Trách nhiệm giải quyết tranh chấp về kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư thuộc về cơ quan nào từ 01/7/2025?
Nội dung chính
Trách nhiệm giải quyết tranh chấp về kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư thuộc về cơ quan nào từ 01/7/2025?
Căn cứ theo khoản 3 Điều 15 Nghị định 140/2025/NĐ-CP quy định về nhiệm vụ, thẩm quyền liên quan đến giải quyết khiếu nại, giải quyết tranh chấp về nhà ở như sau:
Điều 15. Nhiệm vụ, thẩm quyền liên quan đến giải quyết khiếu nại, giải quyết tranh chấp về nhà ở
1. Trách nhiệm giải quyết khiếu nại trong quá trình thực hiện các quy định liên quan đến nhà đất trong quá trình thực hiện các chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa trước ngày 01 tháng 7 năm 1991 quy định tại khoản 1, khoản 4 Điều 16 Nghị quyết số 755/2005/UBTVQH11 ngày 02 tháng 4 năm 2005 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định việc giải quyết đối với một số trường hợp cụ thể về nhà đất trong quá trình thực hiện các chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa trước ngày 01 tháng 7 năm 1991 do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện.
2. Trách nhiệm xác nhận số người cùng sinh sống trong hộ gia đình quy định tại điểm b khoản 3 Điều 9 Nghị định số 127/2005/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2005 của Chính phủ hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 23/2003/QH11 ngày 26 tháng 11 năm 2003 của Quốc hội và Nghị quyết số 755/2005/NQ-UBTVQH11 ngày 02 tháng 4 năm 2005 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định việc giải quyết đối với một số trường hợp cụ thể về nhà đất trong quá trình thực hiện các chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa trước ngày 01 tháng 7 năm 1991 do cơ quan công an cấp xã thực hiện.
3. Trách nhiệm giải quyết tranh chấp về kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư, quản lý sử dụng kinh phí bảo trì quy định tại khoản 4 Điều 194 Luật Nhà ở 2023 do Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện.
Dẫn chiếu đến khoản 4 Điều 194 Luật Nhà ở 2023 quy định như sau:
Điều 194. Giải quyết tranh chấp về nhà ở
1. Nhà nước khuyến khích các bên giải quyết tranh chấp về nhà ở thông qua hòa giải.
2. Tranh chấp về quyền sở hữu, quyền sử dụng nhà ở của tổ chức, cá nhân, tranh chấp liên quan đến giao dịch về nhà ở, quản lý vận hành nhà chung cư do Tòa án, trọng tài thương mại giải quyết theo quy định của pháp luật.
3. Tranh chấp về quản lý, sử dụng nhà ở thuộc tài sản công được giải quyết như sau:
a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết đối với nhà ở được giao cho địa phương quản lý;
b) Bộ Xây dựng giải quyết đối với nhà ở được giao cho cơ quan trung ương quản lý, trừ nhà ở do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý;
c) Bộ Quốc phòng, Bộ Công an giải quyết đối với nhà ở do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý;
d) Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.
4. Tranh chấp về kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư, quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì do Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có nhà ở đó hoặc Tòa án, trọng tài thương mại giải quyết theo quy định của pháp luật.
Như vậy trách nhiệm giải quyết tranh chấp về kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư do UBND cấp xã thực hiện từ 01/7/2025.
Lưu ý: Nghị định 140/2025/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ 01/7/2025
Trách nhiệm giải quyết tranh chấp về kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư thuộc về cơ quan nào từ 01/7/2025? (Hình từ internet)
Đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư có được quản lý vận hành nhiều nhà chung cư trên một địa bàn không?
Căn cứ theo khoản 3 Điều 149 Luật Nhà ở 2023 quy định như sau:
Điều 149. Đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư
1. Đối với nhà chung cư có thang máy thì phải do đơn vị có chức năng, năng lực quản lý vận hành nhà chung cư thực hiện. Đối với nhà chung cư không có thang máy thì Hội nghị nhà chung cư quyết định tự quản lý vận hành hoặc thuê đơn vị có chức năng, năng lực quản lý vận hành nhà chung cư thực hiện.
Trường hợp chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở trực tiếp thực hiện quản lý vận hành nhà chung cư thì phải có chức năng, năng lực quản lý vận hành theo quy định tại Điều 150 của Luật này.
2. Trường hợp nhà chung cư phải có đơn vị quản lý vận hành theo quy định tại khoản 1 Điều này thì các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư không được thuê riêng các dịch vụ khác nhau để thực hiện quản lý vận hành. Đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư có thể ký hợp đồng với đơn vị cung cấp dịch vụ để thực hiện một số nội dung liên quan đến việc quản lý vận hành nhà chung cư nhưng phải chịu trách nhiệm về việc quản lý vận hành theo nội dung hợp đồng đã ký kết với Ban quản trị nhà chung cư.
3. Đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư được quản lý vận hành nhiều nhà chung cư tại một hoặc nhiều địa bàn khác nhau.
Như vậy theo quy định trên nêu rõ thì đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư được quản lý vận hành nhiều nhà chung cư tại nhiều địa bàn khác nhau.
Đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư phải đáp ứng các điều kiện như thế nào?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 150 Luật Nhà ở 2023 đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Là đơn vị sự nghiệp công lập hoặc doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có chức năng quản lý vận hành nhà chung cư;
- Phải có các phòng, ban về kỹ thuật, chăm sóc khách hàng, bảo vệ an ninh, phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh, môi trường và bộ phận khác có liên quan để thực hiện các dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư;
- Người quản lý, nhân viên trực tiếp tham gia công tác quản lý vận hành của đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư phải có trình độ chuyên môn trong các lĩnh vực xây dựng, kỹ thuật điện, nước, phòng cháy, chữa cháy, vận hành trang thiết bị gắn với nhà chung cư và phải có Giấy chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ quản lý vận hành nhà chung cư.
Lưu ý: Đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư chỉ được cung cấp dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư sau khi có văn bản thông báo đơn vị đủ điều kiện quản lý vận hành nhà chung cư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.