09:46 - 25/11/2024

Ban Bí thư yêu cầu nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới

Ngày 30/10/2024, Ban Chấp hành Trung ương có Chỉ thị 39-CT/TW về nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới

Nội dung chính

    Một số khó khăn vướng mắc của công tác tín dụng chính sách xã hội

    Theo Chỉ thị 39-CT/TW năm 2024, bên cạnh các kết quả đã đạt được, công tác tín dụng chính sách xã hội còn một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc:

    - Nguồn vốn chưa thực sự đa dạng; chưa đáp ứng nhu cầu thực tế; vốn uỷ thác tại một số địa phương, nguồn vốn có nguồn gốc từ thiện và các nguồn vốn hợp pháp khác chiếm tỉ trọng nhỏ trong tổng nguồn vốn.

    - Hiệu quả tín dụng ở một số vùng, địa phương còn thấp, tỉ lệ nợ quá hạn cao.

    - Quy mô đầu tư còn nhỏ lẻ, mang tính hộ gia đình, chưa gắn kết với mô hình, dự án liên kết theo chuỗi, thiếu sự hỗ trợ đầu ra ổn định, bền vững.

    - Việc chuyển đổi số của Ngân hàng Chính sách xã hội còn hạn chế.

    Những hạn chế, khó khăn, vướng mắc nếu trên do những nguyên nhân chủ yếu sau:

    - Nhận thức của một số cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền địa phương, cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò của tín dụng chính sách xã hội chưa đầy đủ; chưa quan tâm đúng mức đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện.

    - Công tác phối hợp trong xây dựng, ban hành và thực hiện chính sách chưa thực sự chặt chẽ; chưa gắn kết giữa mục tiêu với khả năng đáp ứng nguồn lực tài chính.

    - Cơ chế chỉ đạo, điều hành tập trung, thống nhất trong việc phối hợp, lồng ghép các chương trình, dự án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội với hoạt động tín dụng chính sách xã hội còn thiếu đồng bộ; một số chính sách áp dụng chung trên toàn quốc chưa phù hợp với từng loại đối tượng, vùng, miền; chưa có quy định cụ thể về tỉ lệ và nguyên tắc xác định nguồn vốn chủ đạo, phù hợp với đặc thù tín dụng chính sách xã hội; cơ chế, chính sách chưa thực sự phù hợp để Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp cận nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của Chính phủ.

    - Nguồn lực của Nhà nước có hạn, trong khi phải thực hiện đồng thời nhiều mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

    - Hạn mức phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh khống chế tối đa bằng nghĩa vụ trả nợ trái phiếu đến hạn hằng năm.

    - Tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, nhất là của dịch Covid-19.

    Ban Bí thư yêu cầu nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới

    Ban Bí thư yêu cầu nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới (Ảnh từ Internet)

    Thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới

    Theo Chỉ thị 39-CT/TW năm 2024, Ban Bí thư yếu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được tóm tắt như sau:

    (1) Đẩy mạnh lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tín dụng chính sách xã hội

    Cần phổ biến sâu rộng, quán triệt và thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội. Nhấn mạnh vai trò của tín dụng chính sách xã hội như một giải pháp sáng tạo, nhân văn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa. Tín dụng này hỗ trợ người dân cải thiện cuộc sống, thúc đẩy công bằng xã hội, và thể hiện quan điểm phát triển bền vững, bao trùm, gắn tăng trưởng kinh tế với an sinh xã hội.

    (2) Nâng cao vai trò của tổ chức đảng, chính quyền và đoàn thể

    Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội cần phối hợp chặt chẽ trong thực hiện tín dụng chính sách. Xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, xây dựng mô hình sản xuất hiệu quả, giám sát và phản biện chính sách. Đặc biệt, tăng cường hoạt động ủy thác của Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) với các đoàn thể để quản lý vốn vay hiệu quả.

    (3) Hoàn thiện cơ chế, chính sách tín dụng

    Hệ thống chính sách cần được cải tiến theo hướng bao trùm, bền vững, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030. Tăng cường hỗ trợ tín dụng cho các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, học sinh-sinh viên nghèo, hộ nghèo, cận nghèo, và đồng bào dân tộc thiểu số. Điều chỉnh mức ưu đãi linh hoạt theo điều kiện thực tế và đẩy mạnh lồng ghép tín dụng chính sách với các chương trình phát triển kinh tế-xã hội khác.

    (4) Đa dạng hóa nguồn lực tín dụng

    Tăng cường huy động vốn từ ngân sách nhà nước, các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp và cá nhân trong và ngoài nước. Phấn đấu đến năm 2030, vốn từ ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ bảo lãnh chiếm 60% tổng nguồn vốn NHCSXH. Tiếp tục duy trì tiền gửi 2% từ các tổ chức tín dụng nhà nước tại NHCSXH và khuyến khích đóng góp vào Quỹ "Vì người nghèo".

    (5) Phát triển NHCSXH thành định chế tài chính công mạnh

    NHCSXH cần duy trì mô hình tổ chức đặc thù, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, tập trung hỗ trợ các lĩnh vực mà các tổ chức tài chính thị trường chưa đáp ứng. Nâng cao năng lực quản trị, dự báo, kiểm soát rủi ro, và xử lý nợ xấu hiệu quả. Xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, tận tâm và nâng cao chính sách tiền lương để thu hút nhân tài. Đồng thời, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, đa dạng hóa sản phẩm tín dụng, hiện đại hóa quản trị, đẩy mạnh chuyển đổi số và kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia.

    (6) Khuyến khích mô hình tín dụng cộng đồng và kiểm soát tín dụng đen

    Nghiên cứu cơ chế chính sách thúc đẩy mô hình tín dụng chính sách với sự tham gia của cộng đồng, doanh nghiệp xã hội và phi lợi nhuận. Hỗ trợ phát triển nền tảng số cho tín dụng chính sách và kiểm soát hiệu quả tín dụng đen, bảo đảm an toàn và minh bạch trong hoạt động tín dụng.

    Xem chi tiết tại Chỉ thị 39-CT/TW năm 2024 

    11