Quyết định bảo lĩnh bị can, bị cáo có cần sự đồng ý của Viện kiểm sát? Ai có quyền áp dụng biện pháp bảo lĩnh này?

Quyết định bảo lĩnh bị can, bị cáo có cần phải được sự đồng ý của Viện kiểm sát?Cơ quan có được đứng ra bảo lĩnh cho người trong đơn vị? Ai được quyền áp dụng biện pháp bảo lĩnh cho bị can, bị cáo?

Nội dung chính

    Quyết định bảo lĩnh bị can, bị cáo có cần phải được sự đồng ý của Viện kiểm sát không?

    Tại Khoản 4, Khoản 5 Điều 121 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, cụ thể như sau:

    - Những người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có quyền ra quyết định bảo lĩnh. Quyết định của những người quy định tại điểm a khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành.

    - Thời hạn bảo lĩnh không được quá thời hạn điều tra, truy tố hoặc xét xử theo quy định của Bộ luật này. Thời hạn bảo lĩnh đối với người bị kết án phạt tù không quá thời hạn kể từ khi tuyên án cho đến thời điểm người đó đi chấp hành án phạt tù.

    Như vậy, theo quy định nêu trên thì quyết định bảo lãnh Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp phải được VKS cùng cấp phê chuẩn, còn của các đối tượng khác không có yêu cầu phải được VKS phê chuẩn.

    Quyết định bảo lĩnh bị can, bị cáo có cần sự đồng ý của Viện kiểm sát? Ai có quyền áp dụng biện pháp bảo lĩnh này? (Hình từ internet)

    Cơ quan có được đứng ra bảo lĩnh cho người trong đơn vị?

    Tại Khoản 2 Điều 121 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, có quy định:

    Cơ quan, tổ chức có thể nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo là người của cơ quan, tổ chức mình. Cơ quan, tổ chức nhận bảo lĩnh phải có giấy cam đoan và có xác nhận của người đứng đầu cơ quan, tổ chức.

    Cá nhân là người đủ 18 tuổi trở lên, nhân thân tốt, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, thu nhập ổn định và có điều kiện quản lý người được bảo lĩnh thì có thể nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo là người thân thích của họ và trong trường hợp này thì ít nhất phải có 02 người. Cá nhân nhận bảo lĩnh phải làm giấy cam đoan có xác nhận của chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập.

    Trong giấy cam đoan, cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận bảo lĩnh phải cam đoan không để bị can, bị cáo vi phạm các nghĩa vụ quy định tại khoản 3 Điều này. Cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận bảo lĩnh được thông báo về những tình tiết của vụ án liên quan đến việc nhận bảo lĩnh.

    Như vậy, theo quy định nêu trên thì cơ quan được bảo lĩnh cho người là bị can, bị cáo của đơn vị mình. Nhưng phải có giấy cam đoan và có xác nhận của người đứng đầu đơn vị.

    Ai được quyền áp dụng biện pháp bảo lĩnh cho bị can, bị cáo?

    Tại Khoản 4 Điều 121 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, có quy định:

    Những người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có quyền ra quyết định bảo lĩnh. Quyết định của những người quy định tại điểm a khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành.

    Như vậy, thẩm phán chủ tọa phiên tòa và những người thuộc quy định tại Khoản 1 Điều 113 Bộ luật có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo lĩnh. 

    Và tại Khoản 1 Điều 113 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 có quy định:

    Những người sau đây có quyền ra lệnh, quyết định bắt bị can, bị cáo để tạm giam:

    - Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp. Trường hợp này, lệnh bắt phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành;

    - Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự các cấp;

    - Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân và Chánh án, Phó Chánh án Tòa án quân sự các cấp; Hội đồng xét xử.

    187