Báo cáo 17/BC-LĐTBXH về tổng kết Quyết định 19/2004/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em lang thang, bị xâm phạm tình dục và phải lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại và nguy hiểm giai đoạn 2004 – 2010 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

Số hiệu 17/BC-LĐTBXH
Ngày ban hành 15/03/2011
Ngày có hiệu lực 15/03/2011
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
Người ký Doãn Mậu Diệp
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 17/BC-LĐTBXH

Hà Nội, ngày 15 tháng 03 năm 2011

 

BÁO CÁO

TỔNG KẾT QUYẾT ĐỊNH 19/2004/QĐ-TTG NGÀY 12/02/2004 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH NGĂN NGỪA VÀ GIẢI QUYẾT TÌNH TRẠNG TRẺ EM LANG THANG, TRẺ EM BỊ XÂM PHẠM TÌNH DỤC VÀ TRẺ EM PHẢI LAO ĐỘNG NẶNG NHỌC, TRONG ĐIỀU KIỆN ĐỘC HẠI VÀ NGUY HIỂM GIAI ĐOẠN 2004 – 2010

Sau 7 năm thực hiện Quyết định số 19/2004/QĐ-TTg ngày 12 tháng 2 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm phạm tình dục và trẻ em phải lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại, nguy hiểm giai đoạn 2004 – 2010 (sau đây gọi tắt là Quyết định 19), trên cơ sở tổng hợp từ các bộ, ngành, địa phương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện Quyết định 19 như sau:

I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH VÀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH 19

1. Công tác chỉ đạo tổ chức thực hiện Quyết định 19

1.1. Ban hành các văn bản hướng dẫn

Công tác chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện Quyết định 19 đã được các Bộ, ngành, địa phương quan tâm, thể hiện ở việc ban hành các văn bản, thông tư hướng dẫn, phê duyệt các đề án và bố trí kinh phí để thực hiện các mục tiêu của Quyết định 19 ở cấp trung ương và địa phương.

- Ngày 12/01/2005 Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em (DSGĐTE) đã ban hành Quyết định số 10/QĐ-DSGĐTE phê duyệt 04 Đề án của Quyết định 19, bao gồm: Đề án 1: Truyền thông, vận động và nâng cao năng lực quản lý chương trình; Đề án 2: Ngăn chặn và trợ giúp trẻ em lang thang kiếm sống; Đề án 3: Ngăn chặn và giải quyết tình trạng trẻ em bị xâm phạm tình dục và Đề án 4: Ngăn chặn và giải quyết tình trạng trẻ em phải lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại và nguy hiểm.

- Để hướng dẫn, quản lý và sử dụng nguồn kinh phí thực hiện Quyết định 19, Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 16/2005/TTLT/BTC-UBDSGĐTE-LĐTBXH ngày 03/3/2005 và được sửa đổi nâng mức hỗ trợ cho các đối tượng trẻ em thuộc Quyết định 19 bằng Thông tư số 86/2008/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 06/10/2008.

- Hàng năm, các đơn vị được giao chủ trì các đề án đều có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn địa phương triển khai hoạt động. Năm 2010 là năm cuối cùng thực hiện Quyết định 19, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có văn bản số 1451/LĐTBXH-BVCSTE ngày 10/5/2010 chỉ đạo, hướng dẫn về việc đánh giá tình hình và kết quả thực hiện Quyết định 19.

Trên cơ sở hướng dẫn hoạt động và phân bổ kinh phí của Trung ương hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (trước đây là Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em) các tỉnh, thành phố đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân ban hành văn bản chỉ đạo và phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định 19 (theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố, 100% các tỉnh, thành phố có văn bản chỉ đạo thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em).

1.2. Công tác truyền thông vận động xã hội và nâng cao năng lực quản lý đã được các bộ, ngành và các địa phương quan tâm thực hiện.

- Các hoạt động tuyên truyền, vận động được triển khai rất phong phú với nhiều hình thức như thông qua các kênh truyền thông đại chúng; tổ chức các buổi truyền thông trực tiếp cho gia đình và trẻ em tại cộng đồng; tổ chức các diễn đàn, hội thi; thông qua việc phát hành các sản phẩm truyền thông (pano, áp phích, băng rôn, sách mỏng…). Sau 7 năm thực hiện đã sản xuất và phát hành 240 chương trình truyền hình/phóng sự; trên 100 đầu báo hàng năm về các vấn đề liên quan đến bảo vệ, chăm sóc trẻ em; phát hành 2,4 triệu tờ rơi, xây dựng 40 chuyên đề, 10 chuyên mục và trên 200 tin bài; 651 nghìn pano, áp phích, băng rôn, sách mỏng và nhiều sản phẩm truyền thông khác. Khác. Đặc biệt, hình thức truyền thông, giáo dục, tư vấn cũng đã được thực hiện thông qua hoạt động của các câu lạc bộ như Câu lạc bộ Phóng viên nhỏ, Gia đình văn hóa, Câu lạc bộ Kỹ năng sống, Câu lạc bộ Phòng ngừa trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm phạm tình dục, trẻ em lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại, nguy hiểm. Theo báo cáo của các địa phương đã có 1.160 câu lạc bộ được thành lập với gần 12 nghìn thành viên là trẻ em, cha mẹ, người chăm sóc trẻ tham gia sinh hoạt đã tác động tích cực đến việc nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng, xã hội, người dân, gia đình, các cấp, các ngành và chính bản thân trẻ em về vấn đề bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung và 3 nhóm đối tượng thuộc Quyết định 19 nói riêng. Phương pháp truyền thông cũng đã từng bước được cải thiện theo hướng phù hợp với từng đối tượng, từng địa bàn như tài liệu truyền thông được dịch theo ngôn ngữ của các dân tộc, tạo điều kiện để người dân, trẻ em ở các dân tộc tiếp thu thuận lợi hơn; các sản phẩm truyền thông mẫu cũng được thiết kế phù hợp với từng đối tượng truyền thông.

- Công tác đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ thực hiện Quyết định 19 cũng đã được các bộ, ngành, địa phương thực hiện thông qua việc nghiên cứu xây dựng các chương trình, nội dung tập huấn. Kết quả đã tổ chức gần 2600 lớp tập huấn cho trên 120 ngàn lượt cán bộ thuộc Ban Chỉ đạo các cấp, cán bộ thực hiện Chương trình, thanh tra viên, cộng tác viên.   

Bên cạnh việc tập huấn cho cán bộ, các địa phương cũng đã tổ chức trên 1.000 lớp tập huấn về kỹ năng sống cho gần 50 ngàn học sinh ở các trường trung học cơ sở. Đồng thời, cũng đã biên tập và phát hành sách bỏ túi về Quyết định 19 cho đội ngũ cán bộ để phục vụ cho công tác quản lý được thuận lợi hơn.

1.3. Tăng cường các biện pháp chỉ đạo, kiểm tra, thanh tra, giải quyết kịp thời những vụ việc xâm hại tình dục, lạm dụng sức lao động trẻ em, dụ dỗ, lôi kéo trẻ em đi lang thang.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ trẻ em, ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em lang thang; trẻ em phải lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại, nguy hiểm và các vụ việc xâm hại trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (trước đây là Ủy ban Dân số Gia đình và Trẻ em) đã ban hành nhiều văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các ngành chức năng liên quan làm tốt công tác quản lý đối tượng trẻ em, phòng ngừa và xử lý kịp thời các vụ việc xâm hại trẻ em, đồng thời đảm bảo cho trẻ được chăm sóc, trợ giúp để phục hồi và ổn định cuộc sống. Đặc biệt là Chỉ thị số 1408/CT-TTg ngày 01/9/2009, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng xâm hại, bạo lực, mua bán trẻ em, vi phạm quyền trẻ em tại địa phương.

Trên cơ sở chỉ đạo của Trung ương, các địa phương đã quan tâm chỉ đạo từng bước thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý trẻ em tại địa bàn dân cư, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi xâm hại, bạo lực đối với trẻ em gây hậu quả nghiêm trọng, 100% các vụ việc phát hiện xâm hại, bạo lực đối với trẻ em đều được xử lý, giải quyết, đảm bảo quyền và lợi ích tốt nhất cho trẻ em.

Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội (nơi tập trung nhiều trẻ em đến lang thang, lao động kiếm sống) đã có nhiều văn bản chỉ đạo các ngành chức năng giải quyết tình trạng trẻ em lang thang, trẻ em lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại, nguy hiểm trên địa bàn; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội của cả 2 thành phố đã chủ động phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh có đông trẻ em đến 2 thành phố lang thang, lao động kiếm sống thực hiện nhiều biện pháp nhằm đảm bảo cho trẻ em lang thang, trẻ em phải lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại và nguy hiểm được trợ giúp hồi gia và hòa nhập cộng đồng. Nhiều vụ việc dụ dỗ, lừa gạt đưa trẻ em đến thành phố kiếm sống, bóc lột sức lao động như làm việc quá sức trong các cơ sở may tư nhân, cơ sở chế biến cá bò, bán vé số… được phát hiện và xử lý kịp thời (điển hình như việc xử lý và giải quyết dứt điểm tình trạng một số “đầu nậu” tổ chức đưa trẻ em của xã Kỳ Phú, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh vào thành phố Hồ Chí Minh bán vé số vào năm 2005; giải quyết tốt tình trạng trẻ em tham gia đào đãi vàng ở Quảng Nam năm 2006, tình trạng sử dụng trẻ em trong các cơ sở may tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2010).

Công tác kiểm tra, giám sát thực hiện Quyết định 19 ở các địa phương được thực hiện thường xuyên và được lồng ghép với nội dung kiểm tra, giám sát về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Ngoài ra, nhiều cuộc kiểm tra, thanh tra chuyên đề đã được thực hiện như tổ chức thanh tra, kiểm tra tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở một số tỉnh, thành phố (như Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai,…) để chấn chỉnh tình hình sử dụng lao động trẻ em trái quy định của pháp luật.

1.4. Nâng cao chất lượng dịch vụ bảo vệ trẻ em thông qua xây dựng và thực hiện các mô hình can thiệp, trợ giúp trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm phạm tình dục, trẻ em phải lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại, nguy hiểm.

- Đề án ngăn ngừa và trợ giúp trẻ em lang thang kiếm sống thuộc Quyết định 19 được triển khai thực hiện tại 38 tỉnh, thành phố có nhiều trẻ em lang thang đi và đến. Cùng với việc triển khai Đề án này, dự án Hỗ trợ trẻ em lang thang do Ủy ban Châu Âu hỗ trợ được triển khai thực hiện trên địa bàn 51 xã/phường/thị trấn thuộc 33 quận/huyện của 10 tỉnh, thành phố. Các hoạt động can thiệp, trợ giúp được thực hiện thông qua các hình thức hỗ trợ trẻ em lang thang hồi gia, hỗ trợ trẻ em lang thang thuộc các hộ gia đình nghèo giải quyết khó khăn trước mắt, hỗ trợ học văn hóa, học nghề và tạo việc làm khi có đủ điều kiện… Bên cạnh đó, công tác ngăn ngừa, giải quyết tình trạng trẻ em lang thang cũng được thực hiện thông qua việc phối hợp triển khai thực hiện nhiều mô hình khác như mô hình ngân hàng bò; mô hình nhà trọ thân thiện; mô hình câu lạc bộ gia đình nông dân không để trẻ em đi lang thang… đã huy động được nguồn lực từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân để trợ giúp trẻ em lang thang hồi gia, ổn định cuộc sống tại gia đình và hòa nhập cộng đồng.

- Đề án Ngăn chặn và giải quyết tình trạng trẻ em bị xâm phạm tình dục thuộc Quyết định 19 được triển khai trên địa bàn 30 tỉnh, thành phố (giai đoạn 1), từ năm 2009 đến năm 2010 mở rộng ra 63 tỉnh, thành phố, tạo điều kiện cho trẻ em và người dân được tiếp cận thông tin về phòng, chống xâm phạm tình dục trẻ em.

Mô hình phòng chống xâm phạm tình dục trẻ em tại cộng đồng được triển khai rộng khắp, sáng tạo, phù hợp với điều kiện của từng địa phương đã góp phần nâng cao hiểu biết của cộng đồng về phòng chống xâm phạm tình dục trẻ em; khuyến khích người dân tố giác tội phạm, phát hiện sớm trẻ em là nạn nhân và có biện pháp kịp thời giúp nạn nhân trẻ em bị xâm phạm tình dục phục hồi, tái hòa nhập.

Theo báo cáo của các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố, đã có nhiều hình thức trợ giúp trẻ em là nạn nhân của các hành vi xâm phạm tình dục. Việc hỗ trợ vật chất giúp các em và gia đình giảm bớt khó khăn, cha mẹ có điều kiện chăm sóc con cái như: trợ cấp khó khăn, hỗ trợ gia đình vay vốn xóa đói giảm nghèo; mua đồ dùng, dụng cụ học tập, tạo điều kiện cho các em tiếp tục được đến trường; hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm đối với nạn nhân trẻ em trên 13 tuổi; khám và chữa bệnh miễn phí phục hồi sức khỏe, trợ giúp tâm lý.

- Đề án Ngăn chặn và giải quyết tình trạng trẻ em phải lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại và nguy hiểm thuộc Quyết định 19 được triển khai trên địa bàn 40 tỉnh, thành phố trọng điểm. Nhiều mô hình đã được triển khai như mô hình dạy nghề cho trẻ em; mô hình chuyển đổi cơ cấu, tạo việc làm cho các hộ gia đình có trẻ em tham gia lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại, nguy hiểm; mô hình truyền thông, vận động, nâng cao nhận thức; mô hình vận động, quyên góp xây nhà tình thương cho trẻ em lao động thuộc diện hộ nghèo.

- Để từng bước củng cố và phát triển Hệ thống bảo vệ trẻ em quốc gia, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với UNICEF, Tổ chức Cứu trợ trẻ em tại Việt Nam, Plan và Childfund xây dựng và triển khai thí điểm Hệ thống bảo vệ trẻ em tại 125 xã/phường thuộc 15 tỉnh, thành phố giai đoạn 2009 – 2011 với mục đích triển khai các hoạt động bảo vệ trẻ em thông qua việc cung cấp dịch vụ phòng ngừa, can thiệp, trợ giúp phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng nhằm đảm bảo mọi trẻ em được bảo vệ khỏi mọi hình thức xâm hại, ngược đãi và bóc lột. Tuy mới triển khai nhưng hoạt động tại các mô hình thí điểm đã đi vào nề nếp: 100% số xã, phường đã kiện toàn được Ban điều hành, nhóm công tác liên ngành giúp việc Ban điều hành, đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã và mạng lưới cán bộ công tác xã hội/cộng tác viên (trung bình mỗi xã 7 – 8 cộng tác viên); các hoạt động truyền thông, nâng cao năng lực cũng đã được thực hiện. Đặc biệt việc thành lập các trung tâm công tác xã hội (tại 10 tỉnh, 2 huyện) và hàng trăm điểm tham vấn tại xã và trường học đã cho phép cung cấp nhiều loại hình dịch vụ trợ giúp trẻ em, nhờ đó nâng cao hiệu quả của công tác bảo vệ trẻ em nói chung, công tác ngăn ngừa trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm hại tình dục và trẻ em phải lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại, nguy hiểm nói riêng.

1.5. Huy động nguồn lực

[...]