Tòa án nào có thẩm quyền giải quyết vụ việc phá sản khi có người tham gia thủ tục phá sản ở nước ngoài?

Khi giải quyết vụ việc phá sản đối với một doanh nghiệp hoặc một hợp tác xã mất khả năng thanh toán mà xác định được có người tham gia thủ tục phá sản của doanh nghiệp, hợp tác xã đang ở nước ngoài thì Tòa án nhân dân nào có thẩm quyền giải quyết?

Nội dung chính

    Tòa án nào có thẩm quyền giải quyết vụ việc phá sản khi có người tham gia thủ tục phá sản ở nước ngoài?

    Theo quy định tại Khoản 10 Điều 4 Luật Phá sản 2014 thì người tham gia thủ tục phá sản là chủ nợ; người lao động; doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán; cổ đông, nhóm cổ đông; thành viên hợp tác xã hoặc hợp tác xã thành viên của liên hiệp hợp tác xã; người mắc nợ của doanh nghiệp, hợp tác xã và những người khác có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong quá trình giải quyết phá sản.

    Theo quy định của pháp luật hiện hành thì người tham gia thủ tục phá sản ở nước ngoài được xác định theo quy định tại Khoản 2 Điều 2 Nghị quyết 03/2016/NQ-HĐTP, cụ thể bao gồm:

    - Cá nhân không có mặt tại Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản;

    - Pháp nhân không có trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc không có người đại diện theo quy định của pháp luật tại Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.

    Theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 8 Luật Phá sản 2014 thì Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thẩm quyền giải quyết vụ việc phá sản có người tham gia thủ tục phá sản ở nước ngoài.

    Doanh nghiệp đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký hợp tác xã tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nào thì Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đó có thẩm quyền giải quyết phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã đó.

    Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.

    17