Yêu cầu xác định giá trị tài sản chung để chia khi ly hôn được pháp luật quy định như thế nào?
Nội dung chính
Yêu cầu xác định giá trị tài sản chung để chia khi ly hôn được pháp luật quy định như thế nào?
Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về Nguyên tác giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn như sau:
1. Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này.
Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó; nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này để giải quyết.
2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:
a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.
3. Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.
4. Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật này.
Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.
Trường hợp của bạn, bạn không nêu rõ về thông tin tài sản chung là căn nhà của hai vợ chồng anh trai bạn cũng như hình thức phân chia tài sản chung của Tòa án áp dụng cho vợ chồng anh trai bạn là chia hiện vật hay chia theo giá trị tài sản. Tuy nhiên từ những thông tin bạn cung cấp, mặc dù Tòa án đã phân chia tài sản chung là chia đôi, nhưng trên thực tế hai người vẫn chưa phân chia, người đang sử dụng trực tiếp với tài sản chung này là chị dâu bạn nên tài sản này trên thực tế đang là tài sản chung theo phần của hai người mà mỗi người có quyền sở hữu một nửa với tài sản này.
Điều 218 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền định đoạt đối với tài sản chung và phân chia tài sản chung như sau:
1. Mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền định đoạt phần quyền sở hữu của mình.
2. Việc định đoạt tài sản chung hợp nhất được thực hiện theo thỏa thuận của các chủ sở hữu chung hoặc theo quy định của pháp luật.
3. Trường hợp một chủ sở hữu chung theo phần bán phần quyền sở hữu của mình thì chủ sở hữu chung khác được quyền ưu tiên mua.
Trong thời hạn 03 tháng đối với tài sản chung là bất động sản, 01 tháng đối với tài sản chung là động sản, kể từ ngày các chủ sở hữu chung khác nhận được thông báo về việc bán và các điều kiện bán mà không có chủ sở hữu chung nào mua thì chủ sở hữu đó được quyền bán cho người khác. Việc thông báo phải được thể hiện bằng văn bản và các điều kiện bán cho chủ sở hữu chung khác phải giống như điều kiện bán cho người không phải là chủ sở hữu chung.
Trường hợp bán phần quyền sở hữu mà có sự vi phạm về quyền ưu tiên mua thì trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày phát hiện có sự vi phạm về quyền ưu tiên mua, chủ sở hữu chung theo phần trong số các chủ sở hữu chung có quyền yêu cầu Tòa án chuyển sang cho mình quyền và nghĩa vụ của người mua; bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường thiệt hại.
4. Trường hợp một trong các chủ sở hữu chung đối với bất động sản từ bỏ phần quyền sở hữu của mình hoặc khi người này chết mà không có người thừa kế thì phần quyền sở hữu đó thuộc về Nhà nước, trừ trường hợp sở hữu chung của cộng đồng thì thuộc sở hữu chung của các chủ sở hữu chung còn lại.
Như vậy, khi anh trai bạn có nhu cầu muốn bán nhà thì anh trai bạn có quyền định đoạt đối với một nửa căn nhà tuy nhiên phải ưu tiên cho chị dâu bạn có quyền mua lại, sau thời gian 3 tháng thông báo có nhu cầu bán mà chị dâu bạn không mua thì anh trai bạn có quyền bán cho người khác. Tuy nhiên căn nhà chỉ có thể bán cho người khác được khi nó đủ điều kiện để phân tách. Nếu căn nhà không đủ điều kiện để phân chia thì căn cứ vào Khoản 1 Điều 219 Bộ luật dân sự 2015 thì phải chia căn nhà ra giá trị tiền để hoàn trả cho bên không nhận nhà. Nếu hai anh chị bạn không thể tự thỏa thuận được cách chia căn nhà và định đoạt nhà thì có thể khởi kiện ra Tòa án để xác định hình thức phân chia lại tài sản chung này.