Trình tự và thủ tục thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được thực hiện như thế nào?
Nội dung chính
Trình tự, thủ tục thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp như thế nào?
Tại Điều 75 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định trình tự, thủ tục thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, như sau:
Trình tự, thủ tục thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
1. Trường hợp nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp là giả mạo
a) Trường hợp nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký thành lập mới doanh nghiệp là giả mạo, Phòng Đăng ký kinh doanh ra thông báo về hành vi vi phạm của doanh nghiệp đồng thời ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
b) Trường hợp hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp là giả mạo, Phòng Đăng ký kinh doanh ra thông báo về hành vi vi phạm của doanh nghiệp và ra quyết định hủy bỏ những thay đổi trong nội dung đăng ký doanh nghiệp được thực hiện trên cơ sở các thông tin giả mạo và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy xác nhận về việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp trên cơ sở hồ sơ hợp lệ gần nhất trước đó. Phòng Đăng ký kinh doanh yêu cầu doanh nghiệp làm lại hồ sơ để được xem xét cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy xác nhận về việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể gộp các nội dung thay đổi hợp pháp của các lần đăng ký, thông báo thay đổi sau đó trong một bộ hồ sơ để được cấp một lần đăng ký thay đổi mới;
c) Phòng Đăng ký kinh doanh thông báo về hành vi kê khai hồ sơ đăng ký doanh nghiệp là giả mạo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
2. Trường hợp doanh nghiệp đã đăng ký có cá nhân, tổ chức thuộc đối tượng bị cấm thành lập doanh nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp
a) Đối với doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do cá nhân là chủ sở hữu: Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đã đăng ký ra thông báo về hành vi vi phạm đồng thời ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
b) Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do tổ chức là chủ sở hữu, công ty cổ phần và công ty hợp danh: Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đã đăng ký ra thông báo bằng văn bản yêu cầu doanh nghiệp thay đổi thành viên hoặc cổ đông thuộc đối tượng không được quyền thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thông báo. Quá thời hạn nói trên mà doanh nghiệp không đăng ký thay đổi thành viên hoặc cổ đông thì Phòng Đăng ký kinh doanh ra thông báo về hành vi vi phạm đồng thời ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
3. Trường hợp doanh nghiệp ngừng hoạt động kinh doanh 01 năm mà không thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh và Cơ quan thuế, Phòng Đăng ký kinh doanh thông báo bằng văn bản về hành vi vi phạm và yêu cầu người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đến trụ sở của Phòng để giải trình. Sau 10 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc thời hạn hẹn trong thông báo mà người được yêu cầu không đến hoặc nội dung giải trình không được chấp thuận thì Phòng Đăng ký kinh doanh ban hành quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
4. Trường hợp doanh nghiệp không gửi báo cáo theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 216 Luật Doanh nghiệp thì trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc thời hạn quy định tại điểm d khoản 1 Điều 212 Luật Doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh gửi thông báo bằng văn bản về hành vi vi phạm và yêu cầu người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đến trụ sở của Phòng để giải trình. Sau 10 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc thời hạn hẹn trong thông báo mà người được yêu cầu không đến hoặc nội dung giải trình không được chấp thuận thì Phòng Đăng ký kinh doanh ban hành quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
5. Trường hợp Tòa án quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trên cơ sở quyết định của Tòa án trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày Phòng Đăng ký kinh doanh nhận được quyết định của Tòa án.
6. Trường hợp Phòng Đăng ký kinh doanh nhận được văn bản đề nghị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của luật, Phòng Đăng ký kinh doanh thực hiện thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo trình tự, thủ tục quy định tại khoản 3 Điều này.
7. Phòng Đăng ký kinh doanh có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trong việc xem xét nội dung giải trình quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này.
8. Sau khi nhận được quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp thực hiện thủ tục giải thể theo quy định tại Điều 209 Luật Doanh nghiệp, trừ trường hợp doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp để thực hiện biện pháp cưỡng chế theo đề nghị của Cơ quan quản lý thuế.
9. Thông tin về việc thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp phải được nhập vào Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và gửi sang Cơ quan thuế trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
10. Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày ra thông báo về việc vi phạm của doanh nghiệp thuộc trường hợp thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh gửi thông báo, quyết định nêu trên đến địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp và đăng tải thông tin trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
11. Doanh nghiệp hoạt động theo Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư (đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh) hoặc các giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương bị thu hồi nội dung đăng ký kinh doanh trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 212 Luật Doanh nghiệp. Trình tự, thủ tục thu hồi thực hiện theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều này. Phòng Đăng ký kinh doanh ra quyết định thu hồi nội dung đăng ký kinh doanh mà không thu hồi Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư (đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh) hoặc các giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương. Việc xử lý nội dung dự án đầu tư trên Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư (đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh) hoặc các giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Phòng Đăng ký kinh doanh gửi quyết định thu hồi đến Cơ quan đăng ký đầu tư để phối hợp quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp.
Như vậy, phòng Đăng ký kinh doanh thực hiện thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo các bước sau:
(1) Thông báo vi phạm và thu hồi: Nếu hồ sơ đăng ký doanh nghiệp có thông tin giả mạo hoặc doanh nghiệp có cá nhân, tổ chức bị cấm, Phòng Đăng ký kinh doanh thông báo vi phạm và ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận.
(2) Yêu cầu thay đổi và giải trình: Trong trường hợp doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc không gửi báo cáo theo quy định, Phòng Đăng ký kinh doanh yêu cầu giải trình và nếu không được chấp nhận, sẽ thu hồi Giấy chứng nhận.
(3) Quyết định của Tòa án và cơ quan nhà nước: Phòng Đăng ký kinh doanh cũng thu hồi Giấy chứng nhận dựa trên quyết định của Tòa án hoặc theo đề nghị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Tóm lại, Quy trình thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp bao gồm thông báo vi phạm, yêu cầu giải trình, ra quyết định thu hồi, và cập nhật thông tin trên hệ thống quốc gia cũng như thông báo cho Cơ quan thuế.
Trình tự và thủ tục thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được thực hiện như thế nào? (Hình từ internet)
Khôi phục tình trạng pháp lý của doanh nghiệp sau khi bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp như thế nào?
Theo Điều 76 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định khôi phục tình trạng pháp lý của doanh nghiệp sau khi bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp như sau:
1. Phòng Đăng ký kinh doanh ra quyết định hủy bỏ quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đồng thời khôi phục tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trong các trường hợp sau đây:
a) Phòng Đăng ký kinh doanh xác định doanh nghiệp không thuộc trường hợp phải thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
b) Phòng Đăng ký kinh doanh nhận được văn bản của Cơ quan quản lý thuế đề nghị khôi phục tình trạng pháp lý của doanh nghiệp sau khi bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do cưỡng chế nợ thuế trong trường hợp doanh nghiệp chưa chuyển sang tình trạng pháp lý đã giải thể trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
2. Phòng Đăng ký kinh doanh chịu trách nhiệm về việc quyết định hủy bỏ quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và việc khôi phục tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
3. Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định hủy bỏ quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh gửi quyết định nêu trên đến địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp, đồng thời gửi thông tin về việc hủy bỏ quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và khôi phục tình trạng pháp lý của doanh nghiệp cho Cơ quan thuế, đăng tải quyết định trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Theo đó, khi khôi phục tình trạng pháp lý của doanh nghiệp sau khi bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh thực hiện các bước sau:
(1) Xác định điều kiện khôi phục: Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ ra quyết định hủy bỏ quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và khôi phục tình trạng pháp lý của doanh nghiệp nếu xác định doanh nghiệp không thuộc trường hợp phải thu hồi, hoặc nếu nhận được yêu cầu từ Cơ quan quản lý thuế trong trường hợp doanh nghiệp chưa giải thể.
(2) Cập nhật thông tin: Phòng Đăng ký kinh doanh cập nhật tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
(3) Thông báo quyết định: Trong vòng 01 ngày làm việc từ ngày ra quyết định hủy bỏ thu hồi, Phòng Đăng ký kinh doanh gửi quyết định đến trụ sở chính của doanh nghiệp, thông báo cho Cơ quan thuế, và đăng tải thông tin trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Tóm lại, quy trình khôi phục tình trạng pháp lý của doanh nghiệp bao gồm việc ra quyết định hủy bỏ thu hồi, cập nhật thông tin trên hệ thống và thông báo quyết định đến doanh nghiệp cũng như Cơ quan thuế.
Quy trình đăng tải quyết định mở thủ tục phá sản, quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản của Tòa án được quy định ra sao?
Theo Điều 78 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định quy trình đăng tải quyết định mở thủ tục phá sản, quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản của Tòa án, theo đó:
Quy trình đăng tải quyết định mở thủ tục phá sản, quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản của Tòa án
1. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định mở thủ tục phá sản của Tòa án, Phòng Đăng ký kinh doanh đăng tải quyết định trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, chuyển tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp sang tình trạng đang làm thủ tục phá sản.
2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản của Tòa án, Phòng Đăng ký kinh doanh đăng tải quyết định trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và chuyển tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp sang tình trạng đã phá sản.
Như vậy, quy trình đăng tải quyết định mở thủ tục phá sản và quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản của Tòa án được quy định như sau:
(1) Quyết định mở thủ tục phá sản:
- Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ khi nhận được quyết định mở thủ tục phá sản của Tòa án, Phòng Đăng ký kinh doanh phải đăng tải quyết định này trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
- Đồng thời, Phòng Đăng ký kinh doanh cần chuyển tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp từ trạng thái hoạt động sang trạng thái đang làm thủ tục phá sản.
(2) Quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản:
- Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ khi nhận được quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản của Tòa án, Phòng Đăng ký kinh doanh phải đăng tải quyết định này trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
- Cùng với đó, Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ chuyển tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp từ trạng thái đang làm thủ tục phá sản sang trạng thái đã phá sản.
Tóm lại, quy trình đăng tải quyết định mở thủ tục phá sản và tuyên bố doanh nghiệp phá sản yêu cầu Phòng Đăng ký kinh doanh thực hiện việc đăng tải các quyết định của Tòa án lên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và cập nhật tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 3 ngày làm việc.