Thực hiện áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong việc giải quyết phá sản như thế nào?

Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khi giải quyết phá sản được quy định như thế nào? Và được quy định cụ thể ở đâu?

Nội dung chính

    Thực hiện áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong việc giải quyết phá sản như thế nào?

    Việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khi giải quyết phá sản đã được quy định cụ thể tại Điều 70 Luật Phá sản 2014.

    Theo đó, việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khi giải quyết phá sản được quy định như sau:

    (1) Trong quá trình giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản, người có quyền, nghĩa vụ nộp đơn theo quy định tại Điều 5 của Luật này, Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản có quyền yêu cầu Tòa án nhân dân có thẩm quyền tiến hành thủ tục phá sản ra quyết định áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời để bảo toàn tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động sau đây:

    - Cho bán hàng hóa dễ bị hư hỏng, hàng hóa sắp hết thời hạn sử dụng, hàng hóa không bán đúng thời điểm sẽ khó có khả năng tiêu thụ; cho thu hoạch, cho bán hoa màu hoặc sản phẩm, hàng hóa khác;

    - Kê biên, niêm phong tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã;

    - Phong tỏa tài khoản của doanh nghiệp, hợp tác xã tại ngân hàng; phong tỏa tài sản ở nơi gửi giữ;

    - Niêm phong kho, quỹ, thu giữ và quản lý sổ kế toán, tài liệu liên quan của doanh nghiệp, hợp tác xã;

    - Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán;

    - Cấm thay đổi hiện trạng đối với tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán;

    - Cấm hoặc buộc doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân, tổ chức khác có liên quan thực hiện một số hành vi nhất định;

    - Buộc người sử dụng lao động tạm ứng tiền lương, tiền công, tiền bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp cho người lao động;

    - Các biện pháp khẩn cấp tạm thời khác theo quy định của pháp luật.

    (2) Người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải có văn bản yêu cầu gửi đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền. Văn bản yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải có các nội dung chủ yếu sau:

    - Ngày, tháng, năm;

    - Tên, địa chỉ của người có yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;

    - Tên, địa chỉ của người bị yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;

    - Lý do cần phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;

    - Biện pháp khẩn cấp tạm thời cần được áp dụng và các yêu cầu cụ thể.

    Tùy theo yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời mà người yêu cầu phải cung cấp cho Tòa án nhân dân chứng cứ để chứng minh cho sự cần thiết phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đó.

    (3) Thủ tục áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời, giải quyết đề nghị xem xét lại việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời và thi hành quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời thực hiện theo quy định của Luật này, pháp luật về tố tụng dân sự và pháp luật về thi hành án dân sự.

    (4) Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành Điều này.

    Chuyên viên pháp lý Thư Viện Nhà Đất
    23
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ