Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Báo cáo số 165/BC-CP về việc tình hình kinh tế-xã hội năm 2008 và nhiệm vụ năm 2009 do Chính phủ ban hành

Số hiệu 165/BC-CP
Ngày ban hành 15/10/2008
Ngày có hiệu lực 15/10/2008
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Thương mại,Xây dựng - Đô thị

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 165/BC-CP

Hà Nội, ngày 15 tháng 10 năm 2008

 

BÁO CÁO

VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ-XÃ HỘI NĂM 2008 VÀ NHIỆM VỤ NĂM 2009

(do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XII, ngày 16 tháng 10 năm 2008)

Thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,

Thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Thưa các đồng chí lão thành cách mạng và các vị khách,

Thưa đồng bào, đồng chí và các bạn,

Để chuẩn bị cho kỳ họp này của Quốc hội, Chính phủ đã gửi trước đến các vị đại biểu Quốc hội Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội năm 2008, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2009; Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2008, dự toán ngân sách nhà nước năm 2009 và 16 báo cáo chuyên đề khác.

Hôm nay, thay mặt Chính phủ, tôi xin báo cáo với Quốc hội và đồng bào cả nước những vấn đề lớn của tình hình kinh tế, xã hội năm 2008; mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2009.

Phần thứ nhất

ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH KINH TẾ-XÃ HỘI NĂM 2008

Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2008, năm bản lề của kế hoạch 5 năm 2006 - 2010 được xây dựng trong bối cảnh thời cơ, thuận lợi rất lớn từ những thành tựu đạt được sau hơn 20 năm đổi mới, nhất là năm 2006 và 2007; từ đó đã xác định quyết tâm hoàn thành cơ bản nhiều chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch 5 năm ngay trong năm 2008, tạo tiền đề để hoàn thành sớm kế hoạch 5 năm 2006 - 2010.

Từ những tháng cuối năm 2007, những biến động không thuận của kinh tế thế giới, những khó khăn trong nước và những hạn chế yếu kém trong chỉ đạo điều hành đã làm cho tình hình kinh tế quý I năm 2008 có những diễn biến bất lợi, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và đời sống, đe doạ nghiêm trọng ổn định kinh tế vĩ mô.

Chúng ta đã nghiêm túc phân tích thực trạng này, cân nhắc thận trọng và quyết định chuyển hướng, xác định nhiệm vụ trọng tâm là: Phấn đấu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng hợp lý, bền vững; trong đó, kiềm chế lạm phát là mục tiêu ưu tiên hàng đầu; đã điều chỉnh giảm chỉ tiêu tăng trưởng và tập trung mọi nỗ lực để thực hiện đồng bộ 8 nhóm giải pháp lớn(1).

Những tháng tiếp sau, kinh tế thế giới tiếp tục suy giảm và biến động rất phức tạp, giá cả tăng cao, lạm phát diễn ra trên quy mô toàn cầu; ở trong nước, thiên tai, dịch bệnh gây thiệt hại nặng nề làm cho việc kiềm chế lạm phát càng khó khăn hơn. Chính phủ đã chủ động theo sát tình hình, phân tích các diễn biến, tiếp thu các ý kiến đóng góp xác đáng, đề cao trách nhiệm, quyết liệt chỉ đạo điều hành thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, sự ủng hộ và giám sát của Quốc hội, sự đồng tâm hiệp lực của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cộng đồng doanh nghiệp, đến nay tuy khó khăn thách thức còn nhiều nhưng tình hình kinh tế, xã hội đã có những chuyển biến tích cực. Từ kết quả đạt được trong 9 tháng và ước định khả năng thực hiện của những tháng còn lại, Chính phủ đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2008 như sau:

I. NHỮNG KẾT QUẢ CHỦ YẾU

1. Việc kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô đạt được kết quả bước đầu quan trọng

Đã triển khai khẩn trương và đồng bộ 8 nhóm giải pháp; trong đó, tập trung chỉ đạo kiên quyết việc thắt chặt tiền tệ và tài khoá; đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu, kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu, hạn chế nhập siêu; tăng cường quản lý giá cả, ngăn chặn đầu cơ, bình ổn thị trường.

Điều hành thận trọng, linh hoạt các công cụ như lãi suất, dự trữ bắt buộc, tín phiếu bắt buộc; điều chỉnh cơ cấu tín dụng, kiểm soát chặt việc cho vay kinh doanh bất động sản, chứng khoán, vay tiêu dùng, tập trung vốn cho sản xuất và xuất khẩu, bảo đảm tính thanh khoản của các ngân hàng và cả nền kinh tế; hạn chế tăng tổng phương tiện thanh toán cả năm xuống còn khoảng 18% và tổng dư nợ tín dụng khoảng dưới 30%(2); tăng cường quản lý các ngân hàng thương mại, trợ giúp các ngân hàng yếu kém vượt qua khó khăn; ban hành các quy định thích hợp để nâng cao hiệu quả, tính an toàn và cũng là tiêu chí để cấp phép lập ngân hàng mới. Các ngân hàng thương mại nhà nước đã đóng góp quan trọng vào việc thực hiện chính sách tiền tệ. Lãi suất ngân hàng ổn định hơn, đã và đang giảm dần cùng với việc giảm của tốc độ tăng giá.

Trước tình hình tỷ giá biến động rất phức tạp gây tâm lý bất ổn trong xã hội, Chính phủ đã khẳng định không phá giá đồng tiền Việt Nam, công khai dự trữ ngoại hối, áp dụng tỷ giá linh hoạt với biên độ phù hợp, can thiệp hợp lý, đủ mạnh vào quan hệ cung cầu, đồng thời kiểm soát chặt kinh doanh ngoại tệ và giảm mạnh nhập siêu. Tỷ giá giữa VNĐ với USD và các ngoại tệ khác đã ổn định trở lại.

Mặc dù giá cả tăng cao nhưng không điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư tương ứng; đã đình hoãn, giãn tiến độ trên 3.100 công trình dự án với khoảng 37.000 tỷ đồng vốn từ nguồn ngân sách và vốn của doanh nghiệp nhà nước(3); cắt giảm khoảng 9.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ. Tiết kiệm 2.700 tỷ đồng chi thường xuyên của các cơ quan đơn vị thụ hưởng ngân sách.

Thu ngân sách năm 2008 vượt dự toán(4), góp phần giải quyết tốt các nhiệm vụ chi trong kế hoạch, tăng trợ cấp an sinh xã hội, tạo nguồn bù lỗ giá xăng dầu và giảm bội chi ngân sách(5).

Những tháng đầu năm nay, nhập siêu tăng mạnh, riêng quý I là 8,3 tỷ USD, bằng 62,4% kim ngạch xuất khẩu, đe doạ nghiêm trọng ổn định kinh tế vĩ mô, nhất là cung cầu ngoại tệ và tỷ giá. Đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh xuất khẩu, đi đôi với kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu để giảm nhập siêu(6). Đến hết quý III, nhập siêu là 15,8 tỷ USD, bằng 32,5% kim ngạch xuất khẩu; ước cả năm, nhập siêu khoảng 19 tỷ USD, bằng khoảng 29% kim ngạch xuất khẩu (tương đương năm 2007).

Tăng cường chỉ đạo công tác quản lý thị trường giá cả, chống đầu cơ, buôn lậu; điều chỉnh thích hợp giá xăng dầu và từ tháng 9, đã kiên quyết thực hiện cơ chế giá thị trường, xoá bù lỗ đối với mặt hàng này.

Cán cân thanh toán quốc tế được bảo đảm; ước cả năm 2008 thặng dư khoảng 2,7 tỷ USD. Dự trữ ngoại hối được tăng thêm, góp phần quan trọng vào ổn định kinh tế vĩ mô. Từ tháng 6 năm 2008, mức tăng giá tiêu dùng đã giảm dần(7), tháng 9 tăng 0,18%, tính chung 9 tháng giá tiêu dùng tăng 21,87%, dự báo cả năm 2008 tăng khoảng 24%.

2. Nền kinh tế duy trì được mức tăng trưởng khá trong điều kiện lạm phát cao

Tăng trưởng GDP cả năm ước đạt khoảng 6,5 - 7%(8); trong đó, nông nghiệp tăng 3,5 - 3,9%; công nghiệp và xây dựng tăng 7,3 - 7,5%, dịch vụ tăng 7,2 - 7,8%; GDP bình quân đầu người đạt trên 1.000 USD(9). Mặc dù gặp nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, giá đầu vào tăng cao nhưng nông nghiệp vẫn đạt được những kết quả nổi trội: giá trị sản xuất ước tăng 5,1% (năm 2007 tăng 4,6%); sản lượng lúa tăng khoảng 2,6 triệu tấn, là mức tăng cao nhất từ trước đến nay(10), thuỷ sản tăng gần 9,0%. Giá trị sản xuất công nghiệp ước tăng 16,2% (năm 2007 tăng 17,1%). Nhiều ngành dịch vụ phát triển khá, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tăng 31% (năm 2007 tăng 22,7%).

[...]