Thực hiện di dời chủ sở hữu nhà chung cư bị hư hỏng do bão như thế nào?

Nhà chung cư bị hư hỏng do bão có phải phá dỡ không? Thực hiện di dời chủ sở hữu nhà chung cư bị hư hỏng do bão như thế nào? Bố trí chỗ ở tạm thời cho chủ sở hữu nhà chung cư phải di dời khẩn cấp do bão như thế nào?

Nội dung chính

    Nhà chung cư bị hư hỏng do bão có phải phá dỡ không?

    Căn cứ theo khoản 3 Điều 2 Luật Nhà ở 2023 thì nhà chung cư là nhà ở có từ 02 tầng trở lên, có nhiều căn hộ, có lối đi, cầu thang chung, có phần sở hữu riêng, phần sở hữu chung và hệ thống công trình hạ tầng sử dụng chung cho gia đình, cá nhân, tổ chức, bao gồm nhà chung cư được xây dựng với mục đích để ở và nhà chung cư được xây dựng có mục đích sử dụng hỗn hợp.

    Theo khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống thiên tai 2013 được sửa đổi, bổ sung bởi điểm a khoản 1 Điều 1 Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều sửa đổi 2020 thì bão được xếp vào nhóm thiên tai và là hiện tượng tự nhiên bất thường có thể gây thiệt hại về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và các hoạt động kinh tế - xã hội.

    Tại khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều 59 Luật Nhà ở 2023 thì nhà chung cư khi bị hư hỏng do ảnh hưởng của thiên tai và không còn đủ điều kiện bảo đảm an toàn để tiếp tục sử dụng thì phải thực hiện việc phá dỡ bao gồm cả nhà chung cư đang còn thời hạn sử dụng và đã hết thời hạn sử dụng.

    Ngoài ra, theo điểm a, c, d, đ khoản 2 Điều 59 Luật Nhà ở 2023 thì nhà chung cư sẽ phải phá dỡ khi rơi vào một trong các trường hợp sau đây:

    + Nhà chung cư bị hư hỏng do cháy, nổ không còn đủ điều kiện bảo đảm an toàn để tiếp tục sử dụng

    + Nhà chung cư có các kết cấu chịu lực chính hư hỏng, có nguy cơ sập đổ,...

    + Nhà chung cư bị hư hỏng nặng, xuất hiện tình trạng nguy hiểm cục bộ kết cấu chịu lực chính của công trình và các yếu tố về phòng cháy, cấp điện,... không đáp ứng quy chuẩn hoặc có nguy cơ mất an toàn trong vận hành, khai thác, sử dụng cần phải phá dỡ để bảo đảm an toàn cho chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư và yêu cầu về cải tạo, chỉnh trang đô thị

    + Nhà chung cư bị hư hỏng một trong các kết cấu chính của công trình như móng, cột, tường, dầm, xà,... mà chưa thuộc trường hợp phải phá dỡ nhưng thuộc khu vực phải thực hiện cải tạo, xây dựng đồng bộ với nhà chung cư thuộc trường hợp phải phá dỡ theo quy định.

    Như vậy, khi nhà chung cư bị hư hỏng bởi bão mà bị hư hỏng và không còn đủ điều kiện bảo đảm an toàn để tiếp tục sử dụng thì phải thực hiện việc phá dỡ đối với nhà chung cư đó, đồng thời nếu xuất hiện tình trạng hư hỏng nặng thì cũng phải thực hiện phá dỡ.

    Thực hiện di dời chủ sở hữu nhà chung cư bị hư hỏng do bão như thế nào?

    Di dời chủ sở hữu nhà chung cư bị hư hỏng do bão ( Hình từ Internet) 

    Thực hiện di dời khẩn cấp chủ sở hữu nhà chung cư bị hư hỏng do bão như thế nào?

    Như đã phân tích, nhà chung cư khi bị hư hỏng do ảnh hưởng của thiên tai và không còn đủ điều kiện bảo đảm an toàn để tiếp tục sử dụng thì phải thực hiện việc phá dỡ bao gồm cả nhà chung cư đang còn thời hạn sử dụng và đã hết thời hạn sử dụng.

    Theo đó, căn cứ tại điểm b khoản 1 Điều 23 Nghị định 98/2024/NĐ-CP thì nhà chung cư bị hư hỏng do bão và không còn đủ điều kiện bảo đảm an toàn để tiếp tục sử dụng, phải thực hiện di dời khẩn cấp chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư đó.

    Căn cứ theo điểm a khoản 1 Điều 24 Nghị định 98/2024/NĐ-CP thì việc thực hiện di dời khẩn cấp đối với chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư bị hư hỏng, phải phá dỡ do ảnh hưởng bão được thực hiện như sau:

    + Kể từ khi cơ quan có thẩm quyền kết luận nhà chung cư không còn đủ điều kiện bảo đảm an toàn để tiếp tục sử dụng, cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh phải trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quyết định di dời khẩn cấp trong thời hạn tối đa là 3 ngày.

    + Kể từ lúc có quyết định di dời khẩn cấp của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có nhà chung cư phải di dời khẩn cấp tiến hành phối hợp với các cơ quan tại địa phương để tổ chức di dời khẩn cấp toàn bộ chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư đến chỗ ở tạm thời.

    + Cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện nếu được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao chủ trì, phối hợp với cơ quan tài chính tại địa phương đề xuất Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bố trí kinh phí di dời khẩn cấp từ nguồn ngân sách chi thường xuyên của địa phương.

    Bố trí chỗ ở tạm thời cho chủ sở hữu nhà chung cư phải di dời khẩn cấp do bão như thế nào?

    Theo khoản 1 Điều 26 Nghị định 98/2024/NĐ-CP thì khi chủ sở hữu có nhà chung cư bị hư hỏng do bão, không còn đủ điều kiện đảm bảo an toàn để tiếp tục sử dụng và phải di dời khẩn cấp thì được bố trí chỗ ở tạm thời thông qua các hình thức sau:

    - Bố trí chỗ ở tạm thời tại quỹ nhà ở tái định cư có sẵn hoặc quỹ nhà ở thuộc tài sản công trên địa bàn hoặc mua nhà ở thương mại hoặc đầu tư xây dựng quỹ nhà ở tái định cư bằng nguồn vốn ngân sách của địa phương hoặc nguồn vốn từ Quỹ đầu tư phát triển, Quỹ phát triển nhà ở của địa phương (nếu có) để dùng làm chỗ ở tạm thời;

    - Thanh toán tiền để chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư tự lo chỗ ở.

    Ngoài ra, căn cứ tại điểm a khoản 1 Điều 27 Nghị định 98/2024/NĐ-CP thì cơ quan có trách nhiệm bố trí chỗ ở tạm thời cho chủ sở hữu có nhà chung cư bị phá dỡ do hư hỏng bởi bão, không còn đủ điều kiện bảo đảm an toàn để tiếp tục sử dụng là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có nhà chung cư đó.

    Như vậy, khi nhà chung cư bị hư hỏng do ảnh hưởng bão và không thể đảm bảo an toàn để tiếp tục sử dụng thì chủ sở hữu nhà chung cư đó sẽ được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bố trí chỗ ở tạm thời hoặc thanh toán tiền để tự lo chỗ ở khi thực hiện việc phá dỡ khẩn cấp.

    30