Tranh chấp ranh giới đất là gì? Ranh giới đất được xác định như thế nào theo quy định hiện nay?

Chuyên viên pháp lý Phan Thị Thùy Dương
Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Tranh chấp ranh giới đất là gì? Ranh giới đất được xác định như thế nào theo quy định hiện nay? Thẩm quyền giải quyết tranh chấp ranh giới đất ra sao?

Nội dung chính

    Tranh chấp ranh giới đất là gì?

    Căn cứ theo khoản 42 Điều 3 Luật Đất đai 2024, Thửa đất là phần diện tích đất được giới hạn bởi ranh giới mô tả trên hồ sơ địa chính hoặc được xác định trên thực địa. Từ đó, ta biết ranh giới đất là đường phân cách giữa các thửa đất, thể hiện rõ ràng vị trí, diện tích của từng thửa đất, đây một yếu tố quan trọng trong việc xác định quyền sử dụng đất, quản lý đất đai và giải quyết các tranh chấp liên quan đến đất đai.

    Tranh chấp là việc giữa hai cá nhân hoặc giữa cá nhân với tổ chức hoặc giữa tổ chức với tổ chức có mâu thuẫn về quyền lợi và nghĩa vụ trong quản lý sử dụng nhà, đất; một trong hai bên hoặc cả hai có đơn yêu cầu cơ quan hành chính nhà nước thụ lý giải quyết. Vì vậy rút ra, Tranh chấp ranh giới đất là mâu thuẫn giữa hai hoặc nhiều bên liên quan đến việc xác định vị trí, phạm vi, hoặc giới hạn của ranh giới đất mà họ sở hữu hoặc sử dụng. Những tranh chấp này thường xảy ra khi có sự không rõ ràng, thiếu nhất quán trong giấy tờ pháp lý, bản đồ địa chính, hoặc do những thay đổi tự nhiên (như sạt lở, bồi đắp) làm thay đổi hình dạng ban đầu của khu đất.

    Tranh chấp ranh giới đất là gì? Ranh giới đất được xác định như thế nào theo quy định hiện nay?

    Tranh chấp ranh giới đất là gì? Ranh giới đất được xác định như thế nào theo quy định hiện nay? (Hình từ Internet)

    Ranh giới đất xác định như thế nào?

    Căn cứ theo Điều 175 Bộ luật Dân sự 2015 về ranh giới giữa các bất động sản như sau:

    Ranh giới đất giữa các bất động sản
    1. Ranh giới giữa các bất động sản liền kề được xác định theo thỏa thuận hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
    Ranh giới cũng có thể được xác định theo tập quán hoặc theo ranh giới đã tồn tại từ 30 năm trở lên mà không có tranh chấp.
    Không được lấn, chiếm, thay đổi mốc giới ngăn cách, kể cả trường hợp ranh giới là kênh, mương, hào, rãnh, bờ ruộng. Mọi chủ thể có nghĩa vụ tôn trọng, duy trì ranh giới chung.
    2. Người sử dụng đất được sử dụng không gian và lòng đất theo chiều thẳng đứng từ ranh giới của thửa đất phù hợp với quy định của pháp luật và không được làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của người khác.
    Người sử dụng đất chỉ được trồng cây và làm các việc khác trong khuôn viên đất thuộc quyền sử dụng của mình và theo ranh giới đã được xác định; nếu rễ cây, cành cây vượt quá ranh giới thì phải xén rễ, cắt, tỉa cành phần vượt quá, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

    Theo đó, Ranh giới giữa các bất động sản liền kề được xác định dựa trên thỏa thuận giữa các bên hoặc quyết định của cơ quan nhà nước. Trong trường hợp không có các yếu tố này, có thể áp dụng tập quán hoặc ranh giới tồn tại trên 30 năm mà không có tranh chấp.

    Việc lấn ,chiếm, thay đổi mốc giới giữa các bất động sản là không được phép. Chủ sở hữu các bất động sản có nghĩa vụ tôn trọng và duy trì ranh giới chung, kể cả khi ranh giới là những công trình tự nhiên như kênh, mương, hào, bờ ruộng.

    Ngoài ra, theo khoản 1 Điều 11 Thông tư 25/2014/TT-BTNMT quy định về xác định ranh giới đất như sau:

    Xác định ranh giới thửa đất
    1.1. Trước khi đo vẽ chi tiết, cán bộ đo đạc phải phối hợp với người dẫn đạc (là công chức địa chính cấp xã hoặc cán bộ thôn, xóm, ấp, tổ dân phố... để được hỗ trợ, hướng dẫn việc xác định hiện trạng, ranh giới sử dụng đất), cùng với người sử dụng, quản lý đất liên quan tiến hành xác định ranh giới, mốc giới thửa đất trên thực địa, đánh dấu các đỉnh thửa đất bằng đinh sắt, vạch sơn, cọc bê tông, cọc gỗ và lập Bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất để làm căn cứ thực hiện đo đạc ranh giới thửa đất; đồng thời, yêu cầu người sử dụng đất xuất trình các giấy tờ liên quan đến thửa đất (có thể cung cấp bản sao các giấy tờ đó không cần công chứng, chứng thực).
    1.2. Ranh, giới thửa đất được xác định theo hiện trạng đang sử dụng, quản lý và chỉnh lý theo kết quả cấp Giấy chứng nhận, bản án của tòa án có hiệu lực thi hành, kết quả giải quyết tranh chấp của cấp có thẩm quyền, các quyết định hành chính của cấp có thẩm quyền có liên quan đến ranh giới thửa đất.
    Trường hợp đang có tranh chấp về ranh giới thửa đất thì đơn vị đo đạc có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có thửa đất để giải quyết. Trường hợp tranh chấp chưa giải quyết xong trong thời gian đo đạc ở địa phương mà xác định được ranh giới thực tế đang sử dụng, quản lý thì đo đạc theo ranh giới thực tế đang sử dụng, quản lý đó; nếu không thể xác định được ranh giới thực tế đang sử dụng, quản lý thi được phép đo vẽ khoanh bao các thửa đất tranh chấp; đơn vị đo đạc có trách nhiệm lập bản mô tả thực trạng phần đất đang tranh chấp thành 02 bản, một bản lưu hồ sơ đo đạc, một bản gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để thực hiện các bước giải quyết tranh chấp tiếp theo theo thẩm quyền.

    Tóm lại, việc xác định ranh giới thửa đất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa cán bộ đo đạc và người sử dụng đất, đồng thời tuân thủ các quy định pháp luật và quy trình kỹ thuật.

    Khi có tranh chấp, cơ quan có thẩm quyền sẽ can thiệp để giải quyết dựa trên ranh giới thực tế và các giấy tờ pháp lý, đảm bảo tính chính xác và bảo vệ quyền lợi của các bên.

    Nếu tranh chấp chưa được giải quyết, quá trình đo đạc sẽ khoanh vùng khu vực tranh chấp và lập bản mô tả chi tiết để làm cơ sở cho các bước giải quyết tiếp theo. Quyền lợi của các bên được đảm bảo thông qua việc xác minh ranh giới theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bản án hoặc quyết định hành chính liên quan.

    Thẩm quyền giải quyết tranh chấp ranh giới đất ra sao?

    Căn cứ theo điều 235, 236 Luật Đất đai 2024 các cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai bao gồm:

    Trước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai quy định tạị Điều 236 Luật Đất đai 2024, các bên tranh chấp phải thực hiện hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp.

    Sau khi nhận được đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thành lập Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai để thực hiện hòa giải tranh chấp đất đai. Việc hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai.

    Đối với trường hợp hòa giải tranh chấp về ranh giới hòa giải thành thì trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản công nhận kết quả hòa giải thành, các bên tham gia hòa giải phải gửi văn bản công nhận kết quả hòa giải thành đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện việc đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định.

    Nếu trường hợp không hòa giải thành thì nộp đơn khởi kiện lên Tòa án có thẩm quyền

    182
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ