Tỉnh nào có diện tích nhỏ nhất Việt Nam? Số lượng đơn vị hành chính tại Việt Nam?
Nội dung chính
Tỉnh nào có diện tích nhỏ nhất Việt Nam? Tỉnh nào có diện tích lớn nhất Việt Nam?
(1) Tỉnh nào có diện tích nhỏ nhất Việt Nam năm 2025?
Tính đến năm 2025, tỉnh có diện tích nhỏ nhất Việt Nam là Bắc Ninh, với diện tích 822,68 km².
Tỉnh Bắc Ninh nằm ở vùng Đồng bằng sông Hồng, cách thủ đô Hà Nội khoảng 30km về phía Đông Bắc. Tuy có diện tích khiêm tốn, Bắc Ninh lại nổi bật với vị trí kinh tế - văn hóa quan trọng và là cái nôi của nhiều giá trị truyền thống đặc sắc.
Tỉnh Bắc Ninh giáp phía Bắc là tỉnh Bắc Giang, phía Đông là tỉnh Hải Dương, phía Tây và Nam là thủ đô Hà Nội và tỉnh Hưng Yên.
Là nơi hình thành và phát triển dòng nhạc dân gian nổi tiếng Quan họ Bắc Ninh, được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2009.
Các làng nghề truyền thống như Làng gốm Phù Lãng và Làng tranh Đông Hồ (huyện Thuận Thành). Di tích lịch sử nổi tiếng: như Chùa Dâu - Ngôi chùa cổ nhất Việt Nam, Chùa Bút Tháp - Nổi tiếng với tượng Phật Bà Quan Âm nghìn mắt nghìn tay hay Đền Đô: - Nơi thờ các vị vua triều Lý.
Dưới đây là bảng thống kê diện tích của các tỉnh có diện tích nhỏ nhất:
STT | Tỉnh/Thành phố | Diện tích (km²) |
1 | Bắc Ninh | 822,68 |
2 | Hà Nam | 861,9 |
3 | Hưng Yên | 930,2 |
4 | Vĩnh Phúc | 1.235,2 |
5 | Đà Nẵng | 1.284 |
(2) Tỉnh nào có diện tích lớn nhất Việt Nam năm 2025?
Tính đến năm 2025, tỉnh có diện tích lớn nhất Việt Nam là Nghệ An, với diện tích khoảng 16.490,25 km².
Tỉnh Nghệ An nằm ở khu vực Bắc Trung Bộ. Đây là mảnh đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, gắn liền với những danh nhân, anh hùng dân tộc và sở hữu nhiều tiềm năng phát triển kinh tế - du lịch.
Tỉnh Nghệ An có vị trí chiến lược quan trọng với phía Bắc giáp tỉnh Thanh Hóa, phía Nam giáp tỉnh Hà Tĩnh, phía Tây giáp Lào với đường biên giới dài hơn 419 km và phía Đông giáp biển Đông.
Dưới đây là bảng thống kê diện tích của 10 tỉnh, thành phố có diện tích lớn nhất Việt Nam:
STT | Tỉnh/Thành phố | Diện tích (km²) |
1 | Nghệ An | 16.490,25 |
2 | Gia Lai | 15.536,9 |
3 | Sơn La | 14.174,4 |
4 | Đắk Lắk | 13.125,4 |
5 | Thanh Hóa | 11.129,5 |
6 | Quảng Nam | 10.438,4 |
7 | Lâm Đồng | 9.773,5 |
8 | Kon Tum | 9.689,6 |
9 | Điện Biên | 9.562,9 |
10 | Lai Châu | 9.068,8 |
Tỉnh nào có diện tích nhỏ nhất Việt Nam? Số lượng đơn vị hành chính tại Việt Nam? (Hình từ Internet)
Đơn vị hành chính tại Việt Nam được phân loại như thế nào?
Căn cứ Điều 3 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 quy định như sau:
Phân loại đơn vị hành chính
1. Phân loại đơn vị hành chính là cơ sở để hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng tổ chức bộ máy, chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức của chính quyền địa phương phù hợp với từng loại đơn vị hành chính.
2. Phân loại đơn vị hành chính phải dựa trên các tiêu chí về quy mô dân số, diện tích tự nhiên, số đơn vị hành chính trực thuộc, trình độ phát triển kinh tế - xã hội và các yếu tố đặc thù của từng loại đơn vị hành chính ở nông thôn, đô thị, hải đảo.
3. Đơn vị hành chính được phân loại như sau:
a) Thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị hành chính cấp tỉnh loại đặc biệt; các đơn vị hành chính cấp tỉnh còn lại được phân thành ba loại: loại I, loại II và loại III;
b) Đơn vị hành chính cấp huyện được phân thành ba loại: loại I, loại II và loại III;
c) Đơn vị hành chính cấp xã được phân thành ba loại: loại I, loại II và loại III.
4. Căn cứ vào quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này, Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định cụ thể tiêu chuẩn của từng tiêu chí, thẩm quyền, thủ tục phân loại đơn vị hành chính.
Theo đó, đơn vị hành chính tại Việt Nam được phân loại như sau:
- Thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị hành chính cấp tỉnh loại đặc biệt; các đơn vị hành chính cấp tỉnh còn lại được phân thành ba loại: loại I, loại II và loại III;
- Đơn vị hành chính cấp huyện được phân thành ba loại: loại I, loại II và loại III;
- Đơn vị hành chính cấp xã được phân thành ba loại: loại I, loại II và loại III.
Chính quyền địa phương ở tỉnh có nhiệm vụ và quyền hạn gì?
Căn cứ Điều 17 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 quy định như sau:
Nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở tỉnh
1. Tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật trên địa bàn tỉnh.
2. Quyết định những vấn đề của tỉnh trong phạm vi được phân quyền, phân cấp theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
3. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do cơ quan hành chính nhà nước ở trung ương ủy quyền.
4. Kiểm tra, giám sát tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính trên địa bàn.
5. Chịu trách nhiệm trước cơ quan nhà nước cấp trên về kết quả thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở tỉnh.
6. Phối hợp với các cơ quan nhà nước ở trung ương, các địa phương thúc đẩy liên kết kinh tế vùng, thực hiện quy hoạch vùng, bảo đảm tính thống nhất của nền kinh tế quốc dân.
7. Quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp nhằm phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, huy động các nguồn lực xã hội để xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.
Như vậy, chính quyền địa phương ở tỉnh có nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định nêu trên.