Báo cáo 378/BC-UBTVQH12 thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân và doanh nghiệp theo Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010 do Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành

Số hiệu 378/BC-UBTVQH12
Ngày ban hành 18/10/2010
Ngày có hiệu lực 18/10/2010
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
Người ký Uông Chu Lưu
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN THƯỜNG VỤ
QUỐC HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 378/BC-UBTVQH12

Hà Nội, ngày 18 tháng 10 năm 2010

 

BÁO CÁO KẾT QUẢ GIÁM SÁT

“VIỆC THỰC HIỆN CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH RONG MỘT SỐ LĨNH VỰC LIÊN QUAN TRỰC TIẾP ĐẾN CÔNG DÂN VÀ DOANH NGHIỆP THEO CHƯƠNG TRÌNH TỔNG THỂ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC GIAI ĐOẠN 2001 - 2010”

Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Thực hiện Nghị quyết số 39/2009/QH12 ngày 12/11/2009 của Quốc hội về Chương trình hoạt động giám sát năm 2010, ngày 10/02/2010 Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 886/NQ-UBTVQH12 thành lập Đoàn giám sát “Việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân và doanh nghiệp theo Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010”.

Theo Kế hoạch, Đoàn giám sát tiến hành giám sát cải cách thủ tục hành chính (TTHC) các lĩnh vực đất đai; nhà ở, xây dựng nhà ở; thuế; hải quan. Trong đó, lĩnh vực đất đai tập trung vào 3 nhóm: giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; cấp Giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất; đăng ký biến động về đất đai. Lĩnh vực nhà ở, xây dựng nhà ở tập trung vào 4 nhóm: thẩm định, phê duyệt, xin ý kiến cơ sở về dự án phát triển nhà ở; cấp giấy phép xây dựng (GPXD) nhà ở; cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở; đăng ký biến động về nhà ở. Lĩnh vực thuế tập trung vào 3 nhóm: miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế. Lĩnh vực hải quan tập trung vào 4 nhóm: thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; thủ tục hải quan đối với phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh; thủ tục kiểm tra sau thông quan; thủ tục hải quan điện tử.

Phạm vi giám sát được tiến hành trong cả nước và thời điểm được tính từ ngày 17/9/2001 (ngày ban hành Quyết định số 136/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước) đến ngày 31/12/2009. Để triển khai Kế hoạch giám sát, Đoàn giám sát đã đề nghị Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương báo cáo việc thực hiện cải cách TTHC liên quan đến các nhóm TTHC được giám sát. Đồng thời, Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đã giao Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiến hành giám sát việc thực hiện cải cách TTHC ở địa phương và gửi báo cáo kết quả giám sát cho Đoàn giám sát.

Đoàn giám sát đã nhận được báo cáo của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và của 61/63 UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và báo cáo của 30 Đoàn đại biểu Quốc hội. Đồng thời, đã tổ chức các cuộc khảo sát việc thực hiện cải cách TTHC tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Lạng Sơn, Bình Dương, Tiền Giang và cũng đã trực tiếp làm việc với một số huyện, quận, thành phố thuộc tỉnh và một số đơn vị cơ sở trực tiếp thực hiện các TTHC như “Trung tâm tiếp nhận và trả kết quả” theo cơ chế một cửa, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, địa điểm thu thuế, cửa khẩu hải quan,… Đoàn giám sát đã làm việc với Tổ công tác thực hiện Đề án 30 của Chính phủ và phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội nghị lấy ý kiến của các doanh nghiệp về cải cách TTHC trong các lĩnh vực được giám sát. Đoàn giám sát đã tổ chức các buổi làm việc để nghe báo cáo của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính về nội dung giám sát cũng như trao đổi về nội dung Báo cáo này.

Ngày 28 tháng 9 năm 2010, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã nghe Đoàn giám sát báo cáo về kết quả giám sát. Dưới đây, Ủy ban thường vụ Quốc hội xin báo cáo Quốc hội kết quả hoạt động giám sát như sau:

I. KHÁI QUÁT VỀ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

Thực hiện chủ trương của Đảng[1] và nghị quyết của Quốc hội[2] về cải cách hành chính nói chung và thủ tục hành chính nói riêng, ngày 17/9/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 136/2001/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010 với mục tiêu chung là: “Xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại hóa, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả theo nguyên tắc Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng” và một trong những mục tiêu cụ thể là: “Xóa bỏ về cơ bản các TTHC mang tính quan liêu, rườm rà, gây phiền hà cho doanh nghiệp và nhân dân; hoàn thiện các TTHC mới theo hướng công khai, đơn giản và thuận tiện cho dân”.

Trong những năm qua, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong việc hoàn thiện các quy định về TTHC theo những định hướng trong các quy định nêu trên; đã xây dựng, trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành, sửa đổi nhiều dự án luật, pháp lệnh quan trọng; đồng thời ban hành theo thẩm quyền và yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) nhằm bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung các TTHC cho phù hợp với thực tiễn. Ngoài ra, Chính phủ đã có nhiều biện pháp cụ thể để đẩy nhanh tiến trình cải cách TTHC như: thành lập Tổ liên ngành giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp; quy định việc tiếp nhận, xử lý các vướng mắc của cá nhân, tổ chức về TTHC; áp dụng cơ chế một cửa, một cửa liên thông, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2000, 2008; đẩy mạnh tin học hóa một số dịch vụ hành chính công. Kết thúc Giai đoạn I (2001 - 2005) đã có những chuyển biến tích cực, từng bước tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Tuy nhiên, trong giai đoạn này TTHC trên nhiều lĩnh vực vẫn còn rườm rà, phức tạp, thiếu công khai, minh bạch và còn là rào cản đối với sản xuất, kinh doanh, tạo kẻ hở cho nhũng nhiễu, tiêu cực.

Để khắc phục tình trạng này và tiếp tục thực hiện Giai đoạn II (2006 - 2010) của Chương trình tổng thể cải cách hành chính, ngày 10/01/2007 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 30/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đơn giản hóa TTHC trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007 - 2010 (gọi tắt là Đề án 30) để triển khai đồng bộ trên phạm vi toàn quốc, ở cả 4 cấp chính quyền đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ. Sau hơn 3 năm thực hiện, đã đạt được những kết quả như sau:

- Đã công bố được Bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC tại 4 cấp chính quyền và công khai trên mạng internet, với trên 5.700 TTHC, trên 9.000 văn bản có quy định về TTHC và trên 100.000 biểu mẫu thống kê TTHC.[3] Đây là lần đầu tiên Việt Nam đã thiết lập và công bố công khai Bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC trong hoạt động quản lý nhà nước. Kết quả này được nhân dân, doanh nghiệp và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao, coi đây là đóng góp quan trọng vào việc cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và mở rộng hội nhập.

- Đã chuẩn hóa và thống nhất được bộ TTHC cấp huyện, cấp xã. Theo đó, ở mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có một bộ TTHC cấp xã và một bộ TTHC cấp huyện (từ 10.000 bộ TTHC cấp xã, 700 bộ TTHC cấp huyện xuống còn 63 bộ TTHC cấp xã, và 63 bộ TTHC cấp huyện) để thống nhất thực hiện tại từng địa phương.

- Các bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành việc rà soát các TTHC thuộc phạm vi quản lý theo đúng tiến độ và đạt được chỉ tiêu đơn giản hóa tối thiểu 30% các quy định về TTHC được giao. Theo đó, trong tổng số 5.421 TTHC được rà soát, đã kiến nghị để bãi bỏ 480 TTHC, thay thế 192 TTHC, sửa đổi, bổ sung 4.146 TTHC. Ngoài ra, theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, việc thực hiện các phương án đơn giản hóa còn nhằm cắt giảm 30% chi phí tuân thủ TTHC cho người dân, doanh nghiệp.

- Đã thông qua phương án đơn giản hóa 258 TTHC ưu tiên thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ngành[4] trên nguyên tắc tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, nhưng vẫn bảo đảm mục tiêu quản lý của Nhà nước. Theo đó, nhiều TTHC được bãi bỏ, thay thế; nhiều mẫu đơn, tờ khai được đơn giản hóa hoặc mẫu hóa thống nhất trong cả nước; nhiều yêu cầu, điều kiện đã bị loại bỏ; nhiều trình tự, cách thức giải quyết, hồ sơ phải nộp đã được đơn giản hóa. Theo tính toán, các phương án đơn giản hóa 258 TTHC sẽ tiết kiệm được cho người dân và doanh nghiệp hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm[5]. Chính phủ, các Bộ, ngành đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản QPPL có liên quan.

- Chính phủ đã ban hành Nghị định số 20/2008/NĐ-CP ngày 14/02/2008 về việc tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính, tạo khung pháp lý cho người dân tham gia, giám sát thực hiện TTHC; ban hành Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08/6/2010 về kiểm soát TTHC, làm cơ sở cho việc duy trì kết quả của việc cải cách TTHC, bảo đảm kiểm soát ngay từ khâu dự thảo, ban hành cho đến thực thi trên thực tế, cũng như lượng hóa được chi phí tuân thủ các TTHC; đồng thời thiết lập cơ quan, đơn vị kiểm soát TTHC ở cấp trung ương và cấp tỉnh. Chính phủ tiếp tục thông qua và tổ chức thực thi các phương án đơn giản hóa đối với gần 5.000 TTHC còn lại, bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu về đơn giản hóa TTHC đã đặt ra.

II. KẾT QUẢ CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH TRONG CÁC LĨNH VỰC ĐẤT ĐAI; NHÀ Ở, XÂY DỰNG NHÀ Ở; THUẾ; HẢI QUAN

1. Kết quả cải cách TTHC trong lĩnh vực đất đai

1.1. Những kết quả đạt được:

a) Về giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư

Việc giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư đã có những cải cách quan trọng. Các quy định về giao đất, cho thuê đất bồi thường, hỗ trợ tái định cư chi tiết, rõ ràng đã tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho địa phương tổ chức thực hiện. Theo đó, thay thế 66 TTHC bằng 54 TTHC mới; sửa đổi, bổ sung 18 TTHC và bãi bỏ 02 TTHC; trình tự, nội dung và các mẫu đơn, tờ khai được niêm yết công khai, áp dụng thống nhất trong cả nước; thời gian thực hiện TTHC được giảm thiểu thông qua việc lồng ghép các thủ tục về đầu tư, xây dựng và đất đai ngay từ khâu chấp thuận dự án đầu tư đến khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng, xây dựng dự án,[6] qua đó rút ngắn đáng kể thời gian thực hiện (từ 1/3 đến 1/2) so với quy định trước đây. Đồng thời, các quy định mới nhằm tách bạch giữa bồi thường và hỗ trợ, thực hiện cơ chế linh hoạt trong bồi thường, đổi mới việc hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm cho người dân bị thu hồi đất nông nghiệp, đa dạng mức diện tích đất, diện tích nhà đối với các khu tái định cư; đổi mới cơ chế tài chính và củng cố Tổ chức phát triển quỹ đất; tạo lập Quỹ phát triển đất,… đã giúp tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Nhìn chung, những cố gắng này đã được người dân và doanh nghiệp cũng như các địa phương đồng tình ủng hộ.

b) Về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất; đăng ký biến động về đất đai

Đã hình thành hệ thống cơ quan đăng ký chuyên trách là Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất[7] - là cơ quan dịch vụ công thuộc cơ quan tài nguyên và môi trường, có trách nhiệm thực hiện các công việc mang tính chuyên môn kỹ thuật. Nhờ đó, đã góp phần đẩy nhanh tiến độ cấp GCN.[8]

Thống nhất cấp 01 loại GCN về quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất[9] tạo điều kiện cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản chỉ phải làm thủ tục cấp GCN một lần tại một cơ quan nhà nước.[10] Hồ sơ địa chính đã được xây dựng, quản lý thống nhất ở một đầu mối, khắc phục tình trạng nhiều cơ quan quản lý,[11] đã giảm ít nhất 1/2 thời gian giải quyết các TTHC so với trước đây.

Ngoài ra, nhiều quy định mới đã được ban hành nhằm tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức như trong việc xin cấp GCN và đăng ký biến động về đất như: bổ sung các thủ tục đăng ký biến động đối với tài sản mà trước đây chưa quy định; giảm thời gian xem xét cấp GCN lần đầu... Đồng thời, quy định trách nhiệm của cơ quan tiếp nhận hồ sơ trong việc kiểm tra hồ sơ trước khi tiếp nhận để tránh phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.

1.2. Những hạn chế, bất cập:

- Việc phân cấp mạnh cho địa phương thực hiện các TTHC về đất đai và quá trình tổ chức thực hiện đã bộc lộ những hạn chế, bất cập trong quản lý, điều hành của Nhà nước, điển hình như việc giao đất làm sân gôn, cho thuê đất trồng rừng. Việc thực hiện TTHC ở nhiều địa phương chưa tuân thủ đúng quy định như: yêu cầu nộp thêm nhiều giấy tờ không cần thiết, trái quy định của pháp luật (như nộp bản sao sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân, sơ đồ thửa đất; thủ tục đăng ký biến động vẫn phải nộp đơn xin cấp GCN, văn bản xác minh việc chấp hành pháp luật đất đai[12]...). Việc tiếp nhận hồ sơ thiếu kiểm tra, hướng dẫn đầy đủ nên có tình trạng hồ sơ không bảo đảm yêu cầu nhưng vẫn được tiếp nhận, dẫn đến người dân, doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần, kéo dài thời gian do phải bổ sung hoặc làm lại hồ sơ; một số địa phương thực hiện thêm một số thủ tục trùng lặp[13]... gây lãng phí, bất bình trong xã hội và cơ quan quản lý cấp trên không nắm được thông tin để xử lý.

[...]
5
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ