Thứ 6, Ngày 08/11/2024

Báo cáo 199/BC-UBND về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội Thành phố 9 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 3 tháng cuối năm 2020 do thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 199/BC-UBND
Ngày ban hành 23/10/2020
Ngày có hiệu lực 23/10/2020
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Lê Thanh Liêm
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CH
Í
MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 199/BC-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 23 tháng 10 năm 2020

 

BÁO CÁO

TÌNH HÌNH KINH TẾ - VĂN HÓA - XÃ HỘI THÀNH PHỐ 9 THÁNG ĐẦU NĂM NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM 3 THÁNG CUỐI NĂM 2020

Phần thứ nhất

TÌNH HÌNH KINH TẾ - VĂN HÓA - XÃ HỘI 9 THÁNG ĐẦU NĂM 2020

I. VỀ KINH TẾ

1. Tổng sản phẩm nội địa GRDP

Trong năm 2020, tình hình kinh tế thế giới, khu vực và cả nước gặp nhiều khó khăn, tình hình dịch bệnh Covid-19 với những diễn biến mới phức tạp, khó lường tiếp tục ảnh hưởng đến các ngành, lĩnh vực, tác động sâu sắc, toàn diện tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của Thành phố. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 09 tháng đầu năm ước đạt 986.110,3 tỷ đồng, tăng khoảng 0,77% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 7,81%). Cơ cấu kinh tế của Thành phố: Khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng 62,7%; Khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng 23,5%; Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 0,8%; Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 13,1%.

2. Lĩnh vực dịch vụ

a) Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ: Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 9 ước đạt khoảng 112.183 tỷ đồng, giảm 4,4% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 12,3%). Tính chung 09 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 942.958 tỷ đồng, giảm 2,3% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 11,9%)[1].

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, người dân hạn chế tiếp xúc trong thời điểm dịch bệnh, hình thức mua sắm trực tuyến phổ biến. Ngoài ra, hệ thống các siêu thị cũng là nơi được người dân ưu tiên mua sắm do lượng hàng hóa lớn, cung cấp những dịch vụ tiện ích như vận chuyển tận nhà, giá bình ổn nên càng được người dân lựa chọn. Trong dịp lễ 2/9 vừa qua, các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại sức mua tăng gần gấp đôi so với ngày thường, các chợ bán lẻ tăng nhẹ ở một số nhóm hàng như thực phẩm tươi sống, trái cây và hoa tươi các loại.

Thành phố đã tổ chức nhiều sự kiện kích cầu tiêu dùng tiêu biểu để đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại nhịp sống như trước đây như: (1) Chương trình kích cầu tiêu dùng có sự tham gia của 486 doanh nghiệp trưng bày 650 gian hàng, có hơn 400 chương trình khuyến mại được thực hiện với nhiều hình thức khuyến mại đa dạng như giảm giá, tặng quà, phát mẫu dùng thử... với tổng giá trị gần 39 tỷ đồng; (2) Chương trình “60 ngày vàng khuyến mại trên địa bàn thành phố” năm 2020[2] với tổng số chương trình là 7.436 chương trình của 1.400 doanh nghiệp và tổng giá trị khuyến mại hơn 33.745 tỷ đồng. Nhìn chung, các chương trình đã trở thành một trong những hoạt động xúc tiến thương mại trọng điểm, kịp thời giúp thành phố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trước tình hình dịch bệnh; chung tay thực hiện chương trình hành động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tạo điều kiện cho người tiêu dùng được mua sắm hàng hóa với giá cả phù hợp.

b) Kim ngạch xuất - nhập khẩu

- Xuất khẩu: Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp 9 tháng đầu năm 2020 ước đạt 32,56 tỷ USD, tăng 4,9% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 10,5%). Một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu bao gồm: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện chiếm tỷ trọng 43,13%, tăng 22% so với cùng kỳ; Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng chiếm tỷ trọng 5,4%, tăng 0,8% so với cùng kỳ.

- Nhập khẩu: Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 9 tháng đầu năm 2020 ước đạt 36,5 tỷ USD, giảm 1,9% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 8,2%). Một số mặt hàng nhập khẩu chủ yếu: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện chiếm tỷ trọng 37,5%; Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng chiếm tỷ trọng 11%; Chất dẻo nguyên liệu chiếm 4%.

c) Hoạt động Du lịch

Để chủ động ứng phó và kịp thời thực hiện các giải pháp trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, ngành du lịch thành phố đã xây dựng và triển khai kịp thời Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh Covid-19; Kế hoạch giảm tác động đối với ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh trong và sau dịch bệnh Covid-19. Đồng thời, Thành phố đã chủ động cập nhật thường xuyên các thông tin chỉ đạo của Trung ương và Thành phố để hướng dẫn các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn thành phố tuân thủ nghiêm các chỉ đạo của cơ quan chức năng đối với công tác phòng, chống dịch bệnh đối với ngành du lịch. Hoạt động thông tin, quảng bá du lịch được thành phố quan tâm đẩy mạnh và triển khai thực hiện nhằm tạo tính hiệu quả, tính lan tỏa trong việc quảng bá hình ảnh du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đến với du khách nhất là trong giai đoạn tình hình dịch bệnh được kiểm soát.

Do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, ngành du lịch thành phố chịu những tác động nghiêm trọng, trực tiếp đến nhiều doanh nghiệp và người lao động trong lĩnh vực du lịch. Trong điều kiện dịch bệnh tái bùng phát, Thành phố đã chủ động triển khai công tác ứng phó, phòng chống dịch bệnh Covid-19[3]. Thực hiện nghiêm túc và kịp thời chế độ báo cáo, ban hành các công văn đôn đốc, nhắc nhở các doanh nghiệp du lịch, công chức, viên chức và người lao động quán triệt tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Về xúc tiến du lịch, Thành phố tổ chức thành công Lễ hội Áo dài Thành phố Hồ Chí Minh; thông qua hình thức trực tuyến tham gia Hội thảo trực tuyến của Tổ chức Xúc tiến Du lịch các Thành phố Châu Á- Thái Bình Dương (TPO) về phục hồi du lịch; tham dự một số hoạt động trực tuyến của tập đoàn truyền thông PRNewswire như Hội thảo PRNewswire - Vietnam Media Coffee 2020, lễ trao giải về truyền thông và quan hệ công chúng của PRNewswire; Xúc tiến làm việc về lựa chọn đơn vị phối hợp tổ chức Hội chợ Du lịch ITE Thành phố Hồ Chí Minh năm 2021. Trong 9 tháng đầu năm 2020, lượng khách quốc tế đến thành phố ước đạt 1.303.750, giảm 79% so với cùng kỳ, đạt 14,49% kế hoạch năm 2020. Tổng doanh thu du lịch thành phố 9 tháng đầu năm ước đạt 57.334 tỷ đồng, giảm 44,4% so với cùng kỳ, đạt 39% so với kế hoạch năm[4].

d) Vận tải hàng hóa và hành khách

Số lượt vận tải hành khách bằng đường thủy đạt 23,3 triệu lượt, giảm 14,14% so cùng kỳ (cùng kỳ đạt 27,1 triệu lượt). Trong đó:

- Phục vụ hành khách tại các bến khách ngang sông đạt 3,1 triệu lượt, giảm 19,18% so với cùng kỳ; qua các cảng, bến thủy nội địa đạt 536.137 lượt, trong đó vận chuyển hành khách trên tuyến buýt đường thủy là 136.558 lượt hành khách, giảm 43,44% so với cùng kỳ, tuyến Sài Gòn - Cần Giờ - Vũng Tàu là 73.656 lượt hành khách, giảm 50,68% so với cùng kỳ.

- Vận chuyển hành khách tại 02 bến phà đạt 19,5 triệu lượt, giảm 11,75% so với cùng kỳ; trong đó Bến phà Cát Lái là 13,5 triệu lượt và bến phà Bình Khánh là 6 triệu lượt.

Sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển là 95,49 triệu tấn, tăng 3,66% so với cùng kỳ (cùng kỳ đạt 92,12 triệu tấn). Sản lượng hàng hóa được kiểm soát thông qua các cảng, bán thủy nội địa đạt 29,53 triệu tấn, tăng 26,47% so với cùng kỳ (cùng kỳ đạt 23,35 triệu tấn).

đ) Công nghệ thông tin và tình hình triển khai Đề án Đô thị thông minh

Thành phố đã ban hành quyết định về cập nhật Kiến trúc Chính quyền điện tử Thành phố Hồ Chí Minh[5]; Quyết định về phê duyệt Chương trình chuyển đổi số cửa Thành phố Hồ Chí Minh[6]. Đã tổ chức Hội nghị công bố Chương trình chuyển đổi số và hệ thống nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của Thành phố; đang xây dựng Đề án “Triển khai hệ thống viễn thông và điện thoại di động thế hệ 5 (5G) giai đoạn 2020-2025”.

Thành phố đang xây dựng Chương trình triển khai Đề án xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh đến năm 2025. Đã phê duyệt dự toán chuẩn bị đầu tư 05 dự án trọng tâm là các trung tâm trụ cột của Đề án xây dựng đô thị thông minh: Xây dựng Trung tâm điều hành đô thị thông minh Thành phố Hồ Chí Minh, Xây dựng Trung tâm tiếp nhận và xử lý thông tin khẩn cấp của Thành phố Hồ Chí Minh thông qua một đầu số viễn thông duy nhất giai đoạn 2019 - 2025, Xây dựng hệ thống giám sát hình ảnh camera tập trung của Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2019 - 2021. Triển khai hệ thống quản lý, lưu trữ cơ sở dữ liệu thuộc Kho dữ liệu dừng chung của Thành phố - giai đoạn 1. Đã ban hành Quyết định về ban hành quy chế phối hợp tiếp nhận, xử lý và phản hồi thông tin trên cổng tiếp nhận và giải đáp thông tin cho người dân, doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn Thành phố[7].

e) Tín dụng - Ngân hàng, thị trường chứng khoán

- Hoạt động ngân hàng: Hoạt động ngân hàng trên địa bàn thành phố nhìn chung ổn định. Trong đó các hoạt động chính: Huy động, cho vay và dịch vụ ngân hàng... đều duy trì hoạt động và tăng trưởng nhẹ so với cuối năm trước, đặc biệt ngành ngân hàng trên địa bàn quan tâm triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19.

- Tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đạt 2.699.800 tỷ đồng, tăng 6% so cuối năm 2019. Trong đó, tiền gửi VNĐ tiếp tục tăng trưởng và chiếm tỷ trọng cao trong tổng nguồn vốn huy động, chiếm gần 87,15% tổng nguồn vốn huy động[8].

[...]