Thời gian thực hiện đăng ký biến động đất đai nhận quyền sử dụng đất theo kết quả hòa giải thành về tranh chấp đất đai là bao lâu?
Nội dung chính
Thời gian thực hiện đăng ký biến động đất đai nhận quyền sử dụng đất theo kết quả hòa giải thành về tranh chấp đất đai là bao lâu?
Căn cứ điểm k khoản 2 Điều 22 Nghị định 101/2024/NĐ-CP quy định như sau:
Thời gian thực hiện thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất
...
2. Đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất thì thời gian thực hiện như sau:
a) Trường hợp chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp mà không theo phương án dồn điền, đổi thửa hoặc trường hợp chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là không quá 10 ngày làm việc;
...
k) Trường hợp nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo kết quả hòa giải thành về tranh chấp đất đai, khiếu nại, tố cáo về đất đai là không quá 08 ngày làm việc;
l) Trường hợp nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất do xử lý tài sản thế chấp là không quá 08 ngày làm việc;
m) Trường hợp thay đổi về quyền sử dụng đất xây dựng công trình trên mặt đất phục vụ cho việc vận hành, khai thác sử dụng công trình ngầm, quyền sở hữu công trình ngầm là không quá 15 ngày làm việc;
Theo đó, thời gian thực hiện đăng ký biến động đất đai nhận quyền sử dụng đất theo kết quả hòa giải thành về tranh chấp đất đai là không quá 08 ngày làm việc.
Thời gian thực hiện đăng ký biến động đất đai nhận quyền sử dụng đất theo kết quả hòa giải thành về tranh chấp đất đai là bao lâu? (Hình từ Internet)
Hình thức nộp hồ sơ đăng ký biến động đất đai được quy định ra sao?
Đăng ký biến động đất đai là một trong số hai thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất được nêu tại khoản 3 Điều 131 Luật Đất đai 2024. Hình thức thực hiện là đăng ký giấy hoặc đăng ký điện tử và có giá trị như nhau.
Theo đó, hình thức nộp hồ sơ đăng ký biến động đất đai theo quy định tại khoản 2 Điều 21 Nghị định 101/2024/NĐ-CP thì người yêu cầu đăng ký được lựa chọn nộp hồ sơ theo các hình thức sau đây:
(1) Nộp trực tiếp tại các cơ quan quy định tại khoản 1 Điều 21 Nghị định 101/2024/NĐ-CP
(2) Nộp thông qua dịch vụ bưu chính;
(3) Nộp tại địa điểm theo thỏa thuận giữa người yêu cầu đăng ký và Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai;
(4) Nộp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công cấp tỉnh;
(5) Khi nộp hồ sơ tại cơ quan quy định tại khoản 1 Điều 21 Nghị định 101/2024/NĐ-CP theo hình thức quy định tại các điểm (1), (2), (3) thì người yêu cầu đăng ký được lựa chọn nộp bản sao giấy tờ và xuất trình bản chính để cán bộ tiếp nhận hồ sơ kiểm tra đối chiếu hoặc nộp bản chính giấy tờ hoặc nộp bản sao giấy tờ đã có công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực, trừ trường hợp quy định tại điểm e khoản này;
Trường hợp nộp hồ sơ theo hình thức quy định tại điểm d khoản này thì hồ sơ nộp phải được số hóa từ bản chính hoặc bản sao giấy tờ đã được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật;
(6) Đối với thủ tục đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất mà thực hiện xác nhận thay đổi trên Giấy chứng nhận đã cấp thì người yêu cầu đăng ký nộp bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp.
Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong việc tổ chức triển khai đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất
Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong việc tổ chức triển khai đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất theo quy định theo Điều 20 Nghị định 101/2024/NĐ-CP như sau:
(1) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm sau đây:
- Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện việc tuyên truyền và tổ chức thực hiện đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và lập, cập nhật, chỉnh lý và quản lý hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai;
- Bố trí kinh phí để thực hiện việc đăng ký đất đai lần đầu.
(2) Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm triển khai đăng ký đất đai; hằng năm chỉ đạo rà soát và tổ chức đăng ký đất đai đối với các trường hợp chưa thực hiện đăng ký trên địa bàn; chỉ đạo việc kiểm tra, xử lý các trường hợp không đăng ký đất đai theo quy định của pháp luật.
(3) Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm sau đây:
- Tổ chức việc đăng ký đất đai trên địa bàn; hướng dẫn, tuyên truyền người sử dụng đất thực hiện việc đăng ký đất đai; kiểm tra, xử lý các trường hợp không đăng ký đất đai theo quy định của pháp luật;
- Thực hiện các công việc quy định tại Điều 33 Nghị định 101/2024/NĐ-CP;
- Thành lập Hội đồng đăng ký đất đai lần đầu (sau đây gọi là Hội đồng đăng ký đất đai) để tham mưu thực hiện các nhiệm vụ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 33 Nghị định 101/2024/NĐ-CP.
Thành phần Hội đồng đăng ký đất đai bao gồm đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp xã, đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở cấp xã; công chức làm công tác địa chính, tư pháp ở cấp xã; người đứng đầu, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn, làng, ấp, bản, bon, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, điểm dân cư nơi có đất và các thành phần khác do Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định.
Hội đồng đăng ký đất đai hoạt động theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số, thông qua họp trực tiếp hoặc gửi lấy ý kiến các thành viên. Kết quả tư vấn của Hội đồng đăng ký đất đai là căn cứ để Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện các nhiệm vụ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 33 Nghị định 101/2024/NĐ-CP;
- Thời gian thực hiện các công việc quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 33 Nghị định 101/2024/NĐ-CP theo thủ tục hành chính do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định nhưng không vượt quá 10 ngày làm việc.