Thẩm quyền xác định mốc giới thửa đất thuộc về cơ quan nào?
Nội dung chính
Thẩm quyền xác định mốc giới thửa đất thuộc về cơ quan nào?
Theo khoản 1 Điều 31 Luật Đất đai 2024 quy định nghĩa vụ chung của người sử dụng đất như sau:
Điều 31. Nghĩa vụ chung của người sử dụng đất
1. Sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới thửa đất, đúng quy định về sử dụng độ sâu trong lòng đất và chiều cao trên không, bảo vệ các công trình công cộng trong lòng đất và tuân thủ quy định khác của pháp luật có liên quan.
[...]
Đồng thời, căn cứ Điều 60 Nghị định 101/2024/NĐ-CP việc người sử dụng đất xin khai thác thông tin dữ liệu đất đai được quy định về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và Hệ thống thông tin đất đai, theo đó:
Điều 60. Trình tự, thủ tục cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai
[...]
6. Cơ quan cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai
a) Cơ quan cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai ở trung ương là Trung tâm Dữ liệu và Thông tin đất đai trực thuộc Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường;
b) Cơ quan cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai ở địa phương là Văn phòng đăng ký đất đai. Đối với địa phương chưa xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, Văn phòng đăng ký đất đai, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai từ hồ sơ địa chính theo phân cấp quản lý hồ sơ địa chính.
Việc thực hiện quản lý hồ sơ địa chính được quy định tại Điều 23 Thông tư 10/2024/TT-BTNMT như sau:
Điều 23. Thực hiện quản lý hồ sơ địa chính
1. Quản lý hồ sơ địa chính dạng số:
a) Văn phòng đăng ký đất đai thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm quản lý hồ sơ địa chính dạng số của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
b) Đối với huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai mà chưa kết nối với cơ sở dữ liệu đất đai của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai chịu trách nhiệm quản lý hồ sơ địa chính dạng số của huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương.
2. Quản lý hồ sơ địa chính dạng giấy:
a) Văn phòng đăng ký đất đai thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường quản lý các tài liệu gồm:
- Hệ thống hồ sơ thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất của các đối tượng thuộc thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết và hồ sơ do cơ quan giải quyết thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận theo quy định chuyển đến;
- Bản đồ địa chính, mảnh trích đo bản đồ địa chính và các loại bản đồ, tài liệu đo đạc khác đang sử dụng để đăng ký, cấp Giấy chứng nhận;
- Hệ thống sổ địa chính đang sử dụng, được lập cho các đối tượng đăng ký thuộc thẩm quyền;
- Hồ sơ địa chính đã lập qua các thời kỳ không sử dụng thường xuyên trong quản lý đất đai;
b) Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai quản lý các tài liệu gồm:
- Hệ thống hồ sơ thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất của các đối tượng thuộc thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết và hồ sơ do cơ quan giải quyết thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận theo quy định chuyển đến;
- Bản đồ địa chính, mảnh trích đo bản đồ địa chính và các loại bản đồ, tài liệu đo đạc khác sử dụng trong đăng ký, cấp Giấy chứng nhận;
- Hệ thống sổ địa chính đang sử dụng, được lập cho các đối tượng đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất thuộc thẩm quyền;
c) Ủy ban nhân dân cấp xã (trực tiếp là công chức làm công tác địa chính cấp xã) quản lý bản đồ địa chính, mảnh trích đo bản đồ địa chính, sổ địa chính, sổ mục kê đất đai.
3. Cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp tỉnh (sau đây gọi là Sở Tài nguyên và Môi trường), cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp huyện (sau đây gọi là Phòng Tài nguyên và Môi trường), Ủy ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm bảo đảm các điều kiện cho việc lưu trữ, bảo quản hồ sơ địa chính thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương.
Như vậy, quy định trên quy định từng trường hợp cụ thể hồ sơ địa chính được lưu ở các cơ quan gồm: Văn phòng đăng ký đất đai thuộc Sở, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai, UBND xã.
Thẩm quyền xác định mốc giới thửa đất thuộc về cơ quan nào? (Hình từ Internet)
Hướng dẫn lập bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất?
Theo khoản 3 Điều 13 Thông tư 26/2024/TT-BTNMT quy định về lập bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất như sau:
- Bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất được lập trước khi đo đạc chi tiết để ghi nhận kết quả xác định ranh giới thửa đất theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 13 Thông tư 26/2024/TT-BTNMT cho tất cả các thửa đất, trừ trường hợp thửa đất là đối tượng chiếm đất không tạo thành thửa đất, thửa đất nông nghiệp có bờ thửa hoặc cọc mốc cố định trên thực địa và đo đạc tách thửa đất, hợp thửa đất;
- Trường hợp thửa đất đang có tranh chấp về ranh giới thì trên Bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất thể hiện đồng thời ranh giới theo hiện trạng và theo ý kiến của các bên có tranh chấp;
- Trường hợp người sử dụng đất, người sử dụng đất liền kề vắng mặt trong suốt thời gian đo đạc hoặc người sử dụng đất liền kề có mặt nhưng không tham gia xác định ranh giới và ranh giới không có tranh chấp thì việc xác định ranh giới và lập bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất do đơn vị đo đạc, các bên liên quan còn lại và người dẫn đạc thực hiện và ký xác nhận; đơn vị đo đạc chuyển bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất đã lập cho Ủy ban nhân dân cấp xã để thông báo, công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và nhà văn hoá thôn (làng, ấp, bản, bon, buôn, phum, sóc, tổ dân phố và điểm dân cư tương tự) nơi có đất.
Sau 15 ngày kể từ ngày thông báo, niêm yết mà người sử dụng đất, người sử dụng đất liền kề không có mặt để ký xác nhận hoặc sau 10 ngày kể từ ngày người sử dụng đất, người sử dụng đất liền kề nhận được bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất mà không ký xác nhận, đồng thời không có văn bản thể hiện việc có tranh chấp ranh giới thửa đất thì đơn vị đo đạc cùng với Ủy ban nhân dân cấp xã lập biên bản về các trường hợp này và ghi rõ “vắng mặt” hoặc lý do cụ thể việc người sử dụng đất, người sử dụng đất liền kề không ký xác nhận trong bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất; ranh giới thửa đất được xác định theo bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất đã lập để đo đạc chi tiết;
- Đơn vị đo đạc có trách nhiệm lập danh sách có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã đối với thửa đất không lập bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất, thửa đất đang có tranh chấp về ranh giới và thửa đất mà người sử dụng đất, người sử dụng đất liền kề vắng mặt, người sử dụng đất không ký xác nhận quy định tại các điểm a, b và c khoản này;
- Bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất được lập và ký xác nhận theo mẫu quy định tại Phụ lục số 12 kèm theo Thông tư 26/2024/TT-BTNMT. Ranh giới sử dụng đất, ranh giới quản lý đất giữa các bên được xác định là đã thỏa thuận thống nhất sau khi được người sử dụng đất liền kề hoặc người quản lý đất liền kề ký xác nhận đồng ý.
Trường hợp đất do các công ty nông, lâm nghiệp đang quản lý, sử dụng theo quy định tại Điều 181 Luật Đất đai thì bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất được lập và ký xác nhận theo mẫu quy định tại Phụ lục số 12a kèm theo Thông tư 26/2024/TT-BTNMT
Cách để xem bản đồ quy hoạch đất trên Hệ thống thông tin Quốc gia về đất đai?
Căn cứ khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 60 Nghị định 101/2024/NĐ-CP, tổ chức, cá nhân có nhu cầu xem bản đồ quy hoạch đất nộp văn bản, phiếu yêu cầu cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai tới cơ quan cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai theo Mẫu số 13/ĐK bằng một trong các phương thức sau:
- Nộp trên Cổng thông tin đất đai quốc gia, Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cổng dịch vụ công cấp tỉnh.
- Nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường công văn, điện tín, qua dịch vụ bưu chính.
- Nộp thông qua các phương tiện điện tử khác theo quy định của pháp luật.
Cơ quan cung cấp thông tin đất đai tiếp nhận, xử lý và thông báo phí, giá dịch vụ cho tổ chức, cá nhân. Nếu từ chối, phải nêu rõ lý do và trả lời trong 2 ngày làm việc. Sau khi nộp phí, cơ quan sẽ cung cấp thông tin theo yêu cầu.