Tòa án triệu tập hợp lệ lần 2 mà bị đơn vắng mặt thì pháp luật hiện hành giải quyết thế nào?
Nội dung chính
Điểm b, Điểm c Khoản 2 Điều 227 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 có quy định như sau:
- Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa, trừ trường hợp họ có đơn đề nghị xét xử vắng mặt; nếu vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì Tòa án có thể hoãn phiên tòa, nếu không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì xử lý như sau:
+ Bị đơn không có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt họ;
+ Bị đơn có yêu cầu phản tố vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ yêu cầu phản tố và Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu phản tố, trừ trường hợp bị đơn có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Bị đơn có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu phản tố đó theo quy định của pháp luật.
=> Theo quy định này, trường hợp bạn là bị đơn đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần hai mà vắng mặt tại phiên tòa thì sẽ được giải quyết như sau:
(1) Nếu bạn có đơn đề nghị xét xử vắng mặt thì Tòa án sẽ tiến hành xét xử bình thường.
(2) Nếu bạn không có đơn đề nghị xét xử vắng mặt thì Tòa án sẽ xem xét đến lý do vắng mặt:
- Nếu vì sự kiện bất khả kháng hoặc lý do khách quan thì Tòa án có thể hoãn phiên tòa.
- Nếu không vì sự kiện bất khả kháng hoặc lý do khách quan thì giải quyết như sau:
+ Bạn không có yêu cầu phản tố thì Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt.
+ Bạn có yêu cầu phản tố nhưng vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ yêu cầu phản tố. Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu phản tố. Lúc này, bạn có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu phản tố đó theo quy định của pháp luật.