Xây dựng nhà ở trái phép trên đất dành cho đường sắt bị xử phạt như thế nào?

Chế độ sử dụng đất dành cho đường sắt là gì? Cá nhân xây dựng nhà ở trái phép trên đất dành cho đường sắt bị xử phạt như thế nào?

Nội dung chính

    Chế độ sử dụng đất dành cho đường sắt là gì?

    Căn cứ theo điểm a khoản 6 Điều 5 Nghị định 102/2024/NĐ-CP thì đất dành cho đường sắt là đất công trình giao thông thuộc nhóm đất phi nông nghiệp, được sử dụng với mục đích xây dựng các loại hình đường sắt, nhà ga đường sắt; đường tàu điện.

    Bên cạnh đó, theo khoản 1 Điều 209 Luật Đất đai 2024 thì đất dành cho đường sắt bao gồm các loại đất sau:

    - Đất xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị; đất xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước cho hoạt động thường xuyên trong ga đường sắt;

    - Đất xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt chuyên dùng, công trình công nghiệp đường sắt;

    - Đất xây dựng công trình dịch vụ liên quan đến vận tải hành khách, vận tải hàng hóa và công trình kinh doanh dịch vụ thương mại khác trong phạm vi đất xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt.

    Đồng thời tại khoản 2 Điều 209 Luật Đất đai 2024 thì chế độ sử dụng đất đối với đất dành cho đường sắt được áp dụng theo loại đất như sau:

    - Đối với đất xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị; đất xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước cho hoạt động thường xuyên trong ga đường sắt thì Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất.

    - Đối với đất xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt chuyên dùng, công trình công nghiệp đường sắt thì Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm và miễn tiền thuê đất.

    - Đối với đất xây dựng công trình dịch vụ liên quan đến vận tải hành khách, vận tải hàng hóa và công trình kinh doanh dịch vụ thương mại khác trong phạm vi đất xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt thì Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm.

    Như vậy, tùy thuộc vào mục đích của mỗi loại đất dành cho đường sắt mà Nhà nước sẽ tiến hành giao đất, cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm và có thể sẽ được miễn tiền thuê đất.

    Xây dựng nhà ở trái phép trên đất dành cho đường sắt bị xử phạt như thế nào? (Hình từ Internet)

    Cá nhân xây dựng nhà ở trái phép trên đất dành cho đường sắt bị xử phạt như thế nào?

    Theo điểm a khoản 4 Điều 53 Nghị định 100/2019/NĐ-CP thì cá nhân có hành vi xây dựng nhà ở trái phép trong phạm vi đất dành cho đường sắt, trừ các hành vi vi phạm quy định tại: điểm b, điểm c khoản 3 Điều 53 Nghị định 100/2019/NĐ-CP; điểm d khoản 4 Điều 51 Nghị định 100/2019/NĐ-CP thì bị xử phạt từ 20 triệu đồng đến 25 triệu đồng.

    Ngoài ra, cá nhân có hành vi xây dựng nhà ở trái phép trong phạm vi đất dành cho đường sắt còn phải phá dỡ, di chuyển nhà ở xây dựng trái phép (không có giấy phép hoặc không đúng giấy phép) ra khỏi phạm vi đất dành cho đường sắt. (Theo điểm g khoản 5 Điều 53 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi điểm s khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP).

    Bên cạnh đó, cá nhân vi phạm nếu thực hiện việc di chuyển nhà ở chậm trễ khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền thì sẽ bị xử phạt thêm từ 2 triệu đến 3 triệu đồng theo điểm d khoản 3 Điều 53 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

    Như vậy, khi cá nhân thực hiện hành vi xây dựng nhà ở và dựng quán trái phép trên đất dành cho đường sắt thì sẽ bị xử phạt đối với hành vi xây dựng quán trái phép lên đến 3 triệu đồng, bị xử phạt đối với hành vi xây dựng nhà ở trái phép lên đến 25 triệu đồng và buộc phải phá dỡ, di dời quán và nhà ở vi phạm.

    Thẩm quyền xử phạt của Ủy ban nhân dân các cấp đối với hành vi xây dựng nhà ở trái phép trên đất dành cho đường sắt như thế nào?

    Căn cứ theo Điều 75 Nghị định 100/2019/NĐ-CP thì được sửa đổi bởi khoản 27 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP thì Chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp có thẩm quyền xử phạt đối với hành vi xây dựng nhà ở trái phép trên đất dành cho đường sắt như sau:

    (1) Thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã

    -  Phạt cảnh cáo;

    - Phạt tiền đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt;

    - Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 10.000.000 đồng;

    - Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, điểm b và điểm c khoản 1 Điều 4 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

    (2) Thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện

    - Phạt cảnh cáo;

    - Phạt tiền đến 37.500.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt;

    - Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

    - Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

    - Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, điểm b, c, điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 4 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

    (3) Thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

    - Phạt cảnh cáo;

    - Phạt tiền đến 75.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt;

    - Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

    - Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;

    - Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

    15