Trách nhiệm của đơn vị quản lý trực tiếp cảng bến thủy nội địa trong quản lý khai thác cảng bến thủy nội địa được quy định ra sao?
Nội dung chính
Trách nhiệm của đơn vị quản lý trực tiếp cảng bến thủy nội địa trong quản lý khai thác cảng bến thủy nội địa được quy định ra sao?
Theo quy định tại Điều 33 Thông tư 11/2016/TT-BQP Quy định tiêu chí phân loại cảng, công bố danh mục cảng thủy nội địa; phân cấp kỹ thuật, tiêu chuẩn phân cấp kỹ thuật cảng thủy nội địa, tiêu chuẩn bến thủy nội địa và quản lý hoạt động đối với cảng, bến thủy nội địa thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Quốc phòng thì trách nhiệm của đơn vị quản lý trực tiếp cảng, bến thủy nội địa trong quản lý, khai thác cảng, bến thủy nội địa được quy định cụ thể như sau:
- Duy trì trạng thái hoạt động của cảng, bến và các thiết bị neo đậu phương tiện theo thiết kế bảo đảm an toàn; duy trì báo hiệu đường thủy nội địa theo quy tắc báo hiệu đường thủy nội địa.
- Xây dựng kế hoạch phòng, chống cháy nổ, phòng chống lụt bão và nội quy hoạt động của cảng, bến thủy nội địa; đối với cảng, bến hành khách (nếu có) phải có bảng niêm yết giá vé. Nội quy hoạt động, bảng niêm yết giá vé phải rõ ràng, bố trí ở nơi thuận lợi, dễ thấy.
- Có đèn chiếu sáng khi hoạt động ban đêm; đối với cảng, bến khách (nếu có) phải có nơi chờ cho hành khách.
- Thiết bị phòng cháy, chữa cháy phải bảo đảm về số lượng và chất lượng sử dụng theo quy định của pháp luật và được bố trí ở vị trí thuận lợi khi sử dụng.
- Thiết bị xếp dỡ phải bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và phù hợp với kết cấu, sức chịu lực của công trình. Bố trí người Điều khiển thiết bị xếp dỡ phải có chứng chỉ Điều khiển theo quy định của pháp luật.
- Đối với cảng, bến thủy nội địa có tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài phải có kế hoạch an ninh cảng, bến và đánh giá an ninh cảng, bến thủy nội địa của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Bố trí nhân lực quản lý, khai thác cảng, bến bảo đảm trật tự, an toàn.
- Không xếp hàng hóa hoặc đón trả hành khách (nếu có) xuống phương tiện không bảo đảm an toàn kỹ thuật, không đủ giấy tờ quy định; không xếp hàng hóa quá kích thước, quá trọng tải cho phép hoặc nhận hành khách (nếu có) quá số lượng quy định; thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về xếp dỡ hàng hóa nguy hiểm và đảm bảo đầy đủ trang, thiết bị an toàn cho hành khách (nếu có) theo quy định.
- Tham gia và huy động người, phương tiện, thiết bị cứu người, hàng hóa, phương tiện khi xảy ra thiên tai, tai nạn; báo cáo và phối hợp với cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết, khắc phục hậu quả thiên tai, tai nạn và ô nhiễm môi trường (nếu có).
- Thực hiện bảo vệ môi trường theo quy định tại Điều 3, Điều 4 Thông tư liên tịch số 21/2013/TTLT-BGTVT-BTNMT ngày 22 tháng 8 năm 2013 của Bộ Giao thông vận tải-Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn về quản lý và bảo vệ môi trường trong hoạt động giao thông đường thủy nội địa.
- Hằng quý, 06 (sáu) tháng, 01 (một) năm và đột xuất khi có sự cố xảy ra ngoài thẩm quyền, báo cáo Bộ Tư lệnh Quân khu hoặc tương đương về hoạt động của các cảng, bến thủy nội địa cấp mình quản lý.
Trên đây là nội dung tư vấn về trách nhiệm của đơn vị quản lý trực tiếp cảng, bến thủy nội địa trong quản lý, khai thác cảng, bến thủy nội địa.