Trong việc nhập học và tuyển sinh thì người khuyết tật được hưởng những ưu tiên như thế nào?
Nội dung chính
Trong việc nhập học và tuyển sinh thì người khuyết tật được hưởng những ưu tiên như thế nào?
Ưu tiên trong việc nhập học và tuyển sinh người khuyết tật được quy định tại Điều 2 Thông tư liên tịch 42/2013/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC về chính sách giáo dục đối với người khuyết tật, quy định người khuyết tật như sau:
1. Ưu tiên nhập học
Người khuyết tật được nhập học ở độ tuổi cao hơn so với quy định chung là 3 tuổi.
2. Ưu tiên tuyển sinh
a) Đối với trung học cơ sở, trung học phổ thông
Người khuyết tật được hưởng chế độ tuyển thẳng vào trung học phổ thông như đối với học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú và học sinh là người dân tộc rất ít người theo quy định tại Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành;
b) Đối với trung cấp chuyên nghiệp
Người khuyết tật được xét tuyển thẳng vào trung cấp chuyên nghiệp theo Quy chế tuyển sinh trung cấp chuyên nghiệp do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Hiệu trưởng các trường trung cấp chuyên nghiệp hoặc các trường có đào tạo trung cấp chuyên nghiệp căn cứ kết quả học tập ở phổ thông của học sinh (học bạ), tình trạng sức khỏe và yêu cầu của ngành đào tạo để xem xét và quyết định tuyển thẳng vào học.
c) Đối với đại học, cao đẳng
Người khuyết tật đặc biệt nặng được xét tuyển thẳng vào đại học, cao đẳng. Hiệu trưởng các trường căn cứ kết quả học tập ở phổ thông của học sinh (học bạ), tình trạng sức khỏe và yêu cầu của ngành đào tạo để xem xét và quyết định tuyển thẳng vào học.
Người khuyết tật nặng được hưởng chính sách ưu tiên theo đối tượng khi đăng kí xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng theo quy định tại Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
Trên đây là quy định về Ưu tiên trong việc nhập học và tuyển sinh Người khuyết tật. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư liên tịch 42/2013/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC.
Chuyên viên pháp lý Thư Viện Nhà Đất