Báo cáo 1011/BC-BYT năm 2012 kết quả hội thảo quốc gia về mất cân bằng giới tính khi sinh do Bộ Y tế ban hành

Số hiệu 1011/BC-BYT
Ngày ban hành 22/11/2012
Ngày có hiệu lực 22/11/2012
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Người ký Nguyễn Thị Kim Tiến
Lĩnh vực Thể thao - Y tế,Văn hóa - Xã hội

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1011/BC-BYT

Hà Nội, ngày 22 tháng 11 năm 2012

 

BÁO CÁO

KẾT QUẢ HỘI THẢO QUỐC GIA VỀ MẤT CÂN BẰNG GIỚI TÍNH KHI SINH

Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ

Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã tổ chức Hội thảo quốc gia về mất cân bằng giới tính khi sinh (sau đây gọi là Hội thảo) vào ngày 03/11/2012 tại Hà Nội. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã đến dự và chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo một số Bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương; lãnh đạo Ủy ban nhân dân, lãnh đạo Sở Y tế, Chi cục Dân Số-Kế hoạch hóa gia đình 63 tỉnh, thành phố; đại biểu một số Viện, Trung tâm nghiên cứu; đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, UNFPA Việt Nam; một số tổ chức quốc tế tại Hà Nội và chuyên gia quốc tế.

Bộ Y tế xin báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả Hội thảo như sau:

Hội thảo bao gồm 2 phiên toàn thể và 3 phiên thảo luận nhóm. Hội thảo đã nghe Báo cáo tổng quan về mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) ở Việt Nam do Tổng cục Dân Số-Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), Bộ Y tế trình bày; 12 Báo cáo chuyên đề về MCBGTKS ở Việt Nam; 02 Báo cáo, tham luận của các chuyên gia hàng đầu quốc tế về MCBGTKS đến từ UNFPA và các tham luận, ý kiến đóng góp từ các địa phương, đơn vị tham dự Hội thảo. Sau khi nghe các Báo cáo chuyên đề, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã phát biểu ý kiến chỉ đạo.

Các đại biểu tham dự Hội thảo đều đồng thuận, thống nhất những vấn đề sau đây:

1. Thực trạng, nguyên nhân và hệ lụy của vấn đề MCBGTKS tại Viêt Nam

1.1. Về thực trạng: Theo Kết quả Tổng điều tra Dân số và Nhà ở của Tổng cục Thống kê, tỷ số giới tính khi sinh (TSGTKS) của Việt Nam năm 1999 là 107 bé trai/100 bé gái. Điều tra biến động DS-KHHGĐ hàng năm của Tổng cục Thống kê cho thấy: năm 2006, TSGTKS của nước ta là 109,8-vấn đề MCBGTKS trở nên “nóng” và thực sự thu hút sự chú ý của các phương tiện thông tin đại chúng và dư luận xã hội. Trong những năm gần đây, TSGTKS vẫn tiếp tục tăng cao (năm 2009 TSGTKS là 110,5; năm 2010 là 111,2; năm 2011 là 111,9; năm 2012 là 112,3). Như vậy, từ năm 2006-2008 bình quân mỗi năm tăng 1,15 điểm %; từ năm 2009-2012, mỗi năm tăng bình quân khoảng 0,6 điểm %. Các nhà nhân khẩu học trong và ngoài nước đều dự báo, TSGTKS của Việt Nam sẽ còn tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.

1.2. Nguyên nhân: Có ba nhóm nguyên nhân:

1.2.1. Nhóm nguyên nhân cơ bản

Việt Nam là một quốc gia châu Á có nền văn hóa truyền thống, trong đó tư tưởng Nho giáo đóng vai trò chủ đạo. Một trong những giá trị của Nho giáo là mô hình gia đình truyền thống, trong đó việc nối dõi tông đường, thờ phụng tổ tiên, phụng dưỡng cha mẹ là những giá trị nền tảng. Trong nền văn hóa đó, tâm lý ưa thích con trai trở lên mãnh liệt cho mỗi cá nhân, mỗi cặp vợ chồng, mỗi gia đình và mỗi dòng họ với các quan niệm như có con trai mới được xem là đã có con - “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, không có con trai là tuyệt tự.

Tất cả những điều đó đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi cá nhân, và trở thành một phần của nền văn hóa truyền thống Việt Nam. Ưa chuộng con trai chính là nguyên nhân gốc rễ của hiện tượng mất MCBGTKS ở Việt Nam.

1.2.2. Nhóm nguyên nhân phụ trợ

Do áp lực giảm sinh, mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh 1-2 con nhưng các cặp vợ chồng lại mong muốn trong số đó phải có con trai. Vì vậy, họ đã sử dụng các dịch vụ lựa chọn giới tính trước sinh như một cứu cánh để đáp ứng được cả 2 mục tiêu trên. Do nhu cầu phát triển kinh tế gia đình: ở một số vùng kinh tế xã hội, nhiều công việc nặng nhọc, đặc biệt là công việc trong các ngành Nông-Lâm-Ngư nghiệp, khai thác khoáng sản, đi biển đánh bắt xa bờ... đòi hỏi sức lao động cơ bắp của con trai; con trai là trụ cột về kinh tế cho cả gia đình. Do chế độ an sinh xã hội chưa đảm bảo, hiện nay trên 70% dân số nước ta còn sống ở nông thôn, hầu hết không có lương hưu khi về già, họ cần sự chăm sóc, phụng dưỡng của con cái mà theo quan niệm của xã hội hiện nay, trách nhiệm đó chủ yếu thuộc về con trai, vì thế họ sẽ cảm thấy lo lắng và rất không an tâm cho tương lai khi chưa có con trai. Chính sách ưu tiên đối với nữ giới cũng chưa thật thỏa đáng.

1.2.3. Nguyên nhân trực tiếp

Lạm dụng những tiến bộ khoa học công nghệ để thực hiện lựa chọn giới tính trước sinh như: Áp dụng ngay từ trước lúc có thai; trong lúc thụ thai; hoặc chẩn đoán giới tính khi đã có thai, nếu là thai trai thì họ để lại, nếu là thai gái thì bỏ đi...

1.3. Hệ lụy của việc gia tăng TSGTKS ở Việt Nam

Tình trạng gia tăng TSGTKS sẽ dẫn tới những hệ lụy khó lường về mặt xã hội, kinh tế, thậm chí cả an ninh chính trị,... khi các nam nữ thanh niên bước vào độ tuổi kết hôn (ở Việt Nam, thời điểm này sẽ bắt đầu xảy ra vào khoảng năm 2025). Các nhà nghiên cứu dự báo rằng, Việt Nam sẽ thiếu khoảng 2,3-4,3 triệu phụ nữ vào năm 2050. Trước hết, tình trạng “dư thừa” nam giới trong độ tuổi kết hôn có thể sẽ dẫn tới tan vỡ cấu trúc gia đình, một bộ phận nam giới sẽ phải kết hôn muộn và nhiều người trong số họ không có khả năng kết hôn. Một số giải pháp tình thế được một số nước đang áp dụng, đó là kết hôn với người nước ngoài (“xuất khẩu” chú rể hoặc “nhập khẩu” cô dâu) nhưng xem ra khó bền vững. Việc gia tăng TSGTKS không những không cải thiện được vị thế của người phụ nữ mà thậm chí còn làm gia tăng thêm sự bất bình đẳng giới như: nhiều phụ nữ phải kết hôn sớm hơn, tỷ lệ ly hôn và tái hôn của phụ nữ sẽ tăng cao, tình trạng bạo hành giới, mua dâm, buôn bán phụ nữ sẽ gia tăng,... Vì thế, TSGTKS được coi là một trong những chỉ báo quan trọng để đánh giá mức độ bình đẳng giới.

2. Đánh giá tình hình

Chúng ta cố gắng khống chế tốc độ gia tăng TSGTKS và bước đầu đã có kết quả: Giai đoạn 2006 - 2008, TSGTKS tăng 1,15 điểm phần trăm/năm; Giai đoạn 2009 đến nay, TSGTKS tăng 0,6 điểm phần trăm/năm. Tuy nhiên với mức tăng đó vẫn là quá cao và cần phải giảm mạnh hơn nữa. Để đạt TSGTKS dưới mức 113 vào năm 2015 là rất khó khăn và khó khả thi bởi sự vào cuộc chưa kiên quyết của các cấp ủy, chính quyền địa phương, chưa có được sự tham gia tích cực của các ban, ngành, đoàn thể. Do vậy, chúng ta chưa thể hạ TSGTKS xuống ngay được mà chỉ khống chế tốc độ gia tăng TSGTKS hàng năm (dưới 0,4-0,5 điểm phần trăm/năm).

3. Giải pháp

3.1. Tăng cường truyền thông, giáo dục, vận động để người dân nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi

Thường xuyên cung cấp thông tin cập nhật về tình trạng MCBGTKS, các hoạt động và kết quả can thiệp, ngăn ngừa, hạn chế tình trạng MCBGTKS của cả nước và từng địa phương cho Lãnh đạo Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị- xã hội, đoàn thể, tôn giáo ở các cấp, các ngành.

Triển khai mạnh mẽ và đồng bộ các hoạt động truyền thông, trong đó đặc biệt chú trọng tới truyền thông trực tiếp thông qua mạng lưới cán bộ chuyên trách và cộng tác viên dân số ở cơ sở với cách tiếp cận và thông điệp phù hợp với từng nhóm đối tượng nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi thái độ và hành vi của toàn xã hội, của những người đứng đầu các dòng họ, những người cung cấp dịch vụ liên quan tới lựa chọn giới tính thai nhi và đặc biệt là các cặp vợ chồng về hệ lụy của tình trạng MCBGTKS để có nhận thức, thái độ và hành vi phù hợp.

Thực hiện giáo dục về giới, bình đẳng giới trong, ngoài nhà trường với nội dung và hình thức thích hợp với từng cấp học để giới trẻ thấy được hệ lụy của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, cung cấp kiến thức, kỹ năng thực hành bình đẳng giới, định hình các giá trị bình đẳng giới cho thế hệ trẻ.

3.2. Thực hiện các chính sách ưu tiên nữ giới, ưu tiên những gia đình sinh con một bề là nữ

Tích cực nghiên cứu, xây dựng và triển khai thử nghiệm các chính sách ưu tiên nữ, hỗ trợ, nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái, đặc biệt là trẻ em gái trong các gia đình sinh con một bề gái và cha mẹ của các em; sửa đổi, bổ sung và thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội cho người cao tuổi nhất là các gia đình sinh con một bề là nữ để thúc đẩy nhanh sự chấp nhận các giá trị bình đẳng giới trong đời sống gia đình và xã hội.

[...]
5
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ