Vùng đặc quyền kinh tế có thuộc vùng biển Việt Nam không?

Vùng đặc quyền kinh tế có thuộc vùng biển Việt Nam không? Nhà nước có quyền tài phán đối với các công trình trên biển trong vùng đặc quyền kinh tế không?

Nội dung chính

    Vùng đặc quyền kinh tế có thuộc vùng biển Việt Nam không?

    Căn cứ Điều 3 Luật Biển Việt Nam 2012, Điều 9 Luật Biển Việt Nam 2012, Điều 11 Luật Biển Việt Nam 2012, Điều 13 Luật Biển Việt Nam 2012, Điều 15 Luật Biển Việt Nam 2012, Điều 17 Luật Biển Việt Nam 2012 quy định vùng biển Việt Nam bao gồm:

    - Nội thủy: là vùng nước tiếp giáp với bờ biển, ở phía trong đường cơ sở và là bộ phận lãnh thổ của Việt Nam.

    - Lãnh hải: là vùng biển có chiều rộng 12 hải lý tính từ đường cơ sở ra phía biển.

    - Vùng tiếp giáp lãnh hải: là vùng biển tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, có chiều rộng 12 hải lý tính từ ranh giới ngoài của lãnh hải.

    - Vùng đặc quyền kinh tế: là vùng biển tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, hợp với lãnh hải thành một vùng biển có chiều rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở.

    - Thềm lục địa: là vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, trên toàn bộ phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền, các đảo và quần đảo của Việt Nam cho đến mép ngoài của rìa lục địa.

    Như vậy, vùng đặc quyền kinh tế là bộ phận lãnh thổ có diện tích lớn nhất thuộc vùng biển Việt Nam và là vùng biển tiếp liền nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, hợp với lãnh hải thành một vùng biển có chiều rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở.

    Bộ phận lãnh thổ có diện tích lớn nhất thuộc vùng biển Việt Nam?

    Bộ phận lãnh thổ có diện tích lớn nhất thuộc vùng biển Việt Nam?  (Hình từ Internet)

    Nhà nước có quyền tài phán đối với các công trình trên biển trong vùng đặc quyền kinh tế không?

    Căn cứ khoản 2 Điều 34 Luật Biển Việt Nam 2012 quy định như sau:

    Đảo nhân tạo, thiết bị, công trình trên biển
    1. Đảo nhân tạo, thiết bị, công trình trên biển bao gồm:
    a) Các giàn khoan trên biển cùng toàn bộ các bộ phận phụ thuộc khác đảm bảo hoạt động bình thường và liên tục của các giàn khoan hoặc các thiết bị chuyên dùng để thăm dò, khai thác và sử dụng biển;
    b) Các loại báo hiệu hàng hải;
    c) Các thiết bị, công trình khác được lắp đặt và sử dụng ở biển.
    2. Nhà nước có quyền tài phán đối với các đảo nhân tạo và thiết bị, công trình trên biển trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, bao gồm cả quyền tài phán theo các quy định của pháp luật về hải quan, thuế, y tế, an ninh và xuất nhập cảnh.
    3. Các đảo nhân tạo, thiết bị, công trình trên biển và các bộ phận kèm theo hoặc phụ thuộc có vành đai an toàn 500 mét tính từ điểm nhô ra xa nhất của đảo, thiết bị, công trình hoặc các bộ phận đó, nhưng không có lãnh hải và các vùng biển riêng.
    4. Không xây dựng đảo nhân tạo, thiết bị, công trình trên biển cũng như không thiết lập vành đai an toàn xung quanh đảo nhân tạo, thiết bị, công trình trên biển ở nơi có nguy cơ gây trở ngại cho việc sử dụng các đường hàng hải đã được thừa nhận là thiết yếu cho hàng hải quốc tế.
    5. Khi hết hạn sử dụng, thiết bị, công trình trên biển phải được tháo dỡ khỏi vùng biển Việt Nam, trừ trường hợp được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Đối với phần còn lại của thiết bị, công trình trên biển chưa kịp tháo dỡ hoàn toàn vì lý do kỹ thuật hoặc được phép gia hạn thì phải thông báo rõ vị trí, kích thước, hình dạng, độ sâu và phải đặt các tín hiệu, báo hiệu hàng hải và nguy hiểm thích hợp.
    6. Thông tin liên quan tới việc thiết lập đảo nhân tạo, thiết bị, công trình trên biển, việc thiết lập vành đai an toàn xung quanh và việc tháo dỡ một phần hay toàn bộ thiết bị, công trình trên biển phải được cung cấp chậm nhất trước 15 ngày trước ngày bắt đầu thiết lập hoặc tháo dỡ đảo nhân tạo, thiết bị, công trình trên biển cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam và được thông báo rộng rãi trong nước và quốc tế.

    Theo đó, Nhà nước có quyền tài phán đối với các công trình trên biển trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

    Vùng đặc quyền kinh tế có tất cả bao nhiêu quy định cấm?

    Căn cứ Điều 37 Luật Biển Việt Nam 2012 quy định như sau:

    Quy định cấm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam
    Khi thực hiện quyền tự do hàng hải, tự do hàng không trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, tổ chức, cá nhân không được tiến hành các hoạt động sau đây:
    1. Đe dọa chủ quyền, quốc phòng, an ninh của Việt Nam;
    2. Khai thác trái phép tài nguyên sinh vật, đánh bắt hải sản trái phép;
    3. Khai thác trái phép dòng chảy, năng lượng gió và tài nguyên phi sinh vật khác;
    4. Xây dựng, lắp đặt, sử dụng trái phép các thiết bị, công trình nhân tạo;
    5. Khoan, đào trái phép;
    6. Tiến hành nghiên cứu khoa học trái phép;
    7. Gây ô nhiễm môi trường biển;
    8. Cướp biển, cướp có vũ trang;
    9. Các hoạt động bất hợp pháp khác theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế.

    Như vậy, khi thực hiện quyền tự do hàng hải, tự do hàng không trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, tổ chức, cá nhân không được tiến hành 09 hoạt động theo quy định trên.

    25
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ