Trường hợp nào người bị thiệt hại được khởi kiện yêu cầu bồi thường theo quy định của pháp luật hiện hành?

Trường hợp nào người bị thiệt hại được khởi kiện yêu cầu bồi thường theo quy định của pháp luật hiện hành? Văn bản pháp luật nào quy định cụ thể về nội dung này?

Nội dung chính

    Trường hợp nào người bị thiệt hại được khởi kiện yêu cầu bồi thường theo quy định của pháp luật hiện hành?

    Theo quy định tại Điều 52 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 (có hiệu lực ngày 01/07/2018) thì vấn đề khởi kiện và thủ tục yêu cầu giải quyết bồi thường được quy định như sau:

    Thứ nhất, quyền khởi kiện: Trong thời hạn 03 năm kể từ ngày nhận được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường, người yêu cầu bồi thường có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết yêu cầu bồi thường trong hai trường hợp:

    - Chưa yêu cầu cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại giải quyết yêu cầu bồi thường.

    - Đã rút yêu cầu bồi thường quy định tại điểm a khoản 1 Điều 51 của Luật này.

    Thứ hai, thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường:

    - Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết bồi thường quy định tại Điều 47 của Luật này mà người yêu cầu bồi thường không đồng ý với quyết định đó hoặc kể từ ngày có biên bản kết quả thương lượng thành quy định tại khoản 7 Điều 46 của Luật này mà cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại không ra quyết định giải quyết bồi thường hoặc kể từ ngày có biên bản kết quả thương lượng không thành quy định tại khoản 7 Điều 46 của Luật này thì có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết yêu cầu bồi thường.

    - Trường hợp do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan theo quy định của Bộ luật Dân sự làm cho người yêu cầu bồi thường không thể khởi kiện đúng thời hạn thì khoảng thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan đó không được tính vào thời hạn khởi kiện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

    - Người yêu cầu bồi thường không có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết yêu cầu bồi thường trong trường hợp quyết định giải quyết bồi thường quy định tại Điều 47 của Luật này đã có hiệu lực pháp luật.

    - Thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường tại Tòa án được thực hiện theo quy định tại Mục này; trường hợp Mục này không quy định thì áp dụng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

    - Vụ án có đủ điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự thì việc giải quyết yêu cầu bồi thường tại Tòa án được thực hiện theo thủ tục rút gọn.

    - Cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại đại diện Nhà nước tham gia tố tụng với tư cách là bị đơn.

    Như vậy, quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường theo luật này là quyền của cá nhân, tổ chức khi có thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra. Không phải trong mọi trường hợp đơn khởi kiện đều được Tòa án thụ lý mà chỉ rơi vào hai trường hợp được liệt kê tại Khoản 1 Điều này. Thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường được tiến hành theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017, Luật tố tụng dân sự và các văn bản hướng dẫn liên quan.! 

    16