Sản phẩm của Đề án Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tỉnh Thanh Hóa gồm những gì?

Sản phẩm của Đề án Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tỉnh Thanh Hóa gồm những gì? Nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm của Đề án Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tỉnh Thanh Hóa ra sao?

Nội dung chính

    Sản phẩm của Đề án Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tỉnh Thanh Hóa gồm những gì?

    Căn cứ khoản 4 Điều 1 Quyết định 69/QĐ-UBND năm 2024 của UBND tỉnh Thanh Hóa, Tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt "Đề án Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tỉnh Thanh Hóa" (gọi tắt là Đề án), các sản phẩm của Đề án Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tỉnh Thanh Hóa bao gồm:

    (1) Hệ thống bản đồ, hồ sơ địa chính: Bản đồ địa chính, sổ mục kê đất đai, sổ địa chính theo đơn vị hành chính cấp xã.

    (2) Cơ sở dữ liệu đất đai

    - Cơ sở dữ liệu địa chính; cơ sở dữ liệu thống kê, kiểm kê đất đai; cơ sở dữ liệu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; cơ sở dữ liệu giá đất.

    - Thông tin, dữ liệu về các dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh.

    - Hệ thống phần mềm quản lý, vận hành cơ sở dữ liệu đất đai; phần mềm theo dõi thông tin, dữ liệu về các dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh.

    - Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin vận hành cơ sở dữ liệu đất đai.

    Sản phẩm của Đề án Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tỉnh Thanh Hóa gồm những gì?

    Sản phẩm của Đề án Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tỉnh Thanh Hóa gồm những gì? (Hình từ Internet) 

    Nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm của Đề án Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tỉnh Thanh Hóa

    Nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm của Đề án Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tỉnh Thanh Hóa được quy định tại khoản 3 Điều 1 Quyết định 69/QĐ-UBND năm 2024 của UBND tỉnh Thanh Hóa như sau:

    (1) Xây dựng hoàn thiện hệ thống bản đồ, hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn tỉnh

    - Tổ chức khảo sát, đánh giá hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn tỉnh; đầu tư, nâng cấp phần mềm và hạ tầng công nghệ thông tin, đảm bảo kết nối, chia sẻ thông tin với cơ sở dữ liệu quốc gia; xây dựng phần mềm theo dõi thông tin, dữ liệu về các dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh và cập nhật thông tin, dữ liệu các dự án đầu tư.

    - Tập trung hoàn thành các nhiệm vụ đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính, đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lập hồ sơ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn năm 2023-2028.

    (2) Đẩy mạnh chuyển đổi số và nâng cao năng lực quản lý nhà nước về đất đai

    - Đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất; tập trung bố trí nguồn lực hợp lý để xây dựng, hoàn thiện đúng tiến độ hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn tỉnh; phục vụ hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về đất đai, công tác đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng; quản lý, kiểm tra, giám sát các dự án, công trình có sử dụng đất; lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thống kê, kiểm kê đất đai, giá đất; bảo đảm việc quản lý, vận hành, kết nối và chia sẻ thông tin tập trung, thống nhất; thực hiện đăng ký bắt buộc về quyền sử dụng đất và mọi biến động đất đai, ngăn chặn các trường hợp giao dịch không đăng ký tại cơ quan Nhà nước.

    - Đào tạo, hướng dẫn, nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức, viên chức nhằm xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu đất đai; duy trì thường xuyên các hoạt động, gắn với bổ sung, cập nhật kịp thời, đầy đủ, chính xác thông tin vào cơ sở dữ liệu đất đai của tỉnh, phục vụ có hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhu cầu tra cứu, khai thác dữ liệu đất đai của doanh nghiệp và người dân.

    (3) Cân đối, bố trí kinh phí để triển khai thực hiện và hoàn thành các nhiệm vụ của Đề án

    - UBND các cấp cân đối, bố trí kinh phí phù hợp để thực hiện các nhiệm vụ của Đề án theo quy định. Trong đó, nguồn ngân sách cấp tỉnh đảm bảo kinh phí cho các nhiệm vụ do cấp tỉnh thực hiện và hỗ trợ kinh phí cho các huyện miền núi (11 huyện) chưa cân đối được ngân sách để thực hiện Đề án; nguồn kinh phí ngân sách cấp huyện (trừ các huyện miền núi) tự đảm bảo toàn bộ kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ của Đề án tại địa phương.

    - Tiếp tục đấu mối chặt chẽ với các Bộ, ban, ngành ở Trung ương để được hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách Trung ương thực hiện các nhiệm vụ của Đề án (nếu có).

    (4) Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong trong tổ chức thực hiện Đề án

    Các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về đất đai cho cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp và người dân.

    Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của Đề án, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ thời gian và mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án được phê duyệt.

    Phát huy vai trò giám sát của Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội các cấp và nhân dân; phát hiện và phản ánh kịp thời những vướng mắc, bất cập, sai phạm (nếu có) trong triển khai thực hiện Đề án để xử lý kịp thời, hiệu quả.

    Dự kiến nhu cầu vốn để thực hiện Đề án Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tỉnh Thanh Hóa là bao nhiêu?

    Dự kiến nhu cầu vốn được quy định tại điểm 5.1 khoản 5 Điều 1 Quyết định 69/QĐ-UBND năm 2024 của UBND tỉnh Thanh Hóa thì tổng dự toán nhu cầu vốn thực hiện Đề án dự kiến khoảng 716.627 triệu đồng (Bằng chữ: Bảy trăm mười sáu tỷ, sáu trăm hai bảy triệu đồng).

    Trong đó, phân kỳ đầu tư theo từng năm như sau:

    - Năm 2024 dự kiến khoảng 179.587 triệu đồng.

    - Năm 2025 dự kiến khoảng 158.935 triệu đồng.

    - Năm 2026-2028 dự kiến khoảng 378.105 triệu đồng (Bình quân khoảng 126.035 triệu đồng/năm).

    15