Thủ tướng yêu cầu tổng kiểm kê tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị?
Nội dung chính
Thủ tướng yêu cầu tổng kiểm kê tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị?
Ngày 20/12/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện 138/CĐ-TTg về việc thực hiện tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị tài sản kết cấu hạ tầng do nhà nước đầu tư, quản lý.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tổng kiểm kê của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, hiệu quả công tác Tổng kiểm kê tài sản công theo Đề án 213; tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như sau:
(1) Các bộ, cơ quan trung ương, địa phương chưa ban hành Kế hoạch Tổng kiểm kê, chưa tập huấn Tổng kiểm kê có trách nhiệm ban hành kế hoạch, tổ chức hướng dẫn, tập huấn đầy đủ các nội dung của Đề án, các chỉ tiêu kiểm kê, việc tổng hợp, báo cáo kết quả kiểm kê đến toàn bộ đối tượng thực hiện kiểm kê thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan trung ương, địa phương. Thời gian hoàn thành: Trước ngày 23 tháng 12 năm 2024.
(2) Bám sát Đề án 213, Kế hoạch triển khai Đề án Tổng kiểm kê tài sản công do Bộ Tài chính, các bộ, ngành, địa phương ban hành để chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn và tổ chức thực hiện đầy đủ các nội dung theo quy định, bảo đảm đạt và vượt tiến độ, không để xảy ra tình trạng chậm, muộn làm ảnh hưởng tới kết quả, tiến độ Tổng kiểm kê của cả nước. Lấy kết quả Tổng kiểm kê làm cơ sở đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị. Khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác chuẩn bị và tổ chức thực hiện Tổng kiểm kê. Phê bình, nhắc nhở và xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân không chấp hành, chấp hành không nghiêm kế hoạch và các quy định liên quan đến Tổng kiểm kê.
(3) Chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị rà soát, tăng cường công tác hạch toán, quản lý, sử dụng tài sản công, bảo đảm kiểm kê đầy đủ tài sản hiện có, thông tin về tài sản được kiểm kê đầy đủ, chính xác theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. Gắn công tác kiểm kê tài sản công với việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm. Ngay trong quá trình kiểm kê, nếu phát hiện tài sản không sử dụng, sử dụng không đúng mục đích, sử dụng không hiệu quả thì phải kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền để xử lý, không chờ đến khi kết thúc Tổng kiểm kê, bảo đảm tài sản công được sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả.
Đối với các bộ, cơ quan trung ương, cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện sáp nhập, hợp nhất, chia tách, kết thúc hoạt động, chuyển chức năng, nhiệm vụ cho cơ quan, tổ chức, đơn vị khác do sắp xếp, tinh gọn bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính vẫn phải thực hiện nhiệm vụ Tổng kiểm kê đến khi chính thức sáp nhập, hợp nhất, chia tách, kết thúc hoạt động, đồng thời có trách nhiệm bàn giao các công việc đã và đang triển khai cho bộ, cơ quan trung ương, cơ quan, tổ chức, đơn vị mới; bộ, cơ quan trung ương, cơ quan, tổ chức, đơn vị sau sáp nhập, hợp nhất, chia tách, tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm triển khai tiếp các công việc còn lại, bảo đảm việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính không làm ảnh hưởng tới việc thực hiện Đề án 213, không làm thất thoát tài sản của Nhà nước.
(4) Giao Bộ Tài chính tổ chức kiểm tra công tác chuẩn bị và tổ chức thực hiện Tổng kiểm kê của các bộ, cơ quan trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kiểm tra việc thực hiện tổng kiểm kê, báo cáo kết quả Tổng kiểm kê của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý, tập trung vào các đối tượng có quy mô tài sản và số lượng đơn vị kiểm kê lớn, tài sản phức tạp, tiến độ triển khai chậm. Các bộ quản lý ngành, lĩnh vực theo Đề án 213 có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong quá trình hướng dẫn thực hiện Tổng kiểm kê và tổng hợp số liệu Tổng kiểm kê.
(5) Giao Bộ Tài chính cập nhật thường xuyên tiến độ thực hiện Tổng kiểm kê của cả nước, của từng bộ, ngành, địa phương, định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng; kịp thời tổng hợp số liệu Tổng kiểm kê và đề xuất các giải pháp và cơ chế, chính sách, xây dựng cơ sở dữ liệu và tổ chức quản lý nhằm phát huy kết quả Tổng kiểm kê, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công, báo cáo cấp có thẩm quyền.
(6) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo kiểm kê của bộ, cơ quan trung ương, địa phương chịu trách nhiệm về tiến độ, chất lượng báo cáo kết quả Tổng kiểm kê theo Đề án 213, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách những vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền.
Thủ tướng yêu cầu tổng kiểm kê tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị? (Hình từ Internet)
Có các phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nào?
Điều 2 Nghị quyết 74/2022/QH15 quy định:
Về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp chung về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
1. Đổi mới mạnh mẽ công tác tuyên truyền, phổ biến nhằm thay đổi nhận thức, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại từng cơ quan, tổ chức, cá nhân, cả khu vực công cũng như khu vực tư để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thực sự trở thành văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân.
2. Tăng cường, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao hiệu quả huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực của đất nước để phát triển nhanh và bền vững. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Xử lý nghiêm minh, kịp thời trách nhiệm các tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
3. Từ năm 2023, phát động trong toàn quốc cuộc vận động về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Chính phủ tổ chức phong trào thi đua về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất, tiêu dùng ở mọi cấp, mọi ngành và trong nhân dân với chủ đề, nội dung, hình thức thiết thực, hiệu quả. Kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong thực hiện tốt công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
4. Đổi mới việc xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện và báo cáo việc thực hiện Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 5 năm và hằng năm, theo hướng vừa đảm bảo tính tổng thể, toàn diện, vừa có trọng tâm, trọng điểm, có chủ đề từng năm.
5. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí bảo đảm đồng bộ, thống nhất và phù hợp yêu cầu thực tiễn. Từ năm 2023, thường xuyên đánh giá hiệu quả và chất lượng chính sách sau ban hành để kịp thời điều chỉnh các bất cập, mâu thuẫn nhằm hạn chế thất thoát, lãng phí các nguồn lực. Chú trọng xây dựng chính sách quốc gia về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong từng giai đoạn đối với một số lĩnh vực then chốt như tiết kiệm năng lượng, quản lý, khai thác, sử dụng đất, tài nguyên, khoáng sản.
Như vậy, có các phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp chung về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo quy định trên.