Trong quá trình hòa giải, đối thoại thì cơ quan, tổ chức có được sử dụng tài liệu và lời trình bày của các bên không?
Nội dung chính
Trong quá trình hòa giải, đối thoại, cơ quan, tổ chức có được sử dụng tài liệu, lời trình bày của các bên không?
Tại Khoản 3 Điều 4 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020 quy định về bảo mật thông tin hòa giải, đối thoại tại Tòa án như sau:
Bảo mật thông tin hòa giải, đối thoại tại Tòa án
...
3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân không được sử dụng tài liệu, lời trình bày của các bên trong quá trình hòa giải, đối thoại làm chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật, trừ các trường hợp sau đây:
a) Bên đã xuất trình tài liệu, trình bày ý kiến trong quá trình hòa giải, đối thoại đồng ý việc sử dụng tài liệu, lời trình bày của mình trong quá trình hòa giải, đối thoại làm chứng cứ;
b) Phải sử dụng làm chứng cứ theo quy định của luật.
...
Theo đó, các cán bộ Tòa án không được sử dụng lời trình bày của các bên trong quá trình hòa giải, đối thoại làm chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật, trừ khi được đồng ý và khi phải sử dụng nó làm chứng cứ.
Trong quá trình hòa giải, đối thoại, cơ quan, tổ chức có được sử dụng tài liệu, lời trình bày của các bên không? (Ảnh từ Internet)
Muốn làm hòa giải viên phải đáp ứng những tiêu chí nào?
Theo Điều 7 Nghị định 22/2017/NĐ-CP về tiêu chuẩn hòa giải viên thương mại như sau:
(1) Người có đủ tiêu chuẩn sau đây thì được làm hòa giải viên thương mại:
- Có đầy đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự; có phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín, độc lập, vô tư, khách quan;
- Có trình độ đại học trở lên và đã qua thời gian công tác trong lĩnh vực được đào tạo từ 02 năm trở lên;
- Có kỹ năng hòa giải, hiểu biết pháp luật, tập quán kinh doanh, thương mại và các lĩnh vực liên quan.
(2) Hòa giải viên thương mại được thực hiện hòa giải thương mại với tư cách là hòa giải viên thương mại vụ việc hoặc hòa giải viên thương mại của tổ chức hòa giải thương mại.
(3) Tổ chức hòa giải thương mại có thể quy định tiêu chuẩn hòa giải viên thương mại của tổ chức mình cao hơn các tiêu chuẩn quy định tại (1).
(4) Người đang là bị can, bị cáo, người đang chấp hành án hình sự hoặc đã chấp hành xong bản án nhưng chưa được xóa án tích; người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc thì không được làm hòa giải viên thương mại.
Quyền và nghĩa vụ của hoà giải viên thương mại được quy định như thế nào?
Căn cứ Điều 9 Nghị định 22/2017/NĐ-CP thì quyền và nghĩa vụ của hoà giải viên được quy định như sau:
(1) Hòa giải viên thương mại có các quyền sau đây:
- Chấp nhận hoặc từ chối thực hiện hoạt động hòa giải thương mại;
- Từ chối cung cấp thông tin liên quan đến vụ tranh chấp, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận bằng văn bản hoặc theo quy định của pháp luật;
- Được hưởng thù lao từ việc thực hiện hoạt động hòa giải thương mại theo thỏa thuận với các bên tranh chấp;
- Các quyền khác theo quy định của Nghị định 22/2017/NĐ-CP và của pháp luật có liên quan.
(2) Hòa giải viên thương mại có các nghĩa vụ sau đây:
- Tuân thủ pháp luật, quy tắc đạo đức và ứng xử của hòa giải viên thương mại; độc lập, vô tư, khách quan, trung thực;
- Tôn trọng thỏa thuận của các bên nếu thỏa thuận đó không vi phạm pháp luật và không trái đạo đức xã hội;
- Bảo vệ bí mật thông tin về vụ tranh chấp mà mình tham gia hòa giải, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận bằng văn bản hoặc theo quy định của pháp luật;
- Thông báo cho các bên về thẩm quyền, thù lao và chi phí trước khi tiến hành hòa giải;
- Không được đồng thời đảm nhiệm vai trò đại diện hay tư vấn cho một trong các bên, không được đồng thời là trọng tài viên đối với cùng vụ tranh chấp đang hoặc đã tiến hành hòa giải, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;
- Các nghĩa vụ khác theo quy định của Nghị định 22/2017/NĐ-CP và của pháp luật có liên quan.