Theo quy định hiện nay cơ quan thi hành án từ chối nhận tiền thi hành án có đúng không?
Nội dung chính
Theo quy định hiện nay cơ quan thi hành án từ chối nhận tiền thi hành án có đúng không?
Pháp luật thi hành án dân sự quy định Nhà nước khuyến khích đương sự tự nguyện thi hành án. Người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành thì bị cưỡng chế thi hành án.
Trường hợp bà hỏi, do bà không tự nguyện thi hành án, nên Chấp hành viên của cơ quan thi hành án ra quyết định cưỡng chế thi hành án là có cơ sở. Khi Chấp hành viên chưa thực hiện việc cưỡng chế kê biên tài sản, bà đem tiền (tương ứng 4% số tiền phải thi hành) đến cơ quan thi hành án nộp nhưng bị từ chối, thì việc từ chối nhận tiền là không có căn cứ.
Song, việc bà đem không đầy đủ số tiền phải thi hành án và chi phí cưỡng chế thi hành án đã phát sinh thì cũng không phải là cơ sở để cơ quan thi hành án không cưỡng chế thi hành án nữa. Trong trường hợp này, cơ quan thi hành án thu số tiền bà đem đến nộp và vẫn có quyền tiến hành áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản tương ứng với số tiền mà bà còn phải thi hành án. Tài sản sẽ kê biên là một thể thống nhất, nếu tách ra sẽ làm mất hoặc giảm đáng kể giá trị của tài sản, thì cơ quan thi hành án có quyền kê biên, xử lý toàn bộ tài sản đó để đảm bảo thi hành án.
Căn cứ quy định tại khoản 5 Điều 101 Luật Thi hành án dân sự 2008, trước khi mở cuộc bán đấu giá 01 ngày làm việc, bà là người phải thi hành án có quyền nhận lại tài sản nếu nộp đủ tiền thi hành án và thanh toán các chi phí thực tế, hợp lý đã phát sinh từ việc cưỡng chế thi hành án, tổ chức bán đấu giá. Người phải thi hành án có trách nhiệm hoàn trả phí tổn thực tế, hợp lý cho người đăng ký mua tài sản. Mức phí tổn do các bên thoả thuận, nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết.