Thực hiện dự án đầu tư tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia được quy định như thế nào?
Nội dung chính
Thực hiện dự án đầu tư tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia được quy định như thế nào?
Thực hiện dự án đầu tư tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia được quy định tại Điều 8 Nghị định 51/2021/NĐ-CP, cụ thể như sau:
1. Không thực hiện dự án đầu tư sau đây tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia:
a) Các dự án đầu tư có mục đích sử dụng đất lâu dài, trừ các công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ lợi ích quốc gia, công cộng;
b) Các công trình xây dựng thuộc cấp công trình đặc biệt, cấp I theo quy định pháp luật về xây dựng, trừ dự án quan trọng quốc gia thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
2. Tổ chức, cá nhân khi lập hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia phải có đánh giá tác động, mức độ ảnh hưởng đến tài nguyên, trữ lượng, chất lượng khoáng sản đã được khoanh định là khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia thuộc phạm vi dự án; phải có giải pháp bảo vệ loại khoáng sản thuộc đối tượng dự trữ nêu trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi hoặc báo cáo đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư dự án.
3. Nội dung đánh giá mức độ ảnh hưởng đến tài nguyên, trữ lượng, chất lượng; giải pháp bảo vệ khoáng sản thuộc khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia gồm:
a) Tổng quan tài nguyên khoáng sản thuộc đối tượng dự trữ trong diện tích dự án, bao gồm cả các loại khoáng sản khác về: mức độ điều tra, đánh giá tiềm năng khoáng sản; hiện trạng tài nguyên, trữ lượng và thực trạng hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản (nếu có);
b) Đánh giá mức độ ảnh hưởng do hoạt động của dự án có thể tác động đến tài nguyên, trữ lượng, chất lượng đối với loại khoáng sản thuộc đối tượng dự trữ về: phạm vi tác động đến tài nguyên, trữ lượng, chất lượng khoáng sản;
c) Giải pháp bảo vệ khoáng sản thuộc đối tượng dự trữ nằm trong diện tích dự án: xác định rõ hạng mục công trình có thể tác động trực tiếp đến khoáng sản thuộc đối tượng dự trữ; quy định trách nhiệm của tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan của chủ đầu tư dự án trong việc theo dõi, giám sát và kịp thời báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với trường hợp khi thi công hoặc trong quá trình vận hành dự án mà có tác động trực tiếp đến loại khoáng sản thuộc đối tượng dự trữ để xử lý theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định này;
d) Cam kết thực hiện nghĩa vụ bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trong phạm vi dự án quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định này.
4. Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia không vượt quá thời gian dự trữ còn lại của khu vực có khoáng sản thuộc đối tượng dự trữ đó.
5. Bộ Tài nguyên và Môi trường cho ý kiến về các nội dung quy định tại khoản 3 Điều này đối với các dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương theo quy định của pháp luật về đầu tư.
6. Sở Tài nguyên và Môi trường nơi có dự án đầu tư cho ý kiến về các nội dung quy định tại khoản 3 Điều này đối với các dự án mà thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư không thuộc trường hợp quy định tại khoản 5 Điều này.
7. Cơ quan đăng ký đầu tư dự án đầu tư gửi lấy ý kiến cơ quan quy định tại khoản 5, khoản 6 Điều này. Việc lấy ý kiến về đánh giá mức độ ảnh hưởng đến tài nguyên, trữ lượng, chất lượng; giải pháp bảo vệ khoáng sản thuộc khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia được thực hiện đồng thời trong quá trình lấy ý kiến trước khi trình cơ quan, người có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư theo pháp luật về đầu tư.