Báo cáo 09/BC-UBDT năm 2013 kết quả kiểm tra thực hiện đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số từ năm 2009 đến năm 2012” tại hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn do Ủy ban Dân tộc ban hành

Số hiệu 09/BC-UBDT
Ngày ban hành 21/01/2013
Ngày có hiệu lực 21/01/2013
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Uỷ ban Dân tộc
Người ký Sơn Minh Thắng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN DÂN TỘC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 09/BC-UBDT

Hà Nội, ngày 21 tháng 01 năm 2013

 

BÁO CÁO

KẾT QUẢ KIỂM TRA THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN PHÁP LUẬT CHO NGƯỜI DÂN NÔNG THÔN VÀ ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ TỪ NĂM 2009 ĐẾN NĂM 2012” TẠI HAI TỈNH CAO BẰNG VÀ LẠNG SƠN

Thực hiện Kế hoạch số 1711/KH-BNN-PC ngày 07 tháng 6 năm 2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phối hợp thực hiện Đề án “Tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số từ năm 2009 đến năm 2012” (sau đây gọi là Đề án 554), từ ngày 25/11/2012 đến ngày 01/12/2012, Ủy ban Dân tộc phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam kiểm tra việc thực hiện Đề án 554 tại hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn.

Tại các địa phương, Đoàn kiểm tra đã tiến hành làm việc, nghe đại diện Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, đại diện các cơ quan của tỉnh thực hiện Đề án 554 (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Phụ nữ tỉnh, Ban Dân tộc, Hội Nông dân) báo cáo để nắm tình hình chung và trao đổi, thảo luận về việc thực hiện Đề án 554 tại địa phương; kiểm tra thực tế một số huyện, xã, kết quả cụ thể như sau:

1. Về tổ chức triển khai thực hiện

Ủy ban nhân dân tỉnh hai tỉnh đã ban hành các văn bản triển khai thực hiện Đề án: Kế hoạch số 1325/KH-UBND, ngày 26/6/2009 về Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2009 đến năm 2012; ban hành Quyết định số 907/QĐ-UBND ngày 14/6/2010 về việc ban hành kế hoạch thực hiện Đề án "Tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số từ 2010 - 2012" thuộc chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ từ năm 2008 - 2012 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Tỉnh Lạng Sơn đã ban hành các văn bản: Kế hoạch số 75/KH-UBND ngày 26/7/2011 về thực hiện Đề án "Tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số từ năm 2009 đến năm 2012” giai đoạn 2, trên địa bàn tỉnh; Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 07/9/2010 về tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 2172/QĐ-UBND ngày 10/10/2010 về ban hành Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2008 đến 2012 trên địa bàn tỉnh, trong đó có nội dung tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số; ban hành Kế hoạch số 65/KH-UBND ngày 19/11/2012 về thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh từ năm 2013 đến năm 2016”; đồng thời ban hành Kế hoạch số 66/KH-UBND ngày 19/11/2012 về thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh năm 2013”.

Ủy ban nhân dân các tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn đã thành lập 04 tiểu Đề án giao cho các đơn vị thành viên thực hiện:

- Tiểu đề án 1: Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về nông nghiệp và phát triển nông thôn cho người dân nông thôn giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trực tiếp thực hiện;

- Tiểu đề án 2: Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số giao cho Ban Dân tộc tỉnh trực tiếp thực hiện;

- Tiểu đề án 3: Huy động sự tham gia của nông dân trong công tác tuyên truyền, phổ biến và vận động chấp hành pháp luật ở nông thôn giao cho Hội Nông dân tỉnh trực tiếp thực hiện;

- Tiểu đề án 4: Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho phụ nữ nông dân và phụ nữ dân tộc thiểu số do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh trực tiếp thực hiện.

2. Nội dung tuyên truyền

Tùy thuộc vào từng thời điểm cụ thể, Ủy ban nhân dân các tỉnh đã xác định rõ nội dung pháp luật và các hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật phù hợp cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số, phù hợp với từng vùng, gắn với nhiệm vụ chính trị và yêu cầu phát triển kinh tế của địa phương, đặc biệt chú trọng các văn bản pháp luật liên quan thiết thực đến đời sống nhân dân như: Bộ luật Dân sự, Luật Lao động, Bộ Luật hình sự và Tố tụng hình sự, Luật Khiếu nại tố cáo, Luật Cán bộ Công chức, Luật Bầu cử Quốc hội, Luật Giao thông Đường bộ, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm chống lãng phí, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Phòng, chống ma túy, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Đất đai, Luật Thi đua Khen thưởng, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Quốc phòng, Bộ luật Dân sự, Luật Giáo dục, Luật Trợ giúp pháp lý, Nghị định về công tác dân tộc, các chính sách trợ giá, trợ cước, các quy định của pháp luật về lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn...

3. Hình thức và phương pháp tuyên truyền

Các hình thức tuyên truyền chủ yếu là tuyên truyền miệng, phát hành tài liệu hỏi đáp, tờ gấp, thông qua tủ sách pháp luật, hội thảo, hội nghị, sân khấu hóa, tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động, thông qua tổ hòa giải ở cơ sở, hoạt động của các câu lạc bộ, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua sinh hoạt chi bộ, tổ, đội, câu lạc bộ, pa nô, áp phích, băng rôn... Đặc biệt, thi tìm hiểu pháp luật bằng hình thức sân khấu hóa được đánh giá là rất hiệu quả.

4. Kết quả thực hiện các hoạt động của Đề án

Qua 4 năm thực hiện Chương trình tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số theo Đề án 554, kết quả thực hiện các hoạt động của Đề án như sau:

1. Tỉnh Cao Bằng tổ chức triển khai thực hiện công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong toàn ngành đã phổ biến được 106 văn bản luật, trong đó có: 78 bộ luật, luật và pháp lệnh, 28 nghị định, thông tư, chỉ thị, nghị quyết và các văn bản quy phạm pháp luật khác cho tổng số gần 3.500 lượt người tham gia; tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số, cụ thể: Chương trình 135 giai đoạn II (2009-2012) tổ chức Hội nghị tập huấn cho cán bộ tư pháp của 172 xã, hỗ trợ thành lập 117 câu lạc bộ trợ giúp pháp lý của xã; tổ chức 02 lớp tập huấn cho chủ tài khoản, kế toán xã hướng dẫn lập dự toán và thanh quyết toán tiền hỗ trợ các hoạt động của câu lạc bộ theo trình tự thủ tục được quy định trong Luật trợ giúp pháp lý, tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động được 58 đợt, thực hiện trợ giúp pháp lý cho đồng bào dân tộc thiểu số các xã ĐBKK được 497 vụ việc, tổng số người dân được trợ giúp là 1.316 lượt người trong đó trợ giúp về tố tụng hình sự được 74 vụ việc, dân sự được 281 vụ việc, hôn nhân và gia đình được 127 vụ việc lao động 01 vụ, hành chính 11 vụ, tranh chấp đất đai 661 vụ, chính sách được 21 vụ và các lĩnh vực khác được 140 vụ việc; huy động sự tham gia của nông dân trong công tác tuyên truyền, phổ biến và vận động chấp hành pháp luật ở nông thôn đến nay đã có 381 câu lạc bộ, 2.054 nhóm nòng cốt thuộc 2.054 chi hội nông dân trong tỉnh và có 256.816 lượt người dân nông thôn được phổ biến, giáo dục pháp luật - từ năm 2009 đến 2012 các cấp hội nông dân đã trực tiếp hòa giải thành công trên 528 vụ việc và 1.452 vụ mâu thuẫn trong nội bộ nông dân, nông thôn; tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho phụ nữ nông dân và phụ nữ dân tộc thiểu số; Hội Liên hiệp Phụ nữ (HLHPN) tỉnh đã tổ chức được 4 lớp tập huấn báo cáo viên cho hơn 200 người là cán bộ chuyên trách Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức được 150 lớp tập huấn về kỹ năng phổ biến, tuyên truyền các văn bản pháp luật cho cán bộ hội làm công tác phổ biến giáo dục pháp luật với trên 5.250 lượt người tham gia, tổ chức hội cấp xã tổ chức tập huấn cán bộ làm công tác phổ biến giáo dục pháp luật được 326 lớp với trên 11.000 lượt người tham gia. Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực hòa giải cho 883 tổ hòa giải, trong đó có 719 nữ là cán bộ hội cơ sở tham dự; tổ chức được 19 lớp tập huấn về kiến thức pháp luật và kỹ năng tư vấn pháp luật cho 1.792 đối tượng là người thực hiện trợ giúp pháp lý và thành viên Ban chủ nhiệm câu lạc bộ trợ giúp pháp lý tại các huyện nghèo, tổ chức được 61 sự kiện Caravan, một hình thức sân khấu hóa, sử dụng ngôn ngữ địa phương (tiếng Tày, Nùng, Mông, Dao) tại 51 xã thuộc các huyện Nguyên Bình, Bảo Lạc, Bảo Lâm, Thông Nông, Hà Quảng, Thạch An, Hòa An, Trà Lĩnh, Quảng Uyên trong 3 năm (2008 - 2010) đã thu hút trên 24.500 người tham gia (trong đó có trên 50% là phụ nữ), góp phần nâng cao nhận thức của người dân và tăng cường kiến thức, kỹ năng tuyên truyền và phương pháp phối hợp hoạt động cho cán bộ các cấp, các ban, ngành tại địa phương.

Tuyên truyền "Sổ tay phổ biến giáo dục cho nông dân" do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Tư pháp biên soạn và phát hành qua "Bản tin nông dân" mỗi quý trung bình 3000 cuốn phát hành đến các cơ sở, Chi hội nông dân ở thôn, xóm, qua cuộc thi cán bộ Hội nông dân cơ sở giỏi...; cấp phát 3.506 cuốn tài liệu về tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, phát hơn 31.183 tờ rơi về Luật Bảo vệ Môi trường, Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình... 1.222 cuốn tài liệu khác tới các chị em trong ban chấp hành hội LHPN các cấp.

Phối hợp với tổ chức phi chính phủ (Heveltas) trên địa bàn tỉnh tổ chức các cuộc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, trong vùng đồng bào dân tộc, tổ chức các cuộc diễn đàn đối thoại chính sách và cuộc sống tại cơ sở xã được trên 50 cuộc với trên 2.000 lượt người tham gia.

Kinh phí cấp để triển khai thực hiện Đề án "Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số" cho giai đoạn 2009-2012 khoảng 1.822 triệu đồng (trong đó: kinh phí theo Chương trình 135 giai đoạn II 822 triệu đồng; kinh phí các tổ chức phi chính phủ 200 triệu đồng; kinh phí được cấp theo nguồn kinh phí chi thường xuyên hàng năm cấp cho các đơn vị thực hiện các tiểu đề án là 800 triệu đồng).

2. Tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức được 23.127 cuộc phổ biến pháp luật thu hút 1.662.738 lượt người tham gia; chuyên mục "Thông tin pháp luật" trên báo (01 số/tuần): Từ năm 2009 đến tháng 10/2012 Báo Lạng Sơn đã đăng tải trên 02 ấn phẩm Báo in và trang tin Báo Lạng Sơn điện tử được 619 tin, 842 bài và 554 ảnh; phát trên sóng Phát thanh và Truyền hình tỉnh được 1.920 tin bài, phát thanh và Truyền hình các huyện, thành phố biên tập, phát sóng trong các chương trình truyền thanh, truyền hình được 2.915 tin, bài; biên soạn tài liệu pháp luật để phục vụ cho tuyên truyền pháp luật là 419.527 tài liệu các loại, trong đó có 20.752 cuốn sách pháp luật phổ thông, 17.664 cuốn sách hỏi đáp hướng dẫn pháp luật, 237.000 tờ gấp pháp luật, 2.080 Băng đĩa hình, 226 tủ sách pháp luật có trên 11.752 cuốn sách và 130.279 tài liệu khác như các loại biển báo, biển cấm, tờ lịch...

Việc phối hợp công tác giữa các cơ quan, tổ chức trong phổ biến, giáo dục pháp luật được duy trì và hoạt động có hiệu quả ở một số Sở, ban, ngành trên một số lĩnh vực như: Phổ biến, giáo dục pháp luật, tuyên truyền pháp luật về ma túy, tội phạm và phòng, chống các tệ nạn xã hội; về giao thông đường bộ, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Hôn nhân gia đình, Phòng chống bạo lực gia đình, Buôn bán phụ nữ, trẻ em, mại dâm... Các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội phối hợp với các trường học trên địa bàn tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho các em học sinh... Đặc biệt, hàng năm Sở Tư pháp - cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh đều tổ chức phối hợp trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật với các Sở, ban, ngành và các đoàn thể để cung cấp tài liệu (văn bản luật, tờ rơi, băng đĩa, sách, báo pháp luật và các loại tài liệu pháp luật khác)...

Kinh phí thực hiện đề án chưa bố trí được nguồn kinh phí riêng cho việc thực hiện đề án mà lồng ghép thực hiện từ các chương trình, đề tài, dự án khác (tổng kinh phí thực hiện các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên địa bàn tỉnh năm 2012 khoảng 6,2 tỷ đồng).

5. Những ưu điểm và hạn chế, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện Đề án

5.1. Ưu điểm:

Được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể; nhận thức của đảng viên, cán bộ, công chức đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ngày càng tăng, từ đó chủ động, tích cực tham gia và nghiên cứu văn bản pháp luật, thực thi công vụ đúng pháp luật. Cấp ủy, chính quyền và đoàn thể các cấp nhận thức được vị trí, vai trò công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị.

Nội dung phổ biến pháp luật đa dạng, không gói gọn trong lĩnh vực pháp luật chuyên ngành mà mở rộng ra các văn bản pháp luật chung, trong đó có các văn bản pháp luật thiết thực với đời sống của cán bộ công chức, người dân nông thôn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số như pháp luật về lao động, dân sự, kinh tế, tố tụng, chính sách dân tộc, ma túy, đất đai...

[...]