Việc luận tội của Kiểm sát viên tại phiên tòa hình sự được quy định ra sao?
Nội dung chính
Việc luận tội của Kiểm sát viên tại phiên tòa hình sự được quy định ra sao?
Luận tội của Kiểm sát viên tại phiên tòa hình sự được quy định tại Điều 321 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018). Theo đó:
- Luận tội của Kiểm sát viên phải căn cứ vào những chứng cứ, tài liệu, đồ vật đã được kiểm tra tại phiên tòa và ý kiến của bị cáo, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa.
- Nội dung luận tội phải phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện, đầy đủ những chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định vô tội; tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội; hậu quả do hành vi phạm tội gây ra; nhân thân và vai trò của bị cáo trong vụ án; tội danh, hình phạt, áp dụng điểm, khoản, điều của Bộ luật hình sự, những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; mức bồi thường thiệt hại, xử lý vật chứng, biện pháp tư pháp; nguyên nhân, điều kiện phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa đối với vụ án.
- Đề nghị kết tội bị cáo theo toàn bộ hay một phần nội dung bản cáo trạng hoặc kết luận về tội nhẹ hơn; đề nghị mức hình phạt chính, hình phạt bổ sung, biện pháp tư pháp, trách nhiệm bồi thường thiệt hại, xử lý vật chứng.
- Kiến nghị các biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật.
Bản chất hoạt động tranh luận của Kiểm sát viên tại phiên toà hình sự là làm sáng tỏ các tình tiết khách quan của vụ án nhằm góp phần cùng với Hội đồng xét xử giải quyết vụ án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra oan sai cũng như bỏ lọt tội phạm. Như vậy, tranh luận của Kiểm sát viên không chỉ là buộc tội mà cần phải chú ý cả vấn đề gỡ tội. Do đó, không phải là vấn đề “được thua”, mà tranh luận để làm rõ các tình tiết của vụ án, góp phần cùng Toà án đánh giá đúng bản chất sự việc. Việc nhận thức đúng đắn bản chất của hoạt động tranh luận của Kiểm sát viên tại phiên toà hình sự có ý nghĩa rất quan trọng.
Về nội dung của tranh luận: Hoạt động tranh luận của Kiểm sát viên bao gồm trình bày lời luận tội và đối đáp với bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác. Luận tội là quan điểm của Viện kiểm sát nhân dân về vụ án hình sự, kết luận về nội dung, tính chất của hành vi phạm tội, hậu quả do hành vi phạm tội gây ra, vai trò của bị cáo trong vụ án có đồng phạm, nhân thân bị cáo, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, nguyên nhân điều kiện phạm tội, trên cơ sở trình bày, phân tích các căn cứ kết tội, gỡ tội để đề xuất hướng xử lý.
Nội dung của luận tội như sau:
- Phải phân tích, đánh giá các chứng cứ của vụ án một cách khách quan, toàn diện, đầy đủ; đánh giá đúng tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm, hậu quả gây ra, vai trò trách nhiệm và nhân thân của bị cáo, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ để đề xuất áp dụng pháp luật và vận dụng chính sách xử lý cho phù hợp; khi nêu hành vi phạm tội phải viện dẫn các chứng cứ để chứng minh, bảo đảm tính lôgic và sắc bén.
- Phải phân tích, phê phán thủ đoạn phạm tội của bị cáo; phân tích bác bỏ những quan điểm không có căn cứ, không phù hợp với vụ án của những người tham gia tố tụng khác để làm sáng tỏ sự thật, bảo vệ chính sách pháp luật, thể hiện tính đấu tranh và tính thuyết phục của bản luận tội. Khi phân tích bác bỏ các quan điểm không phù hợp phải viện dẫn các chứng cứ để chứng minh.
- Phải xác định rõ các nguyên nhân và điều kiện phạm tội, tuyên truyền giáo dục pháp luật, góp phần đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật. Kiểm sát viên phải phân tích, phê phán hành vi và thủ đoạn thực hiện tội phạm, những nhận thức lệch lạc, sai trái của bị cáo để lên án trước dư luận; đồng thời rút ra những bài học cảnh giác trong nhân dân và kiến nghị các biện pháp phòng ngừa để khắc phục những thiếu sót, sơ hở trong công tác quản lý kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, nội dung này phải phù hợp với thực tế của vụ án, tránh cường điệu, lan man, xa rời thực tiễn; cần gắn chặt với yêu cầu chính trị chung và yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương, phục vụ tốt cho việc đấu tranh phòng ngừa tội phạm nói chung và phòng chống loại tội phạm đó nói riêng.
- Đề nghị áp dụng về hình phạt chính, hình phạt bổ sung, các biện pháp tư pháp, bồi thường thiệt hại (nếu có), đảm bảo chính xác theo điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự.