Việc bàn giao kinh phí bảo trì chung cư được quy định như thế nào?
Nội dung chính
Việc bàn giao kinh phí bảo trì chung cư được quy định như thế nào?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 153 Luật Nhà ở 2023 về việc bàn giao kinh phí bảo trì chung cư như sau:
- Sau khi có quyết định công nhận Ban quản trị nhà chung cư từ cơ quan có thẩm quyền, Ban quản trị nhà chung cư phải mở tài khoản tại tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam để quản lý kinh phí bảo trì. Ban quản trị sau đó gửi văn bản yêu cầu chủ đầu tư dự án bàn giao kinh phí bảo trì đã thu.
- Trong vòng 30 ngày kể từ khi nhận được yêu cầu của Ban quản trị, chủ đầu tư và Ban quản trị phải thống nhất quyết toán số liệu kinh phí bảo trì, làm cơ sở để tiến hành bàn giao kinh phí bảo trì theo Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư.
- Dựa trên số liệu quyết toán kinh phí bảo trì, chủ đầu tư sẽ yêu cầu tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang quản lý tài khoản kinh phí bảo trì chuyển số tiền này cùng với lãi phát sinh sang tài khoản mà Ban quản trị nhà chung cư đã mở.
- Tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng có trách nhiệm chuyển số tiền bảo trì theo số liệu đã được quyết toán giữa hai bên cho Ban quản trị. Các chi phí phát sinh trong quá trình chuyển giao sẽ được khấu trừ từ kinh phí bảo trì.
Việc bàn giao kinh phí bảo trì chung cư được quy định như thế nào? (Hình từ Internet)
Cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì chung cư trong các trường hợp nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 87 Nghị định 95/2024/NĐ-CP về các trường hợp cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì chung cư như sau:
Các trường hợp cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư
1. Trường hợp người mua, thuê mua căn hộ, phần diện tích khác trong nhà chung cư và chủ đầu tư đã nộp kinh phí bảo trì phần sở hữu chung theo quy định của pháp luật nhà ở vào cùng một tài khoản của chủ đầu tư trước ngày Luật Nhà ở có hiệu lực thi hành (sau đây gọi là tài khoản chung của chủ đầu tư) nhưng sau khi hết thời hạn quy định tại khoản 3 Điều 154 của Luật Nhà ở mà chủ đầu tư không bàn giao kinh phí bảo trì này thì thực hiện cưỡng chế bàn giao theo quy định tại Điều 88 của Nghị định này.
2. Trường hợp người mua, thuê mua căn hộ, phần diện tích khác trong nhà chung cư và chủ đầu tư đã nộp kinh phí bảo trì phần sở hữu chung vào tài khoản thanh toán không phải cùng một tài khoản quy định tại khoản 1 Điều này (sau đây gọi là tài khoản kinh phí bảo trì) nhưng sau khi hết thời hạn quy định tại khoản 3 Điều 154 của Luật Nhà ở mà chủ đầu tư không bàn giao kinh phí bảo trì này thì thực hiện cưỡng chế bàn giao tài khoản bảo trì theo quy định tại Điều 89 của Nghị định này.
3. Trường hợp chủ đầu tư chưa nộp hoặc nộp không đầy đủ kinh phí bảo trì phần sở hữu chung đối với căn hộ, phần diện tích khác trong nhà chung cư mà chủ đầu tư phải nộp vào tài khoản quy định tại khoản 1 hoặc tài khoản quy định tại khoản 2 Điều này thì thực hiện cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì này theo quy định tại Điều 90, Điều 91 của Nghị định này.
Theo đó, việc cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư được thực hiện trong các trường hợp nêu trên.
Thủ tục cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì từ tài khoản kinh phí bảo trì mà chủ đầu tư đã lập.
Trình tự, thủ tục cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì từ tài khoản kinh phí bảo trì mà chủ đầu tư đã lập được diễn ra theo quy định tại Điều 88 Nghị định 95/2024/NĐ-CP như sau:
Bước 1: Kiểm tra yêu cầu bàn giao kinh phí bảo trì
- Trong thời hạn tối đa 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản của Ban quản trị nhà chung cư gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện yêu cầu chủ đầu tư bàn giao kinh phí bảo trì, Ủy ban nhân dân cấp huyện phải tiến hành kiểm tra và có văn bản yêu cầu chủ đầu tư bàn giao kinh phí bảo trì cho Ban quản trị nhà chung cư.
- Trường hợp nhà chung cư thuộc diện quy định tại Khoản 4 Điều 155 của Luật Nhà ở, cần xác định phần kinh phí bảo trì mà chủ đầu tư phải nộp cho Ban quản trị nhà chung cư và phần kinh phí bảo trì mà chủ đầu tư được giữ lại, theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán hoặc thuê mua căn hộ, phần diện tích khác trong nhà chung cư.
Bước 2: Đề nghị cưỡng chế nếu chủ đầu tư không bàn giao
- Nếu hết thời hạn quy định tại Khoản 3 Điều 154 Luật Nhà ở 2023 mà chủ đầu tư không bàn giao kinh phí bảo trì theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ban quản trị nhà chung cư sẽ gửi văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi kinh phí bảo trì và bàn giao cho Ban quản trị nhà chung cư.
- Quyết định cưỡng chế phải được gửi đến chủ đầu tư, cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh nơi có nhà chung cư và tổ chức tín dụng nơi chủ đầu tư đang mở tài khoản quản lý kinh phí bảo trì.
Bước 3: Chuyển kinh phí bảo trì từ tài khoản của chủ đầu tư
Trong thời hạn tối đa 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định cưỡng chế từ Ủy ban nhân dân cấp huyện, tổ chức tín dụng đang quản lý tài khoản tiền gửi kinh phí bảo trì có trách nhiệm chuyển toàn bộ số tiền trong tài khoản này sang tài khoản do Ban quản trị nhà chung cư lập để quản lý và sử dụng theo quy định.
Bước 4: Thông báo việc chuyển giao kinh phí bảo trì
- Sau khi chuyển kinh phí bảo trì sang tài khoản của Ban quản trị nhà chung cư, tổ chức tín dụng phải có văn bản thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ban quản trị nhà chung cư, cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh, và chủ đầu tư.
- Tổ chức tín dụng cũng phải đóng tài khoản mà chủ đầu tư đã lập, trong đó nêu rõ số tiền chuyển giao, thời điểm chuyển giao, và số tài khoản đã chuyển tiền.