Thủ tục làm Sổ đỏ lần đầu trực tiếp của cá nhân, hộ gia đình đang sử dụng đất
Nội dung chính
Căn cứ theo khoản 21 Điều 3 Luật Đất đai 2024 quy định Sổ đỏ là cách gọi của loại giấy tờ về quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thay cho loại giấy tờ này được gọi bằng tên gọi “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất”.
Thủ tục làm Sổ đỏ lần đầu trực tiếp của cá nhân, hộ gia đình đang sử dụng đất (Hình từ Internet)
Thủ tục làm Sổ đỏ lần đầu trực tiếp của cá nhân, hộ gia đình đang sử dụng đất quy định như thế nào?
Thủ tục làm Sổ đỏ lần đầu trực tiếp của cá nhân, hộ gia đình đang sử dụng đất thực hiện tại Nghị định 101/2024/NĐ-CP quy định cụ thể các bước dưới đây:
Bước 1. Nộp hồ sơ
Theo khoản 1 Điều 31 và điểm a khoản 1 Điều 21 Nghị định 101/2024/NĐ-CP, hộ gia đình, cá nhân nộp 01 bộ hồ sơ nêu trên đến bộ phận một cửa theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về thực hiện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại cấp tỉnh, huyện, xã.
Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ
Cơ quan tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả cho người nộp hồ sơ, sau đó chuyển hồ sơ đến Ủy ban nhân dân cấp xã.
Bước 3: Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện
Xác nhận hiện trạng sử dụng đất có hay không có nhà ở và công trình xây dựng; tình trạng về tranh chấp.
Ngoài ra, căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận các nội dung sau:
Trường hợp có giấy tờ về quyền sử dụng đất thì xác nhận đất sử dụng ổn định.
Trường hợp không có giấy tờ về quyền sử dụng đất thì xác nhận nguồn gốc sử dụng đất và việc sử dụng đất ổn định.
Trường hợp đề nghị công nhận cho mục đích phi nông nghiệp thì xác nhận sự phù hợp với quy hoạch.
Trường hợp lấn chiếm hành lang bảo vệ an toàn công trình, chiếm lòng, lề đường,... thì xác nhận sự phù hợp với quy hoạch.
Trường hợp lấn chiếm đất nông, lâm trường đã được nhà nước giao thì xác nhận sự phù hợp với quy hoạch lâm nghiệp đối với rừng phòng hộ, rừng đặc dụng,...
Khi xác nhận sự phù hợp quy hoạch thì Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận căn cứ theo quy hoạch có hiệu lực tại thời điểm được xác nhận.
Đồng thời, nếu người sử dụng đất có nhu cầu làm Sổ đỏ thì thực hiện niêm yết công khai các nội dung xác nhận ở trên tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, khu dân cư nơi có đất, tài sản gắn liền với đất trong thời gian 15 ngày, đồng thời thực hiện xem xét giải quyết các ý kiến phản ánh về nội dung đã công khai (nếu có).
Ngược lại, nếu không có nhu cầu làm sổ đỏ thì chỉ thực hiện xác nhận các thông tin ở trên.
Bước 4: Kiểm tra, đo đạc, xác minh trích đo địa chính
Cơ quan chức năng quản lý đất đai cấp huyện thực hiện các công việc:
- Trích lục bản đồ địa chính (đối với nơi mà đã có bản đồ địa chính).
- Đối với nơi chưa có bản đồ địa chính và trong hồ sơ đăng ký cấp Giấy chứng nhận đã có mảnh trích đo thì đề nghị Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai kiểm tra, ký duyệt mảnh trích đo.
Nếu trong hồ sơ đăng ký chưa có mảnh trích đo thì đề nghị cho Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện việc trích đo bản đồ địa chính.
Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai tiến hành kiểm tra, ký duyệt mảnh trích đo hoặc thực hiện trích đo bản đồ trong vòng 05 ngày làm việc tính từ ngày nhận được đề nghị của cơ quan quản lý đất đai cấp huyện (chi phí do người sử dụng đất trả).
- Nếu người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất có nhu cầu chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và công trình xây dựng mà không có giấy tờ quy định thì gửi văn bản lấy ý kiến của cơ quan có chức năng quản lý xây dựng cấp huyện về việc đủ điều kiện tồn tại nhà ở và công trình xây dựng đó.
Trong vòng không quá 03 ngày làm việc cơ quan quản lý về xây dựng cấp huyện phải trả lời bằng văn bản cho cơ quan quản lý đất đai.
- Kiểm tra về điều kiện được cấp Giấy chứng nhận đối với trường hợp người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất muốn cấp Giấy chứng nhận.
- Chuyển Thông báo xác nhận về kết quả đăng ký đất đai theo Mẫu số 03/ĐK được ban hành kèm theo Nghị định 101/2024/NĐ-CP đến nơi nộp hồ sơ để trả cho người yêu cầu đăng ký đối với trường hợp không đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận.
Đồng thời chuyển hồ sơ đến Văn phòng đăng ký đất đai để lập và cập nhật thông tin đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất vào hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai.
- Trường hợp đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận thì gửi Phiếu chuyển thông tin để xác định nghĩa vụ tài chính theo Mẫu số 12/ĐK được ban hành kèm theo Nghị định 101/2024/NĐ-CP đến cơ quan thuế để xác định và thông báo thu nghĩa vụ tài chính người sử dụng đất.
Đồng thời chuyển hồ sơ đến Văn phòng đăng ký đất đai để lập và cập nhật thông tin đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất vào hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai.
Bước 5: Người có nhu cầu thực hiện nghĩa vụ tài chính
Trong bước này người dân chỉ cần lưu ý vấn đề sau:
- Khi nhận được thông báo của chi cục thuế thì hộ gia đình, cá nhân có nghĩa vụ đóng các khoản tiền theo thông báo như: Lệ phí cấp Giấy chứng nhận, tiền sử dụng đất (nếu có), lệ phí trước bạ, phí thẩm định hồ sơ (nếu có).
- Khi nộp tiền xong thì giữ hóa đơn, chứng từ để xác nhận việc đã thực hiện nghĩa vụ tài chính và xuất trình khi nhận Giấy chứng nhận.
Lưu ý: Chỉ được nhận Giấy chứng nhận khi đã nộp xong các khoản tiền, trừ trường hợp ghi nợ tiền sử dụng đất.
Bước 6: Trả kết quả
Theo Điều 36 Nghị định 101/2024/NĐ-CP, sau khi nhận được thông báo về việc hoàn thành nghĩa vụ tài chính/được ghi nợ nghĩa vụ tài chính, trừ trường hợp Nhà nước cho thuê đất trả tiền hàng năm, cơ quan quản lý đất đai cấp huyện thực hiện:
- Lập tờ trình theo Mẫu số 09/ĐK ban hành kèm theo Nghị định 101/2024/NĐ-CP trình Ủy ban nhân dân cấp huyện ký Giấy chứng nhận.
Trường hợp thuê đất thì trình Ủy ban nhân dân cấp huyện ký quyết định cho thuê đất, ký Giấy chứng nhận; và thực hiện ký hợp đồng thuê đất.
- Chuyển Giấy chứng nhận, hợp đồng thuê đất (nếu thuộc trường hợp thuê đất) cho cơ quan tiếp nhận hồ sơ để trao cho người sử dụng đất.
- Chuyển hồ sơ cùng bản sao Giấy chứng nhận đã cấp đến Văn phòng đăng ký đất đai để cập nhật và chỉnh lý hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai.
Không đăng ký đất đai khi làm Sổ đỏ lần đầu bị phạt bao nhiêu?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 16 Nghị định 123/2024/NĐ-CP, không đăng ký đất đai khi làm Sổ đỏ lần đầu bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng, đồng thời, bị buộc phải thực hiện việc đăng ký đất lần đầu theo đúng quy định trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 132 Luật Đất đai 2024, cụ thể:
Đất vẫn đang sử dụng nhưng chưa đăng ký.
Đất được Nhà nước giao và cho thuê để sử dụng.
Đất được Nhà nước giao để quản lý mà chưa thực hiện đăng ký.