối phó, chống trả quyết liệt khi bị các lực lượng kiểm tra thu giữ hàng hoá, lôi kéo một bộ phận cư dân biên giới đối đầu với các lực lượng chức năng và chính quyền sở tại. Gần đây, các đối tượng buôn lậu còn lợi dụng giấy phép tạm nhập - tái xuất hàng hoá đã qua sử dụng (đồ điện tử và quần áo) để nhập lậu.

- Mặt hàng nhập lậu thường là: vải, thuốc lá, đường kính, 17 mặt hàng nhập khẩu quy định phải dán tem; mặt hàng phụ tùng ô tô đã qua sử dụng, đồ điện tử cũ và điện lạnh nhập lậu trên vùng biển Đông Bắc đến Đà Nẵng; đáng lưu ý là một số lượng không ít các loại ma tuý, các chất gây nghiên, thuốc tân dược, đông dược, thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục nhà nước cho phép và tiền giả vẫn được “đưa” vào nước ta trong thời gian vừa qua.

- Hàng xuất lậu và vàng, ngoại tệ, động vật hoang dã quý hiếm.

Tình hình cụ thể trên một số tuyến như sau:

1. Tuyến biên giới Việt - Trung.

Tại Lạng Sơn: Sau khi lực lượng Công an Trung ương triệt phá ổ buôn lậu tại Hang Dơi, và sau đó có sự chỉ đạo kiên quyết của UBND tỉnh, tình hình buôn lậu đã giảm nhưng trong tháng 11 và 12/2002 tình hình lại diễn biến phức tạp, hàng lậu được xe lẻ đi hai bên cánh gà cửa khẩu Chi Ma, Tân Thanh, đường 05, 06. Kéo Kham. Tại các chợ và trung tâm thương mại, hàng lậu vẫn được bày bán. Bọn cửu vận tấn công Bộ đội Biên phòng để “giải vây” hàng hoá bị thu giữ.

Tại Quảng Ninh: Tình hình buôn lậu trên tuyến đường bộ đã giảm rõ rệt do lực lượng Quản lý thị trường phối hợp với các lực lượng khác làm mạnh trong nội địa nhưng việc vận chuyển hàng lậu trên biển bằng các tàu, thuyền đánh cá hoặc bè, mảng vẫn tiếp diễn, kết quả ngăn chặn còn hạn chế.

Tại Lào Cai: Buôn lậu và gian lận thương mại diễn ra với quy mô không lớn nhưng tính chất lại phức tạp vì mặt hàng đa dạng; phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng buôn lậu rất tinh vi và thường xuyên thay đổi...

2. Tuyến biên giới Việt - Lào.

Tại Quảng Trị: Đầu năm tình hình buôn lậu tại Lao Bảo khá phức tạp. Do có sự chỉ đạo kiên quyết của các Bộ, ngành và UBND tỉnh, tình hình buôn lậu giảm nhiều. Cuối tháng 10, 11 đầu tháng 12, tình hình buôn lậu lại có chiếu hướng gia tăng. Khu vực khuyến khích phát triển kinh tế và thương mại Lao Bảo vẫn là một trong những “điểm nóng” về buôn lậu, lượng hàng nhập lậu qua đây tương đối nhiều (chủ yếu là thuốc lá ngoại, nước giải khát, rượu ngoại. Tại thị xã Đông Hà hàng không rõ nguồn gốc vẫn bày bán khá nhiều.

Tại Hà Tĩnh: Tình hình nhập lậu đang có xu hướng gia tăng, hàng lậu đi qua 2 bên cánh gà cửa khẩu Cầu Treo và Trạm KSLD Nước Sốt nhằm tránh sự kiểm tra, kiểm soát. Sự chống trả các lực lượng chức năng của các đối tượng buôn lậu tại đây rất quyết liệt.

Tại Nghệ An: Tình hình tại đây vẫn rất phức tạp, nhất là vùng biển Quỳnh Lưu, Cửa Lò, nhưng buôn lậu đã giảm, trong tháng 10, 11 chưa có dấu hiệu tăng lên. Ngoài ra, hàng lậu từ Cửa khẩu Cầu Treo qua đường Nam Đàn, Hưng Nguyên vẫn được các đối tượng buôn lậu đưa về thành phố Vinh để tiêu thụ.

3. Tuyến biên giới Tây Nam:

Tại An Giang: Hàng lậu qua tuyến này nhiều nhất vẫn là đường, thuốc lá ngoại, nước giải khát, rượu ngoại, thuốc tân dược, điện tử... Tuy nhiên, do nước rút, tàu xuồng không có điều kiện hoạt động nên buôn lậu có giảm, nhưng buôn lậu trên đường bộ đang có xu hướng tăng lên. Khu vực này tiềm ẩn rất nhiều nhân tố để buôn lậu gia tăng.

Địa bàn trọng điểm là khu vực xã Vĩnh Xương (huyện Tân Châu), Vĩnh Ngươn (thị xã Châu Đốc).

Tại Long An: Tình hình buôn lậu tạm lắng xuống, tuy nhiên khu vực giáp Long An và Tây Ninh vẫn phức tạp. Hàng nhập lậu vẫn tiến tục được chuyển vào nhưng với quy mô nhỏ lẻ. Những mặt hàng nhập lậu nhiều như máy điều hoà nhiệt độ, nồi cơm điện, thuốc lá ngoại, đường...

Tại Tây Ninh: Hàng lậu chủ yếu vẫn là máy điều hoà nhiệt độ, quần áo cũ, thuốc lá. Sau khi lực lượng Công an phá đường dây buôn lậu, tình hình tạm lắng xuống nhưng ở đây tiền ẩn nhiều yếu tố để buôn lậu bùng phát, đến nay vẫn chưa xử lý được khu vực Cầu Sắt giáp Long An và Tây Ninh.

4. Tuyến biển

Địa bàn trọng điểm là vùng biển từ Quảng Ninh đến Đà Nẵng và một số cảng thuộc thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu. Hàng hoá qua tuyến này bao gồm vật liệu xây dựng (kính, gạch ốp lát), phụ từng ô tô và đồ điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng...

Thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu là thuê tàu lớn vận chuyển hàng lậu, khi cách bờ khoảng 100 - 140 hải lý chúng neo tàu, chờ tàu nhỏ hoặc bè, mang để sang mạn hoặc lợi dụng đêm tối cho tàu vào gần bờ vừa sang mạn vừa thả hàng xuống biển để các tàu nhỏ, hoặc bè, mảng vớt lên rồi vận chuyển vào bờ. Ngoài ra, chứng còn tổ chức đưa tàu, thuyền sang Trung Quốc buôn bán, nhập lậu hàng vào nước ta, trong đó, không ít các tàu thuyền này không được đăng kiểm, không có biển kiểm soát.

Tại các cảng biển chủ yếu là không khai báo hoặc thông đồng với một số cán bộ, công chức thoái hoá biến chất trong các lực lượng chức năng để khai báo sai số lượng, chủng loại, ký mã hiệu hàng hoá... nhằm trốn, lậu thuế.

Buôn lậu trên biển rất phức tạp và thực sự chưa kiểm soát được tình hình. Đặc biệt, sau khi các lực lượng chức năng “đánh” mạnh trên đất liền, buôn lậu trên biển đã gia tăng đáng kể, trong vòng 2 tháng 10 và 11, lực lượng Biên phòng đã bắt giữa và xử lý nhiều tàu, thuyền buôn lậu.

5. Tuyến Đường Sắt

Trọng điểm là tuyến đường sắt Đồng Đăng - Hà Nội.

Buôn lậu trên tuyến này vẫn phức tạp, cao điểm một ngày có khoảng 200 - 250 người mang thuê hàng hoá cho gian thương tại khu vực ga Đồng Đăng. Lợi dụng thể lệ vận chuyển hành khách của ngành Đường sắt - cho phép miễn cước 20 Kg hành lý mang theo người đi tàu... thủ đoạn của buôn lậu là chỉ mua vé từ ga Đồng Đăng về Lạng Sơn để mang hàng lậu thuế lên tàu cho các đối tượng làm ăn phi pháp. Các lực lượng chức năng tăng cường kiểm soát tại khu vực này.

[...]