Tự nguyện giao tài sản để thi hành án được quy định như thế nào?
Nội dung chính
Tự nguyện giao tài sản để thi hành án được quy định như thế nào?
Nhà nước khuyến khích đương sự tự nguyện thi hành án. Theo Điều 6 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 thì đương sự có quyền thoả thuận về việc thi hành án, nếu thoả thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội. Kết quả thi hành án theo thoả thuận được công nhận. Theo yêu cầu của đương sự, Chấp hành viên có trách nhiệm chứng kiến việc thoả thuận về thi hành án. Trường hợp đương sự không thực hiện đúng thoả thuận thì có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự thi hành phần nghĩa vụ chưa được thi hành theo nội dung bản án, quyết định.
Do vậy, bà A đã có đơn yêu cầu thi hành án, nay bạn tự nguyện giao tài sản là nhà đất do bạn đứng tên sở hữu (đã có giấy chứng nhận QSD đất) cho bà A để khấu trừ số tiền phải thi hành án, bà A cũng đồng ý nhận tài sản để trừ vào tiền thi hành án thì được pháp luật khuyến khích, nhưng việc thoả thuận đó phải đúng pháp luật và không ảnh hưởng đến lợi ích của người thứ ba.
Về thủ tục, đây là việc hai bên đương sự tụ nguyện thoả thuận, nên cơ quan thi hành án chỉ có trách nhiệm chứng kiến thoả thuận, còn việc bạn và bà A thực hiện việc mua bán nhà, chuyển quyền sử dụng đất phải thực hiện theo hợp đồng dân sự mà Bộ luật Dân sự, Luật Nhà ở, Luật Đất đai quy định.
Cơ quan thi hành án dân sự không giao tài sản đó cho bà A bằng quyết định giao tài sản vì chưa kê biên tài sản đó. Vì thế, nếu bạn và bà A thoả thuận và thực hiện xong việc giao tài sản, bạn rút đơn yêu cầu thi hành án và cơ quan thi hành án chưa ra quyết định cưỡng chế thi hành án thì bạn không phải chịu chi phí cưỡng chế thi hành án, bà A không phải chịu phí thi hành án.