Vào mỗi tháng cơ quan nhà nước thực hiện việc điều chỉnh giá xăng bao nhiêu lần?

Mỗi tháng nhà nước tiến hành điều hành giá xăng bao nhiêu lần? Quỹ bình ổn giá xăng dầu được quy định như thế nào?

Nội dung chính

    Mỗi tháng nhà nước tiến hành điều hành giá xăng bao nhiêu lần?

    Tại khoản 27 Điều 1 Nghị định 95/2021/NĐ-CP có quy định về nguyên tắc điều hành giá xăng dầu như sau:
    3. Thời gian điều hành giá xăng dầu

    Thời gian điều hành giá xăng dầu vào các ngày mùng 1, ngày 11 và ngày 21 hàng tháng. Đối với các kỳ điều hành trùng vào ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ theo quy định của nhà nước, thời gian điều hành được lùi sang ngày làm việc tiếp theo sau ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ. Đối với kỳ điều hành trùng vào dịp Tết Nguyên đán, thời gian điều hành được lùi sang kỳ điều hành tiếp theo.

    Trường hợp giá các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, Bộ Công Thương có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định thời gian điều hành giá xăng dầu cho phù hợp.

    Căn cứ theo quy định hiện hành, thông thường mỗi tháng nhà nước sẽ điều hành giá xăng dầu 03 lần, vào các ngày mùng 1, ngày 11 và ngày 21 hàng tháng. Tuy nhiên, nếu kỳ điều hành trùng vào ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ theo quy định của nhà nước, thời gian điều hành được lùi sang ngày làm việc tiếp theo sau ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ. Đối với kỳ điều hành trùng vào dịp Tết Nguyên đán, thời gian điều hành được lùi sang kỳ điều hành tiếp theo. Ngoài ra Thủ tướng Chính phủ có thể xem xét, quyết định thời gian điều hành giá xăng khi có biến động bất thường.

    Vào mỗi tháng cơ quan nhà nước thực hiện việc điều chỉnh giá xăng bao nhiêu lần? (Hình từ Internet)

    Quỹ bình ổn giá xăng dầu được quy định như thế nào?

    Tại khoản 26 Điều 1 Nghị định 95/2021/NĐ-CP có quy định về quỹ bình ổn giá xăng dầu như sau:
    1. Quỹ bình ổn giá xăng dầu là Quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước (sau đây gọi chung là Quỹ bình ổn giá); toàn bộ nguồn trích lập, chi sử dụng để tham gia điều tiết, hỗ trợ cho mục tiêu bình ổn giá bán xăng dầu trong nước.

    Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có nghĩa vụ trích lập Quỹ bình ổn giá; hạch toán và theo dõi riêng Quỹ bình ổn giá bằng tài khoản mở tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam (sau đây gọi chung là ngân hàng) theo quy định tại Nghị định này và hướng dẫn của Bộ Tài chính. Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về việc lựa chọn ngân hàng, quản lý và đảm bảo bảo toàn số dư Quỹ bình ổn giá.

    2. Trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá

    a) Mức trích lập Quỹ bình ổn giá: là một yếu tố cấu thành giá cơ sở; là một khoản tiền cụ thể tính trên một lít, kg xăng, dầu thực tế tiêu thụ (đồng/lít, kg) theo thông báo điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương.

    Trường hợp tại thời điểm điều hành giá xăng dầu nếu số dư Quỹ bình ổn giá lớn, Bộ Công Thương xem xét có phương án điều chỉnh giảm hoặc tạm dừng trích lập Quỹ bình ổn giá.

    b) Mức chi sử dụng Quỹ bình ổn giá: là một khoản tiền cụ thể tính trên một lít, kg xăng, dầu thực tế tiêu thụ (đồng/lít, kg) theo thông báo điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương, được xem xét điều hành linh hoạt trong các trường hợp giá cơ sở tăng cao hoặc việc tăng giá xăng, dầu ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.

    Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chỉ được chi sử dụng Quỹ bình ổn giá theo thông báo điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương, không được sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu cho các mục đích khác.

    c) Bộ Công Thương căn cứ tình hình thực tế, số dư Quỹ bình ổn giá, diễn biến giá cơ sở xăng dầu tại thời điểm điều hành giá xăng dầu để quyết định mức trích lập, mức chi sử dụng Quỹ bình ổn giá sau khi thống nhất về chủ trương với Bộ Tài chính.

    d) Số tiền trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá trong kỳ phải được đối trừ và nộp kịp thời vào tài khoản Quỹ bình ổn giá tại ngân hàng; số dư tài khoản tiền gửi Quỹ bình ổn giá được tính lãi suất theo mức lãi suất áp dụng cho tài khoản tiền gửi thanh toán của ngân hàng nơi thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu mở tài khoản tiền gửi Quỹ bình ổn giá trong cùng thời kỳ. Phần lãi phát sinh trên tài khoản số dư Quỹ bình ổn giá dương được hạch toán vào Quỹ bình ổn giá.

    Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu sử dụng Quỹ bình ổn giá theo thông báo điều hành của Bộ Công Thương nhưng tại thời điểm đó số dư của tài khoản tiền gửi Quỹ bình ổn giá không còn (số dư tài khoản tiền gửi Quỹ bình ổn giá tại ngân hàng bằng không (0)), thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu được vay vốn hoặc sử dụng các nguồn tài chính hợp pháp để bù đắp cho phần chi sử dụng vượt Quỹ bình ổn giá (phần số dư Quỹ bình ổn giá âm).

    - Trường hợp thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu vay vốn ngân hàng để bù đắp cho phần chi sử dụng vượt Quỹ bình ổn giá, sẽ được tính lãi suất theo mức lãi suất thỏa thuận thấp nhất tại ngân hàng nơi thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu vay vốn.

    - Trường hợp thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu sử dụng các nguồn tài chính hợp pháp để bù đắp cho phần chi sử dụng vượt Quỹ bình ổn giá, sẽ được tính lãi suất tối đa bằng mức lãi suất áp dụng cho tài khoản tiền gửi thanh toán thấp nhất của một (01) trong các ngân hàng nơi thương nhân đầu mối mở tài khoản tiền gửi Quỹ bình ổn giá.

    3. Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm công bố công khai trên phương tiện thông tin điện tử của doanh nghiệp hoặc trên phương tiện thông tin đại chúng về tình hình trích lập, chi sử dụng, lãi phát sinh và số dư Quỹ bình ổn giá; đồng thời báo cáo về Bộ Tài chính, Bộ Công Thương.

    4. Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện trích lập, chi sử dụng, quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu và báo cáo, công khai theo quy định tại Nghị định này và hướng dẫn của Bộ Tài chính. Trường hợp vi phạm, căn cứ mức độ của hành vi sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2013 và Nghị định số 49/2016/NĐ-CP ngày 27 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn và văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có). Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu vi phạm nhiều lần sẽ bị xem xét đình chỉ hoạt động kinh doanh hoặc thu hồi Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu theo quy định của pháp luật hiện hành.

    5. Bộ Tài chính hướng dẫn phương thức trích lập, chi sử dụng, quản lý về Quỹ bình ổn giá xăng dầu; quy mô Quỹ bình ổn giá xăng dầu; kiểm tra, giám sát thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện các quy định về trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
    Theo đó, quỹ bình ổn giá xăng dầu sẽ được thực hiện theo quy định trên.

    Thương nhân thuê cửa hàng bán lẻ xăng dầu có được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm đại lý bán lẻ xăng dầu?

    Tại Điều 19 Nghị định 83/2014/NĐ-CP sửa đổi bởi khoản 15 Điều 1 Nghị định 95/2021/NĐ-CP có quy định về điều kiện đối với đại lý bán lẻ xăng dầu như sau:

    Thương nhân có đủ các điều kiện dưới đây được Sở Công Thương cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm đại lý bán lẻ xăng dầu (sau đây gọi tắt là đại lý):

    1. Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật, trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh xăng dầu.

    2. Có cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc sở hữu hoặc thuê với thời hạn thuê từ năm (05) năm trở lên được cấp Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu theo quy định tại Điều 25 Nghị định này.

    3. Cán bộ quản lý, nhân viên trực tiếp kinh doanh phải được đào tạo, huấn luyện và có chứng chỉ đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật hiện hành.

    Như vậy, thương nhân thuê cửa hàng bán lẻ xăng dầu được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm đại lý bán lẻ xăng dầu nếu có thời hạn thuê từ năm 05 năm trở lên.

    7