Thông tin an toàn về động đất? Một số thông tin an toàn về động đất người dân cần lưu ý?
Nội dung chính
Thông tin an toàn về động đất? Một số thông tin an toàn về động đất người dân cần lưu ý?
Động đất là một trong những thiên tai gây ra thiệt hại nghiệm trọng cho con người, dưới đây là một số thông tin an toàn về động đất mà người dân cần lưu ý:
(1) Chuẩn bị trước khi động đất xảy ra:
Nếu bạn sống ở khu vực thường xuyên có cảnh báo động đất, hãy chủ động chuẩn bị các vật dụng khẩn cấp, bao gồm: đèn pin, đài radio, quần áo ấm, chăn, bộ sơ cứu, thuốc men, nước đóng chai và thực phẩm không dễ hư hỏng. Đặt chúng ở nơi dễ thấy, dễ lấy để sử dụng ngay khi cần thiết.
(2) Giữ bình tĩnh và bảo vệ bản thân:
- Khi nhận được cảnh báo sớm từ cơ quan chức năng, hãy mở cửa ra vào và cửa sổ để đảm bảo lối thoát hiểm. Nếu xảy ra dư chấn, cần nhanh chóng thoát ra ngoài.
- Nếu đang ở trong nhà và không thể ra ngoài kịp thời, hãy ẩn nấp dưới gầm bàn, tủ, giường hoặc khu vực kiên cố để tránh bị thương do đồ vật từ trên cao rơi xuống.
- Nếu ở trong bếp, ngay lập tức tắt bếp, khóa van gas và nhanh chóng rời khỏi khu vực bếp.
3. Kiểm tra sự an toàn của mọi người xung quanh:
Hãy kiểm tra an toàn của người thân và hàng xóm bằng cách gọi tên hoặc, nếu có thể di chuyển trong khu vực an toàn, tìm kiếm xung quanh để hỗ trợ.
(4) Cập nhật thông tin liên tục:
Theo dõi thông tin trên đài phát thanh hoặc các phương tiện khác để cập nhật tình hình và hướng dẫn mới nhất từ cơ quan chức năng.
(5) Tránh xa các khu vực nguy hiểm:
Hướng dẫn mọi người tránh xa khu vực có nhiều nhà cao tầng hoặc công trình cao do nguy cơ sập đổ khi dư chấn tiếp diễn. Lưu ý không sử dụng ô tô, trừ các khu vực miền núi hoặc nơi được khuyến cáo.
(6) Xử lý tình huống khẩn cấp:
Trong trường hợp xảy ra cháy, nổ hoặc tai nạn, hãy hô hoán mọi người cùng dập lửa và cứu người. Đồng thời, gọi ngay cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ qua số 114 để được hỗ trợ kịp thời.
(7) Dự trữ nhu yếu phẩm:
Sau thảm họa, hỗ trợ từ bên ngoài có thể không đến ngay. Do đó, hãy chuẩn bị nhu yếu phẩm đủ để phục vụ gia đình và hỗ trợ người xung quanh trong những ngày đầu tiên. Ngoài ra, thu thập thông tin thiệt hại và báo cáo cho chính quyền địa phương.
(8) Tuân thủ hướng dẫn của cơ quan chức năng:
- Chấp hành quy tắc sinh hoạt cộng đồng tại khu vực sơ tán, giữ tinh thần đoàn kết và hỗ trợ lẫn nhau.
- Đề phòng các nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, đặc biệt chú ý đến người già và trẻ nhỏ. Đảm bảo vệ sinh trong ăn uống và sinh hoạt chung.
Như vậy, có 08 thông tin an toàn về động đất cần lưu ý như trên để hạn chế thấp nhất những thiệt hại về người và của.
Thông tin an toàn về động đất? Một số thông tin an toàn về động đất người dân cần lưu ý? (Hình từ Internet)
Nhà nước có những chính sách gì về phòng chống thiên tai?
Căn cứ quy định tại Điều 5 Luật Phòng, chống thiên tai 2013 sửa đổi, bổ sung bởi Điều 1 Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều sửa đổi 2020, Nhà nước có những chính sách về phòng chống thiên tai như sau:
(1) Có chính sách đồng bộ về đầu tư, huy động nguồn lực và giải pháp tổ chức thực hiện công tác phòng, chống thiên tai; đầu tư xây dựng công trình phòng, chống thiên tai trọng điểm và hỗ trợ địa phương xây dựng công trình phòng, chống thiên tai theo phân cấp của Chính phủ.
(2) Đào tạo, giáo dục, huấn luyện, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng và người dân trong việc tuân thủ pháp luật và tham gia vào công tác phòng, chống thiên tai.
(3) Đầu tư cơ sở hạ tầng vùng thường xuyên bị thiên tai; di dời dân sinh sống ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn; hỗ trợ về đời sống và sản xuất đối với đối tượng bị thiệt hại do thiên tai gây ra, ưu tiên vùng thường xuyên chịu tác động của thiên tai, đối tượng dễ bị tổn thương.
(4) Khuyến khích tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chủ động thực hiện biện pháp phòng, chống thiên tai; khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng công trình, nghiên cứu và áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào hoạt động phòng, chống thiên tai. Nhà nước bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia phòng, chống thiên tai.
(5) Ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp bảo hiểm kinh doanh bảo hiểm rủi ro thiên tai; hỗ trợ đối với doanh nghiệp tham gia đầu tư sản xuất, kinh doanh ở vùng thường xuyên chịu tác động của thiên tai theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật về phòng, chống thiên tai; chính sách miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các khoản đóng góp cho phòng, chống thiên tai.
(6) Ưu tiên bố trí nguồn lực nghiên cứu, điều tra cơ bản, xây dựng và triển khai chương trình khoa học và công nghệ trong phòng, chống thiên tai; tăng cường giải pháp khắc phục hậu quả thiên tai.
(7) Ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, huấn luyện nâng cao năng lực cho người làm công tác phòng, chống thiên tai; huấn luyện, cung cấp phương tiện, trang thiết bị cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã.