Thứ 6, Ngày 08/11/2024

Báo cáo 138/BC-UBND về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội Thành phố 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2020 do thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 138/BC-UBND
Ngày ban hành 24/07/2020
Ngày có hiệu lực 24/07/2020
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Lê Thanh Liêm
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 138/BC-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 24 tháng 7 năm 2020

 

BÁO CÁO

TÌNH HÌNH KINH TẾ - VĂN HÓA - XÃ HỘI THÀNH PHỐ 6 THÁNG ĐẦU NĂM, NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM 6 THÁNG CUỐI NĂM 2020

Phần thứ nhất

TÌNH HÌNH KINH TẾ - VĂN HÓA - XÃ HỘI 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2020

I. VỀ KINH TẾ

1. Tổng sản phẩm nội địa GRDP

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 06 tháng đầu năm dự ước tăng khoảng 2% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 7,86%)1.

2. Lĩnh vực dịch vụ

a) Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 6 tháng đầu năm 2020 ước đạt 614.591 tỷ đồng, giảm 3,7% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 12,2%); trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 403.540 tỷ đồng, tăng 10,1% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 13,8%). Tình hình doanh thu các ngành dịch vụ khác (dịch vụ lưu trú và ăn uống, dịch vụ lữ hành, dịch vụ khác) có xu hướng giảm, ngành bán lẻ duy trì tốc độ tăng trưởng (tăng 10,1%), cao hơn tốc độ tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ (giảm 3,7%). Việc duy trì mức tăng trưởng của ngành bán lẻ trong 6 tháng đầu năm 2020 là nhờ 04 yếu tố về nguồn cung sản phẩm, hành vi tiêu dùng, hệ thống phân phối và chương trình khuyến mãi, cụ thể như sau:

- Một là, xu hướng thay đổi hành vi tiêu dùng trong thời gian giãn cách xã hội; theo đó người dân điều tiết cơ cấu chi tiêu theo hướng tập trung vào mua sắm hàng hóa thiết yếu, giảm mua sắm qua chợ, trung tâm thương mại và tăng chi tiêu qua hệ thống siêu thị và mua sắm trực tuyến.

- Hai là, sự đáp ứng nhu cầu của người dân qua hệ thống phân phối rộng khắp với 238 chợ, 217 siêu thị, 45 trung tâm thương mại, 2.669 cửa hàng tiện lợi.

- Ba là, khả năng đáp ứng đầy đủ nguồn hàng của doanh nghiệp trên địa bàn trong và sau dịch bệnh. Nguồn cung hàng hóa dồi dào, đủ khả năng cung cấp liên tục và đầy đủ, sản lượng thực phẩm chế biến đảm bảo đủ cung ứng cho nhu cầu người tiêu dùng; các doanh nghiệp cam kết không tăng giá, ưu tiên cung ứng hàng hóa cho thị trường nội địa.

- Bốn là, các trung tâm thương mại, siêu thị tung ra nhiều chương trình khuyến mãi nhằm thu hút người tiêu dùng đến mua sắm trong và sau dịch nhằm vực dậy ngành bán lẻ, đồng thời kích cầu mua bán hàng hóa qua các kênh trực tuyến (điện thoại, đặt hàng qua website, apps...) và hỗ trợ các chính sách giao hàng cho người tiêu dùng. Sự chủ động và thích ứng nhanh trong bối cảnh khó khăn thông qua việc thay đổi kịp thời về phương thức bán hàng của doanh nghiệp đã góp phần cải thiện được doanh thu, tạo hiệu ứng tích cực cho thị trường bán lẻ và đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng.

Ngoài ra, Thành phố đang tổ chức Chương trình “60 ngày vàng khuyến mại trên địa bàn Thành phố” năm 2020, diễn ra từ ngày 1 tháng 6 năm 2020 đến hết ngày 30 tháng 7 năm 2020. Chương trình là chuỗi khuyến mại tập trung kéo dài, mở đầu cho chương trình “Tháng khuyến mại” năm 2020 của Thành phố nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị thiệt hại nặng do ảnh hưởng bởi Covid-19, đồng thời góp phần kích cầu tiêu dùng xã hội, phục hồi sản xuất kinh doanh và hoạt động xã hội trong giai đoạn bình thường mới. Danh mục sản phẩm khuyến mãi do các doanh nghiệp đăng ký rất đa dạng, trong đó hàng hóa thuộc lĩnh vực thời trang, mỹ phẩm, điện tử - điện máy, hàng tiêu dùng tổng hợp... chiếm tỷ lệ nhiều nhất. Từ đầu tháng 6 đến nay, đã có 1.242 doanh nghiệp trên địa bàn đăng ký tham gia 1.745 chương trình trong “60 ngày vàng khuyến mại” với tổng giá trị hàng hóa khuyến mãi lên đến 146 tỷ đồng.

b) Kim ngạch xuất - nhập khẩu2

- Xuất khẩu: Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2020 ước đạt 20,7 tỷ USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 9,2%)3. Nếu không tính giá trị dầu thô, kim ngạch ước đạt 19,9 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 10,1%). Nhóm hàng nông - lâm - thủy sản tăng 5,6% so với cùng kỳ; nhóm hàng công nghiệp tăng 7,6% so với cùng kỳ; hàng hóa khác tăng 0,4% so với cùng kỳ.

- Nhập khẩu: Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2020 ước đạt 24,2 tỷ USD, tăng 0,9% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 9,4%). Nhóm hàng cần thiết nhập khẩu tăng 5,3% so với cùng kỳ; nhóm hàng cần thiết nhập khẩu nhưng phải kiểm soát tăng 4,4% so với cùng kỳ; nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu giảm 10,7% so với cùng kỳ.

c) Hoạt động Du lịch

Để chủ động ứng phó và kịp thời thực hiện các giải pháp trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, ngành du lịch Thành phố đã xây dựng và triển khai kịp thời Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh Covid-194; Kế hoạch giảm tác động đối với ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh trong và sau dịch bệnh Covid-195. Đồng thời, Thành phố đã chủ động cập nhật thường xuyên các thông tin chỉ đạo của Trung ương và Thành phố để hướng dẫn các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn Thành phố tuân thủ nghiêm các chỉ đạo của cơ quan chức năng đối với công tác phòng, chống dịch bệnh đối với ngành du lịch. Trên cơ sở đó. kịp thời ban hành các văn bản triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-196.

Ngành du lịch Thành phố đã chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông và báo chí quảng bá, thông tin các sự kiện du lịch trên địa bàn Thành phố như: (1) Hội nghị sơ kết Chương trình kích cầu du lịch Thành phố Hồ Chí Minh: (2) Lễ đón đoàn khách quốc tế đến Thành phố Hồ Chí Minh đầu năm 2020; (3) Lễ hội Tết Việt; (4) Họp mặt báo chí và Công bố kết quả cuộc thi thiết kế chương trình du lịch sinh thái nông nghiệp của ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh; (5) Lễ hội Ẩm thực Chợ Lớn Kitchen; (6) Hội Hoa xuân Quận 8; (7) Hội nghị thảo luận chương trình phối hợp kích cầu, tăng cường xúc tiến, quảng bá nhằm khôi phục đà tăng trưởng của ngành du lịch ngay sau khi dịch bệnh Covid-19 được khống chế7...

Nhằm đẩy mạnh kích cầu khách du lịch nội địa, ngành du lịch Thành phố đã triển khai xây dựng thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch với 13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long trong 6 tháng cuối năm 2020 với 03 chương trình du lịch tiêu biểu như Những nẻo đường phù sa, Sắc màu vùng biên, Non nước hữu tình; đồng thời xây dựng kế hoạch tổ chức diễn đàn phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Trung bộ, các tỉnh vùng Tây và vùng Đông bắc...

Hoạt động thông tin, quảng bá du lịch được Thành phố quan tâm đẩy mạnh và triển khai thực hiện nhằm tạo tính hiệu quả, tính lan tỏa trong việc quảng bá hình ảnh du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đến với du khách nhất là trong giai đoạn tình hình dịch bệnh được kiểm soát. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, ngành du lịch Thành phố chịu những tác động nghiêm trọng, trực tiếp đến nhiều doanh nghiệp và người lao động trong lĩnh vực du lịch. Trong 6 tháng đầu năm 2020, lượng khách quốc tế đến Thành phố ước đạt 1.303.750, giảm 69,3% so với cùng kỳ, đạt 14,49% kế hoạch năm 2020. Tổng doanh thu du lịch Thành phố 6 tháng đầu năm ước đạt 28.395 tỷ đồng, giảm 58,1% so với cùng kỳ, đạt 19,3% so với kế hoạch năm8.

d) Vận tải hàng hóa và hành khách

Số lượt vận tải hành khách bằng đường thủy đạt 15,25 triệu lượt hành khách, giảm 14,75% so cùng kỳ (cùng kỳ là 17,89 triệu lượt hành khách). Trong đó:

- Phục vụ hành khách được kiểm soát qua các cảng, bến thủy nội địa đạt 376.000 lượt hành khách. Trong đó, vận chuyển hành qua buýt đường thủy là 80.000 lượt hành khách, giảm 46,93% so với cùng kỳ; Tuyến Sài Gòn - Cần Giờ - Vũng Tàu là 47.700 lượt hành khách, giảm 50,32% so với cùng kỳ.

- Vận chuyển hành khách tại 02 bến phà đạt 12.868.000 lượt hành khách, giảm 12,57% so với cùng kỳ. Trong đó: Bến phà Cát Lái là 8.958.000 lượt hành khách, bến phà Bình Khánh là 3.910.000 lượt hành khách.

Số lượng hành khách đi và đến tại ga Sài Gòn ước đạt 480.417 hành khách (giảm 44% so với cùng kỳ) với 2.517 chuyến (giảm 26% so với cùng kỳ). Sản lượng hành khách tại sân bay Tân Sơn Nhất ước đạt 9,38 triệu lượt hành khách, giảm 44,80% so với cùng kỳ. Sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển là 65,95 triệu tấn, tăng 9,05% so với cùng kỳ (cùng kỳ là 60,49 triệu tấn). Sản lượng hàng hóa được kiểm soát thông qua các cảng, bến thủy nội địa đạt 16,76 triệu tấn, tăng 12,79% so với cùng kỳ (cùng kỳ là 14,86 triệu tấn).

đ) Công nghệ thông tin và tình hình triển khai Đề án Đô thị thông minh

[...]